Vào các ngày sóc, vọng, dịp tết cổ truyền, nhân dân trong làng tới Đền thắp hương, thờ cúng. Đặc biệt, mỗi năm Đền Mai Bảng diễn ra hai lễ hội lớn vào ngày 12/2 (âm lịch) và 3 tháng 5(âm lịch). Lễ hội dịp đầu năm vào ngày 12/2 (âm lịch), ngày thành lập làng, vừa là dịp lễ cầu ngư, đồng thời là ngày giỗ Chế Thắng phu nhân. Nhân dân trong làng tề tựu đông đủ, tổ chức các hoạt động lễ, hội sôi nổi với các nghi thức: rước thần, tế tà cần và lễ điểm đinh. Dịp lễ hội 3/5 (âm lịch) kỷ niệm ngày giỗ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, nhân dân tổ chức rước kiệu thần và tế thần. Thông qua các ngày lễ tế, nhân dân Mai Bảng cùng nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp của các vị tiền nhân, giáo dục thế hệ sau tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương xứ sở. Bên cạnh các hoạt động văn hóa tâm linh, Đền còn diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian cổ truyền kết hợp với các trò chơi hiện đại, tạo nên sự phong phú cho văn hóa ngư dân vùng biển. Nhân dân trong làng trước khi quyết định một việc lớn (đi xa, con em thi ĐH, CĐ; dựng vợ gả chồng, hay chuẩn bị ra khơi…) đều mang lễ đến Đền thắp hương cầu nguyện. Những ngày sóc, ngày vọng, trung bình mỗi ngày có trên một nghìn lượt người đến thắp hương, chưa kể lượng du khách thập phương đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh đền…
Thời kỳ làm tri châu Nghệ An, ông có công giúp dân khai hoang, lập nên nhiều làng mạc trù phú. Năm 1446, sau khi đánh tan quân Chiêm Thành, trên đường trở về, ông ốm nặng rồi qua đời, sau đó được nhân dân mai táng tại núi Long Ngâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh) và lập miếu thờ phụng. Cư dân vùng Mai Bảng có gốc từ làng Mai Phụ (Hà Tĩnh). Sau khi di cư đến làng Mai Bảng, họ lập bài vị để thờ Lê Khôi, tôn ông làm thành hoàng làng. Đền cũng là nơi thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu-một quý phi tài sắc vẹn toàn, được nhân dân suy tôn làm nữ thần biển; thờ Thủy Tinh phu nhân- vợ của Long Vương… Ngoài ra, Đền còn thờ các vị có công khai cơ, lập nên Mai Bảng là các ông Trần Liệt, Nguyễn Văn Nhiệm, Phạm Công Huấn, Hoàng Đức Thực, Lê Viết Lễ, Võ Chính Tạo.
Hiện trong Đền còn lưu giữ 138 hiện vật, trong đó có 75 hiện vật cổ: sắc phong, biển, kiệu, câu đối, đại tự, long ngai bài vị, hương án, bát bửu bàn thờ… Đây là những hiện vật quý giá, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, tòa trung điện có lối kiến trúc cổ, chất liệu gỗ, những nét chạm trổ tinh xảo, những bộ vì vững chắc tạo nên sự cổ kính, uy nghiêm cho ngôi đền.
Lễ hội Đền Mai Bảng có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của ngư dân vùng biển Nghi Thủy nên khi phường có chủ trương phục dựng lại Đền và khôi phục lại Lẽ hội, nhân dân trong vùng đã nhiệt tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp xây dựng Đền và khôi phục các hoạt động tín ngưỡng nơi đây
Đền Mai Bảng vừa có giá trị lịch sử, vừa mang nét kiến trúc đặc sắc, lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, đặc biệt có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo QĐ 2309/QĐUB của UBND tỉnh
Theo: Thanh Phúc(Báo Nghệ An)