Theo thông tin từ Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 dự ước đạt 2,52 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt 7,2% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa dự ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2021, vượt 8,4% kế hoạch năm.
Nhiều mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 như linh kiện điện thoại (tăng 35,4%), dệt may (tăng 19,6%), dây điện và cáp điện (tăng 219,5%), hoa quả chế biến và nước hoa quả (tăng 17%), bột đá vôi trắng siêu mịn (tăng 17,3%), viên nén gỗ (tăng 320%), giày dép các loại (tăng 531%),…
Sản phẩm Tôn Hoa Sen (KCN Đông Hồi, Hoàng Mai) của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Thu Huyền
Năm 2022, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và tận dụng hiệu quả những thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết. Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng hơn 127 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó hàng hóa được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc (chiếm 24,6% tổng kim ngạch xuất khẩu), Hàn Quốc (chiếm 13%), Hồng Kông (chiếm 11,3%), Đài Loan (chiếm 7,8%), Hoa Kỳ (chiếm 11,3%),..
Một số thị trường xuất khẩu mới trong năm nay như: Sao Tome và Principe, Costa Rica, Guinea Xích đạo, Niger, Djibouti, Palau, New Caledonia, Armenia, Comoros, Vanuatu, Cộng hòa Congo, Palau…
Kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An năm 2022. Đồ hoạ: Hữu Quân
Có trên 340 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (bao gồm khoảng 200 doanh nghiệp nội tỉnh và 140 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An). Theo thống kê, có 11 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 30 triệu USD, 22 doanh nghiệp đạt trên 20 triệu USD.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu có tham gia hoạt động xuất khẩu thường xuyên và đạt kim ngạch khá (trên 30 triệu USD), cụ thể: Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty TNHH Merry&Luxshare Việt Nam và LUXSHARE – ICT (Nghệ An), Công ty CP May Minh Anh – Đô Lương, May Minh Anh – Kim Liên, Công ty TNHH Kido Vinh, Công ty TNHH Em – Tech Việt Nam tại Nghệ An.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Nghệ An tăng gần 20%. Ảnh: Thu Huyền
Kim ngạch nhập khẩu năm 2022 dự ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xăng dầu, máy móc, thiết bị, thép các loại, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khác,… Hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng nhờ sự mở rộng của các lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất.
Năm 2022, các doanh nghiệp Nghệ An đã nhập khẩu từ khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó các thị trường chủ yếu gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản,…
Tàu “ăn hàng” tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền
Sở Công Thương nhận định, kết quả xuất nhập khẩu trong thời gian qua là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp đã và đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do.
Chia sẻ về kết quả xuất khẩu trong thời gian qua, Giám đốc Sở Công Thương – ông Phạm Văn Hoá cho biết, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2021-2025” sau khi được phê duyệt, là tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKVTA… tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các đối tác xuất khẩu mới, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới…
Nguồn: Thu Huyền – Báo Nghệ An