Nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch Cửa Lò trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh là định hướng xuyên suốt mà thị xã luôn hướng tới triển khai trong chiến lược phát triển du lịch địa phương. Có thể nói, năm 2023, một chiến dịch “làm sạch” môi trường du lịch đang được địa phương triển khai quyết liệt, hướng tới công tác quản lý nhà nước về du lịch phải ngày càng kỷ cương, con người Cửa Lò làm du lịch phải ngày càng chuyên nghiệp.
Sau khi giải toả hơn 200 ki ốt nhà hàng phía Đông, trả lại môi trường biển thoáng, sạch đẹp để thu hút nhà đầu tư, thay đổi diện mạo mới “hiện đại, độc đáo, bản sắc, thân thiện và hiệu quả kinh tế cao” cho đô thị du lịch biển. Cửa Lò cũng bắt tay vào thực hiện cuộc cách mạng lớn trong quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó, siết chặt quản lý hoạt động của loại hình xe điện 4 bánh, loại hình phương tiện này tham gia chở khách phải có đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo an toàn cho du khách; Phải tham dự các lớp tập huấn về ứng xử giao tiếp với du khách, thông qua thi sát hạch để được cấp chỉ và tham gia hội viên Hiệp hội xe điện. Loại hình mô tô nước hoạt động phải có giấy phép, khu vực bến bãi đón, trả khách và phao neo, cờ hiệu phải chấp hành theo quy định cụ thể.
UBND thị xã Cửa Lò cũng ban hành chỉ thị số 06/CT-UBND về việc niêm yết, quản lý giá các mặt hàng kinh doanh dịch vụ, du lịch, giá phòng nghỉ trên địa bàn thị xã Cửa Lò năm 2023 nhằm quy định giá hàng hóa, dịch vụ được niêm yết công khai và thực hiện bán đúng giá niêm yết; Tăng cường tuần tra, xử phạt các trường hợp bán hàng rong, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Thiết lập lại trật tự tại các điểm kinh doanh dịch vụ, các điểm trông giữ xe, tình trạng ăn xin từng bước được đẩy lùi.
Công tác thông tin, tuyên truyền du lịch hoạt động có hiệu quả qua nhiều kênh nhằm thông tin các văn bản quản lý nhà nước về du lịch và quảng bá các điểm đến của Cửa Lò đến nhân dân và du khách; Công khai các số điện thoại đường dây nóng để kịp thời nắm bắt thông tin và giúp du khách giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi, an toàn tính mạng và tài sản; các tệ nạn xã hội được lực lượng công an địa phương ngăn chặn và xử lý; kiểm soát hiện tượng “chặt chém” du khách… Từ đó, góp phần tạo dựng hình ảnh du lịch Cửa Lò thân thiện trong mắt bạn bè.
Để xây dựng môi trường văn minh, bên cạnh sự răn đe, các nguyên tắc quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ thì điều quan trọng tiên quyết là bắt đầu từ ý thức và nhận thức của mỗi người làm du lịch. Đó là sự tận tình, chu đáo, kỹ năng chuyên nghiệp của các cán bộ, nhân viên du lịch cùng sự văn minh, thân thiện thể hiện của mỗi người dân phố biển. Muốn vậy, phải xây dựng những kỹ năng thực hành du lịch lành mạnh của mỗi người làm du lịch trên quê hương, để mỗi người dân Cửa Lò là một hướng dẫn viên du lịch. Nhận thức được điều này, thị xã đã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hoá du lịch cho lực lượng lao động trong ngành khách sạn, nhà hàng, những người hành nghề dịch vụ xe điện, dịch vụ, tiểu thương. Đồng thời cũng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề “văn hoá ứng xử trong kinh doanh du lịch” cho hội viên các tổ chức hội trên địa bàn. Để mỗi người dân đều coi du khách như là khách quý và người làm du lịch phải là vị chủ nhà hiếu khách; phải mang đến cho khách những trải nghiệm quý giá, thông qua những sản phẩm, dịch vụ được tạo dựng và thực hành bằng thái độ chuyên nghiệp, lòng yêu nghề, yêu người. Nhờ đó mà giá trị và niềm vui của những người làm du lịch và cộng đồng dân cư – và của cả du khách cũng sẽ được nhân lên.
Xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, ứng xử văn minh trong du lịch là đặc biệt cần thiết, yếu tố “sống còn” trong bối cảnh cạnh tranh giữa các khu, điểm du lịch ngày càng khốc liệt như hiện nay. Để Cửa Lò thành điểm sáng và có sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch trong nước, mỗi người dân phố biển phải thiết tha yêu quê hương, có khát khao phát triển, có lối hành xử, ứng xử chuẩn mực, để “văn hoá du lịch” địa phương có được bước chuyển mình đột phá, ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện, văn minh.
Dương Tân