Nam Đàn (Nghệ An): Khai thác tiềm năng du lịch

Đăng ngày 28/03/2014

Bên cạnh các di sản văn hoá vật thể, Nam Đàn còn là một trong những cái nôi hát ví phường vải. Hàng năm trên địa bàn huyện có rất nhiều lễ hội, trong đó có 2 lễ hội lớn là Lễ hội Vua Mai và Lễ hội Làng Sen. Về văn hoá ẩm thực, Nam Đàn nổi tiếng với các đặc sản: tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, cá mòi sông Lam, cá rô Bàu Nón… Ngoài ra, Nam Đàn còn có hơn 7.500 ha rừng được quy hoạch thành rừng đặc dụng gắn liền với các di tích lịch sử tạo nên cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông tốt và hệ thống di sản văn hoá phong phú và đa dạng, Nam Đàn xác định ngành du lịch, dịch vụ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Để phát huy tối đa lợi thế đó, Huyện uỷ, UBND huyện Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 có tính đến 2020, Đề án về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch… nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để khai thác nguồn tài nguyên du lịch sẵn có của địa phương.

Để làm “sống dậy” giá trị của các di tích lịch sử, Nam Đàn đã huy động các nguồn lực, nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau để phục dựng, trùng tu tôn tạo các di tích. Trong đó có nhiều dự án được Trung ương, tỉnh đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác như: Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Lăng mộ và đền thờ Vua Mai, mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Dự án Bảo tồn và Tôn tạo Khu Di tích Lịch sử Văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch… Huyện còn huy động nguồn vốn từ công tác xã hội hoá để bảo tồn tôn tạo các di tích như: chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang. Ông Hồ Anh Mai – Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Đàn cho biết: “Ngoài việc quan tâm phục dựng, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, để thu hút du khách đến với Nam Đàn, chúng tôi còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá bằng cách thông qua việc tổ chức tốt các lễ hội lớn hàng năm như: Lễ hội Vua Mai, Lễ hội Làng Sen… để nhân dân cả nước biết về Nam Đàn nhiều hơn, từ đó tạo cơ hội kêu gọi đầu tư phát triển du lịch cho huyện nhà; xây dựng các chuyên đề, phóng sự như “Nam Đàn điểm đến”, “Tình quê Nam Đàn”… đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ, liên hoan văn hoá ẩm thực, tổ chức các hội nghị doanh nghiệp lữ hành, khảo sát và xây dựng các tour du lịch trên địa bàn huyện; in và phát hành 2.000 đĩa VCD, 10.000 tờ gấp về du lịch Nam Đàn, nâng cấp cổng thông tin điện tử của huyện, qua đó giới thiệu một cách rõ nét về di sản văn hoá với du khách trong và ngoài nước”.

Để phát triển du lịch bền vững, Nam Đàn còn quan tâm xây dựng phát triển đời sống văn hoá trong nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá được thực hiện ngày càng có chiều sâu và hiệu quả, hơn 80% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá. Đề án “Xây dựng nếp sống văn hoá người Nam Đàn” được nhân dân đồng tình và hưởng ứng đạt kết quả tốt. Nhờ vậy, văn hoá ứng xử tại các điểm tham quan du lịch được nâng lên rõ rệt, mỗi người dân tại điểm tham quan thực sự trở thành một hướng dẫn viên – một sứ giả du lịch. Không thụ động, trông chờ vào lợi thế sẵn có mà luôn trăn trở để tìm cách khai thác, khơi dậy những tiềm năng về tài nguyên văn hoá, lịch sử, du lịch Nam Đàn đã và đang gặt hái nhiều thành công và trở thành ngành mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhà./.

Theo: Báo Nghệ An