Nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử

Đăng ngày 26/08/2014

5 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 8, trên con đường về khối Hiếu Hạp, phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò, chúng tôi tình cờ chứng kiến hình ảnh người dân vừa quét dọn vừa chuyện trò, nói cười rôm rả. Chưa đầy 30 phút, các con đường nội khối đã trở nên thông thoáng và sạch sẽ.
Nhân viên khách sạn Sài Gòn – Kim Liên Resort ở Cửa Lò tiếp đón khách du lịch. 	Ảnh: thủy hiền
Nhân viên khách sạn Sài Gòn – Kim Liên Resort ở Cửa Lò tiếp đón khách du lịch. Ảnh: Thủy Hiền
Từ nhiều năm nay, hoạt động này đã trở thành nề nếp của người dân trong khối. Bác Võ Văn Lương – Khối trưởng khối Hiếu Hạp nhớ lại: “Khi Cửa Lò lên thị xã, người dân chuyển sang kinh doanh du lịch, bươn chải mưu sinh nên chẳng ai để ý đến môi trường sống xung quanh. Mặt khác, một số sinh viên thuê trọ trên địa bàn thiếu ý thức xây dựng tập thể nên các con đường nội khối trước đây luôn trong tình trạng nhếch nhác, an ninh trật tự lại bất ổn. Tình làng, nghĩa xóm nhạt dần”. Trước thực trạng đó, cán bộ khối Hiếu Hạp đã vào cuộc, kiên trì vận động; qua các buổi họp chi bộ, khối giao trách nhiệm cho từng đảng viên phụ trách những trục đường và các hộ cụ thể, nhắc nhở thực hiện nghiêm nội quy của khối. Mưa dầm thấm lâu, tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định trên địa bàn khối đã chấm dứt. Ngoài tham gia vệ sinh chung toàn khối, hàng ngày các gia đình trong khối tự giác đưa rác đến 2 điểm tập kết đúng quy định. Năm 2014, khối Hiếu Hạp đã được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc bảo vệ môi trường khối phố.  
 
Ngoài tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, các tiêu chí về xây dựng đời sống khu dân cư của khối Hiếu Hạp cũng được UBND phường và thị xã đánh giá cao. Hiện nay, không chỉ khối Hiếu Hạp mà 10/10 khối của phường Nghi Thu đều đạt danh hiệu Khối Văn hóa; 94 – 95% Gia đình Văn hóa… 
 
Phong trào “Xây dựng nếp sống văn hóa đô thị du lịch Cửa Lò” do thị xã phát động đã được 7/7 phường trên địa bàn vào cuộc quyết liệt. Anh Đậu Khắc Trung – Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Hương cho biết: “Muốn người dân có ý thức xây dựng đời sống văn hóa đô thị thì phải biết tạo ra các hoạt động phong trào sôi nổi để thu hút họ tham gia. Từ đó, họ sẽ tự ý thức phải sống có văn hóa, xây dựng đô thị văn hóa mà chính họ là người được hưởng thụ”. Hay như phường Nghi Hòa, để đạt tiêu chí thiết chế văn hóa tiêu biểu của thị xã, nhân dân đã thống nhất đóng góp từ 150 – 300 nghìn đồng/hộ/năm. Cùng với sự đóng góp từ con em xa quê, mỗi năm phường huy động được 500 triệu đồng, dần đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa cho các khối. Đến nay, phường có 11/11 khối văn hóa, trong đó, tiêu biểu có các khối Hạ tầng 1, Hạ tầng 2, Tân Diện…
 
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và người dân trên địa bàn thị xã, hiện nay, toàn thị xã có 91% Gia đình Văn hóa; hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao được đầu tư đồng bộ từ phường đến khối…
 
“Cách đây 10 năm, khi tôi về nước lần thứ 2, tình trạng bán hàng rong, chèo kéo, đeo bám khách trên khu vực bãi tắm Cửa Lò thật sự rất khó chịu. Đó là hình ảnh xấu cho một khu du lịch đang trên đà phát triển. Nhưng đợt này về Cửa Lò tôi rất hài lòng về cách ứng xử văn minh, thân thiện. Các nhà hàng đều có bảng giá niêm yết nên tôi rất yên tâm”, đó là ghi nhận của ông Trương Huy Mậu – Việt kiều tu nghiệp ở Canada trong dịp về nghỉ mát ở Cửa Lò vào đầu tháng 8 vừa qua.
 
Để có được hình ảnh đẹp như hôm nay thì điều quan trọng nhất là sự thay đổi nhận thức của chính người dân thị xã. “Nếu không thay đổi thì du khách sẽ có ấn tượng không đẹp đối với một đô thị du lịch đang trên đà phát triển, như thế đồng nghĩa với lượng khách giảm đi, kinh doanh thua lỗ”, ông Nguyễn Trọng Bình – chủ quán Bình Cúc (phường Nghi Thu) bộc bạch. Quan điểm ấy chính là sự đổi thay về văn hóa ứng xử trong kinh doanh du lịch của người dân thị xã. Sự thay đổi đó là cả một quá trình vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân trong thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa Thị xã Cửa Lò 2011 – 2015”, đặc biệt là chủ trương “5 không” (Không nâng ép giá; không chèo kéo đeo bám khách; không tẩm quất, bán hàng rong; không làm tổn hại môi trường; không làm mất an ninh trật tự) do thị xã phát động.
 
Cụ thể, phường Nghi Hương đã thành lập 5 tổ tự quản/57 ki-ốt, mỗi tổ 12 – 15 hộ tham gia. Với quy ước, nếu trong tổ có hộ vi phạm chủ trương “5 không” thì sẽ bị xử phạt 1 triệu đồng đối với lần thứ nhất; lần 2 mức phạt là 2 triệu đồng; lần 3 là cắt điện 3 ngày; và nếu tiếp tục tái phát sẽ thu hồi ốt chấm dứt kinh doanh. Đối với các đối tượng ăn xin có thái độ côn đồ khi được nhắc nhở và yêu cầu chấm dứt hành nghề, các tổ tự quản đã phối hợp với tổ an ninh trật tự để xử lý dứt điểm. Vào mùa du lịch, cán bộ cơ sở trực tiếp xuống tận khu dân cư tham mưu, hướng dẫn, chỉ rõ tầm quan trọng khi ứng xử có văn hóa trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, các phường đã tổ chức tập huấn văn hóa ứng xử cho những hộ kinh doanh nhà hàng lớn nhỏ, các hàng ăn vỉa hè, đội ngũ xe lai, xe điện… 
 
Lê Hoa