VOV.VN -Cuối cùng thì cái đuôi phản động cũng phải lòi ra. Phản đối Dự luật đặc khu và an ninh mạng cũng chỉ là cái cớ.
Sau các cuộc biểu tình, đập phá tài sản xảy ra vào cuối tuần trước, hàng loạt đối tượng cầm đầu, quá khích đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Cơ quan chức năng xác định, có bàn tay ‘đạo diễn’ của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài và mục tiêu mà chúng hướng đến là gây rối an ninh trật tự, tiến tới bạo loạn và lật đổ. Nhưng họ đã ảo tưởng và nhầm lẫn.
Ô tô bị đốt cháy trong sân trụ sở Trạm cảnh sát PCCC của Công an tỉnh Bình Thuận (xã Phan Rí Thành, H.Bắc Bình) |
Cách đây không lâu, một vị Phó giám thị tại một trại giam tâm sự: “Trong trại của ông có những người tù rất trẻ. Họ vào đây với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Thay vì ăn năn, hối cải, những thanh niên này lại làm một công việc ngược lại. Họ tranh thủ “vận động” những cán bộ quản giáo và hứa hẹn, sẽ dành cho họ một chức vụ xứng đáng trong “chính phủ mới” khi lật đổ được chính phủ hiện thời…”. Vị cán bộ trại giam mỉm cười khi kể lại câu chuyện này vì sự ảo tưởng của những thanh niên mới lớn.
Nay, khi những đối tượng kích động biểu tình, bạo loạn ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh, Thanh Hóa… bị bắt tạm giam, họ đã không giấu diếm ý đồ của mình: kêu gọi người dân lật đổ chính quyền nhân dân. Chỉ buồn một nỗi, trong số những “hạt nhân” trực tiếp xuống đường biểu tình hoặc kích động trên mạng xã hội “nhân danh lòng yêu nước”, có kẻ từng có tiền án, tiền sự, có kẻ hành động vì những đồng đô la…
Cuối cùng thì cái đuôi phản động cũng phải lòi ra. Phản đối Dự luật đặc khu và an ninh mạng cũng chỉ là cái cớ. Trong dòng người đổ xuống đường ngày hôm đó, bao nhiêu người thực sự lo lắng cho an ninh quốc gia? Bao nhiêu người hiếu kỳ? Bao nhiêu người bị lợi dụng vào những mục tiêu đen tối?
Bày tỏ thái độ chưa hài lòng, chưa đồng thuận với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều chuyên gia, nhân sĩ, trí thức đã dám lên tiếng với mong muốn, khi chính sách đó được thông qua thì sau này, con cháu chúng ta không phải trả giá cho những sai lầm của những thế hệ trước. Nhưng, có người lên tiếng với tinh thần xây dựng, lại có người lên tiếng với giọng điệu thiếu thiện chí, vô hình trung làm cho những bức xúc trong xã hội ngày càng lên cao.
Hay, khi xảy ra biểu tình, đập phá tài sản tại Bình Thuận, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao lại là Bình Thuận, không phải là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng hay các tỉnh có đặc khu? Rồi nhiều người phỏng đoán, có thể, dân Bình Thuận bị dồn nén những bức xúc về môi trường, đất đai, về sự tắc trách của chính quyền cơ sở… Họ tự đi tìm câu trả lời, rồi đưa lên mạng xã hội… Trong khi, chính những phóng viên có mặt tại hiện trường vào giờ đó, ngày đó khẳng định: dân Bình Thuận không như họ nghĩ. Chính người Bình Thuận cũng thấy sợ hãi vì sự quá khích của những đối tượng cầm đầu.
Nhưng, dù những trí thức góp ý chưa thật khéo léo hay người Bình Thuận có thể chưa hài lòng với dự luật đặc khu, có những bức xúc nào đó thì chắc chắn, tất cả trong số họ đều không mong muốn xảy ra cơ sự như ngày 10 và 11/6 vừa qua. Họ càng không thể hình dung nổi, cuộc biểu tình, xuống đường ngày hôm đó đã bị lợi dụng cho những âm mưu bạo loạn. Đập phá trụ sở chính quyền, trạm cảnh sát phòng cháy chữa cháy và đốt phá xe cứu thương… Vậy, nếu xảy ra cháy nổ và có người bị thương thì lấy gì để cứu dân đây? Cố tình tạo ra điểm “nóng”, tạo ra bất ổn về chính trị- xã hội để bên ngoài can thiệp. Dã tâm đó đã từng xuất hiện trong các dịp lễ lớn, các dịp bầu cử, đại hội Đảng hay những sự kiện quốc tế lớn mà Việt Nam đăng cai…
Một đất nước đã từng trải qua chiến tranh, quá thấm thía về những khổ đau, mất mát, không lẽ, nền hòa bình có được, lại dễ dàng bị đánh đổi bởi những bức xúc tạm thời?
7 năm trước đây, một người bán hàng rong ở Tunisia đã bị viên thanh tra đòi hối lộ 7 USD. Đó là tất cả số tiền mà người đàn ông khốn khổ này kiếm được trong một ngày. Phẫn uất vì bị thu xe bán hàng, anh ta đã quyết định kết liễu đời mình bằng hành động tự thiêu, khởi nguồn cho hàng loạt cuộc biểu tình ở Tunisia và nhanh chóng lan ra các nước lân cận, tạo nên cơn địa chấn “mùa xuân Ảrập”. Hậu quả là nhiều chính quyền đã bị lật đổ.
Nhưng 7 năm sau, tổn thất và hậu quả của các cuộc nổi dậy này đang khiến cả thế giới hãi hùng. Những cuộc nổi dậy mà phương Tây từng ca ngợi là vì tự do và dân chủ cuối cùng có kết cục trái ngược hoàn toàn: thêm hỗn loạn, đất nước tan rã và sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Đã có những người muốn mọi thứ trở lại giai đoạn “tiền mùa Xuân”. Còn viên thanh tra tịch thu quầy hàng của người bán rong, cách đây 7 năm, trong cuộc phỏng vấn với Telegraph đã không dấu nổi sự ân hận khi nói rằng: “Tôi ước gì mình đã không làm vậy. Tôi khởi đầu Mùa xuân Ảrập. Và giờ thì chết chóc đang ở khắp nơi, cực đoan thì bùng nổ”.
Câu chuyện này được nhắc tới tại Việt Nam, giống như một bài học để ngăn chặn ý đồ bạo loạn và lật đổ, nhắc nhở tất cả những ai ảo tưởng và nhầm lẫn. Nó cũng không là cũ với những chính quyền sở tại khi vô tình hay cố ý tạo nên những bức xúc trong dân./.