Khi nghe tôi hỏi vì sao Helena chọn Cửa Lò là điểm đến trong kỳ nghỉ hè năm nay, cô sinh viên người Pháp này trả lời rất hồn nhiên: “Vì Cửa Lò là thiên đường du lịch”…
Với những lời nói tốt đẹp của Helena dành cho Cửa Lò, ban đầu tôi nghĩ rằng, cảm nhận của cô có phần hơi quá và mang tính ngoại giao, vì cô biết tôi là người địa phương. Cửa Lò đối với tôi quá ư bình thường, tất cả mọi ngóc ngách, xó xỉnh ở cái thị xã nhỏ bé này tôi đều thuộc như lòng bàn tay, nên tôi chẳng thấy nó giống thiên đường trong trí tưởng tượng một chút nào. Thế nhưng, sau gần một tuần làm hướng dẫn viên cho gia đình Helena khám phá Cửa Lò, tôi đã bị thuyết phục và lần đầu tiên tôi cảm nhận được một chiều sâu văn hóa mới mẻ của chính quê hương mình.
Helena kể, ông ngoại của cô là một bác sĩ, từng làm việc ở Vinh – một trung tâm công nghiệp của Nghệ An trong thời kỳ Đông Dương còn là thuộc địa của Pháp. Từ thời thơ ấu, Helena thường được nghe ông ngoại kể về Việt Nam, về Thị xã Vinh và biển Cửa Lò thơ mộng. Hình ảnh một bãi biển cát trắng mịn màng như dải lụa mềm và nước biển trong đến mức khi nước ngập đến cổ mà vẫn nhìn rõ chân mình đã gây ấn tượng mạnh trong tâm trí của cô bé.
Helena cho biết thêm, ông ngoại của cô từng có tình cảm và những kỷ niệm sâu sắc với một cô gái ở Cửa Lò. Năm 1991, Helena và cả gia đình đã được ông ngoại đưa sang Việt Nam du lịch. Trong chuyến đi 10 ngày đó, gia đình cô chỉ ở TP.HCM 1 ngày, ở Hà Nội 2 ngày và dành trọn một tuần còn lại ở Cửa Lò. Ông ngoại cô đã cố gắng tìm lại cô gái năm xưa, nhưng dĩ nhiên, đó chỉ là chuyện mò kim đáy biển.
“Lúc đó, tôi mới 4 tuổi và Cửa Lò còn hoang vắng, chứ chưa sầm uất như bây giờ. Dọc cả chiều dài bờ biển chỉ có duy nhất một con đường nhựa chạy giữa rừng phi lao bạt ngàn và những trảng cát trắng mịn màng. Số lượng khách sạn, nhà hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nơi này thật vắng vẻ, nhưng tôi và anh Francois lại rất thích thú với điều đó. Chúng tôi thường chạy ra bãi biển vào những sáng sớm để ngắm cảnh bình minh và chứng kiến khung cảnh thủy triều xuống, nước biển rút ra rất xa, để lại cả một ‘cánh đồng cát’ mênh mông với vô vàn vỏ ốc xinh xắn cho chúng tôi tha hồ nhặt mang về làm kỷ niệm. Anh Francois lại đặc biệt thích thú khi xem những ngư dân kéo lưới bắt cá vào những buổi sáng tinh mơ…”, Helena nhớ lại.
Trở về với thực tại, Helena cho biết, cô không thể tưởng tượng nổi, sau 20 năm, Cửa Lò đã thay đổi như một phép màu, y như trong chuyện cổ tích. “Ngày hôm qua, không chỉ tôi, mà cả gia đình đều rất ngỡ ngàng khi chứng kiến sự thay đổi đó. Điều kỳ diệu là, trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt, chính quyền và người dân nơi đây vẫn giữ được cho Cửa Lò một môi trường sạch sẽ, nước biển vẫn trong xanh và những buổi sáng tinh mơ, tôi vẫn được đi dạo bộ dọc ‘cánh đồng cát’ để nhặt những chiếc vỏ ốc xinh xắn và xem ngư dân kéo lưới. Tất nhiên, bây giờ, Cửa Lò đã là một đô thị hiện đại, với hàng ngàn nhà hàng, khách sạn tiện nghi và những điểm vui chơi giải trí, những khu resort cao cấp”, Helena nói.
Cô sinh viên đang theo học ngành văn hóa phương Đông này có vẻ ái ngại rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh và cơ chế thị trường hiện nay có thể sẽ làm cho Cửa Lò đánh mất dần những bản sắc truyền thống. Trước băn khoăn đó của Helena, tôi quả quyết rằng, cô rất may mắn khi đến Cửa Lò vào dịp 30/4, bởi đó là thời điểm diễn ra các lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống. Khi đó, cô sẽ thấy Cửa Lò vẫn bảo tồn nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống.
Trong lúc chờ đợi ngày khai mạc Lễ hội du lịch, tôi dẫn Helena và gia đình cô đi tham quan đảo Lan Châu, đảo Ngư, đảo Mắt, kể cho họ nghe câu chuyện “Nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng” – một câu chuyện rất hay về đảo Mắt (Cửa Lò).
Bố mẹ Helena đặc biệt thích ngôi chùa trên đảo Ngư. Hai ông bà quyết định ở lại suốt cả buổi chiều trên đó và ngồi hàng giờ đồng hồ dưới tán cây lộc vừng hơn 700 năm tuổi để ngắm cảnh hoàng hôn trên biển.
Sau một lúc đi dạo trên đảo, Helena lại vào ngôi chùa say mê xem xét các văn tự, kiến trúc cổ của ngôi chùa có lịch sử gần 800 năm và liên tục ghi ghi chép chép, nhiều lúc quên cả sự có mặt của tôi, trừ khi cô thắc mắc điều gì đó và cần tôi giải đáp.
Vẫn chưa thỏa mãn, ngày hôm sau, Helena tiếp tục bảo tôi dẫn đến chùa Lô Sơn, đền Nguyến Xí, đền Vạn Lộc và vào nhà một số ngư dân làng chài để tìm hiểu về cách chế biến các món ăn đặc sản của Cửa Lò, như cháo nghêu, mọc cua bể, các món làm từ mực, cá giò… Tôi nói đùa: “Cô tranh thủ đi nghiên cứu, chứ đâu phải đi du lịch?”. Helena cười, bảo: “Đi du lịch là để khám phá, tìm hiểu thì mới thú vị, nếu đi du lịch chỉ để nghỉ ngơi, thư giãn thì vài ngày là chán”.
Sau 2 ngày làm hướng dẫn viên cho gia đình Helena, tôi để ý thấy Francois và 2 người bạn trai của anh ta không hứng thú lắm trong việc khám phá thiên nhiên, văn hoá, như cô em gái. Ba anh chàng chỉ thích thú mỗi khi đi trên thuyền giữa biển khơi và đặc biệt là ngồi dập dềnh trên chiếc thuyền thúng câu mực ban đêm. Tuy nhiên, kể từ khi tôi dẫn đoàn đến tham quan sân golf 18 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế ở Cửa Lò, thì 3 anh chàng bắt đầu tách đoàn để suốt ngày đi chơi golf với nhau, rồi khoảng 5 giờ chiều lại kéo ra bãi biển nhâm nhi ly rượu Song Ngư Tửu cùng món mực nháy và chỉ về sinh hoạt chung cùng đoàn vào buổi tối…
Càng gần đến ngày 30/4, lượng khách đổ về Cửa Lò càng nhiều. Một số hoạt động văn hóa đã diễn ra trước ngày chính thức khai mạc Lễ hội. Trong lúc cùng tôi xem đua thuyền ở khu vực Quảng trường Bình Minh, Helena chợt nhớ đến ông ngoại: “Tiếc rằng ông ngoại của tôi đã mất, nên không thể có mặt trong chuyến du lịch lần này để chứng kiến những thay đổi tuyệt vời của Cửa Lò. Ông ngoại tôi chính là một trong những người khai phá tiềm năng du lịch của vùng đất này. Cuốn sổ tay của ông ghi chép rất nhiều về Việt Nam nói chung và Nghệ An, Cửa Lò nói riêng. Việc tôi yêu thích văn hóa phương Đông bắt nguồn từ những trang viết và lời kể của ông về Việt Nam”.
Tôi chợt nhớ, có tờ báo tiếng Pháp phát hành đầu thế kỷ XX đã viết: “Trung Kỳ có nhiều bãi biển hấp dẫn và không khí trong lành, như Nha Trang, Cửa Tùng, Cửa Lò, đã có rất nhiều người Pháp chọn làm nơi nghỉ mát”. Một số tài liệu bằng tiếng Pháp còn liệt kê rõ những khu du lịch ở Đông Dương, trong đó Cửa Lò được xếp hạng cùng Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Sầm Sơn, Vũng Tàu, Nha Trang…
Văn bản ký ngày 6/6/1907 của Toàn quyền Đông Dương về việc cho phép sử dụng vùng đất Cửa Lò làm khu nghỉ mát đã được chính quyền Thị xã hiện nay lấy làm cơ sở cho ngày truyền thống du lịch Cửa Lò, bởi từ văn bản đó, người Pháp đã cho mở rộng đường sá, xây những khách sạn đầu tiên ở nơi đây.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Cửa Lò, ngày 29/8/1994, Chính phủ đã có quyết định thành lập Thị xã Cửa Lò để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, nâng cấp các dịch vụ nhằm thu hút du khách đến nghỉ dưỡng.
Từ đó, Cửa Lò thay da đổi thịt từng ngày. Năm 2009, Cửa Lò được công nhận là đô thị loại III. Năm 2010, Cửa Lò thu hút hơn 1,85 triệu lượt du khách; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 19,1%; tổng giá trị sản xuất đạt 1.589 tỷ đồng, trong đó dịch vụ đạt 768 tỷ đồng; doanh thu du lịch đạt 725 tỷ đồng. Năm 2011, Thị xã Cửa Lò đưa ra mục tiêu thu hút trên 2 triệu lượt khách.
Mục tiêu xa hơn, Cửa Lò hướng đến trở thành một thành phố du lịch biển hiện đại, hấp dẫn. Để thực hiện mục tiêu đó, Cửa Lò đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai các dự án lớn, đồng thời xin phép cho khai thác đảo Ngư để đầu tư phát triển du lịch. Có ý kiến đề xuất xây dựng một cây cầu dài hơn 4 km, nối đất liền với đảo Ngư, nhằm tạo điểm nhấn cho không gian Cửa Lò, đồng thời biến Đảo Ngư thành một resort lý tưởng…
Khi tôi giới thiệu những thông tin đó, Helena rất chăm chú lắng nghe, cô ghi chép các số liệu và tỏ ra rất vui. Cuối cùng cô bảo: “Thiên nhiên và con người Cửa Lò thật tuyệt vời. Với sự thân thiện và mến khách, đến đây, tôi có cảm giác như sống trong ngôi nhà của mình. Tôi mong rằng, Cửa Lò sẽ mãi giữ gìn được những vẻ đẹp đặc trưng đó và chắc chắn tôi sẽ còn trở lại Cửa Lò thêm nhiều lần nữa”.