Cửa Lò khó khăn trong hoạt động chế biến hải sản đông lạnh

Đăng ngày 12/07/2016

khodong

Tổ hợp chế biến hải sản đông lạnh Hải Thắng là một trong những tổ hợp chế biến lớn ở  phường Nghi Tân. Trung bình mỗi tháng, tổ hợp này xuất kho khoảng 30 chuyến hàng hải sản đi các tỉnh, với trữ lượng gần 900 tấn. Nhưng hơn 2 tháng trở lại đây, sau sự việc ô nhiễm môi trường ở Hà Tĩnh, số lượng hàng xuất kho đã giảm xuống 1/3. Cao điểm nhất cũng chỉ có 10 – 12 chuyến hàng được xuất đi. Trong khi đó, trung bình mỗi tháng, Tổ hợp chế biến này phải trả hàng trăm triệu đồng cho chi phí sản xuất. Bao gồm tiền điện, tiền lương nhân công và tiền lãi suất vay vốn ngân hàng.

khodong1

Chị Đậu Thị Thắng, Tổ hợp chế biến hải sản đông lạnh Hải Thắng – P.Nghi Tân – TX.Cửa Lò nói:“Trước đây, mỗi ngày bọn chị tiêu thụ được 40 – 50 triệu bán tại nhà. Bây giờ thị trường nói về chuyện cá chết thì người tiêu dùng cũng giảm bớt đi. Bây giờ mỗi ngày chỉ bán được vài chục triệu thôi. Kinh tế cũng sa sút bớt đi. Cũng nhờ nhà nước kêu gọi để người tiêu dùng biết con cá sạch để họ tiêu dùng để chúng tôi khôi phục để chuẩn bị vào mùa nhập kho 500 – 700 tấn/ngày.”

khodong2

Nghi Tân có 24 cơ sở sản xuất, chế biến hải sản đông lạnh với 111 kho cấp đông và bảo quản, chiếm trên 72% tổng số kho đông lạnh của thị xã Cửa Lò. Đây là địa phương có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sự phát triển của các kho đông lạnh. Năm 2015, Nghi Tân cung cấp cho thị trường hơn 20 ngàn tấn hải sản đông lạnh các loại với doanh thu trên 200 tỷ đồng. Không chỉ tăng nguồn ngân sách địa phương mà các kho đông còn góp phần giải quyết việc làm cho gần 300 lao động cố định và 800 lao động thời vụ, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù không phải là địa phương nằm trong vùng bị ô nhiễm môi trường biển, nhưng ảnh hưởng từ tâm lý người tiêu dùng đã làm cho nghề chế biến, đông lạnh hải sản ở đây bị chững lại, gần 2.900 tấn hải sản không thể xuất kho. Trước tình hình đó, Ban quản lý làng nghề chế biến đông lạnh phường Nghi Tân phải tìm các giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn.  

khodong3

Ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch làng nghề chế biên đông lạnh phường Nghi Tân – TX.Cửa Lò nói:“Làng nghề chúng tôi là cái rốn tiêu thụ cho các tỉnh. Biện pháp của chúng tôi là mỗi chuyến hàng đi là làng nghề phải xác nhận đúng chuyến hàng đó đủ điều kiện xuất xứ thì chúng tôi mới cấp giấy. Và UBND phường cấp giấy cho chuyến xe đó, hoặc lô hàng đó đi ra khỏi địa phương để cho người tiêu dùng tín nhiệm lô hàng của chúng tôi là hàng sạch, đảm bảo chất lượng”

khodong4

Khẳng định chất lượng sản phẩm, chứng minh nguồn gốc xuất xứ mới chỉ là một trong những giải pháp quan trọng. Trong thời điểm này, các cơ sở chế biến đông lạnh hải sản trên địa bàn thị xã Cửa Lò cần là các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất vốn vay và các chính sách miễn, giảm thuế để khôi phục sản xuất.

khodong5

Ông Võ Minh Vỹ , Chủ tịch UBND phường Nghi Tân – TX.Cửa Lò cho biết:“UBND phường đã kiến nghị các cấp ban ngành tăng cường cho người dân các cá, hải sản bảo quản, chế biến tại làng nghề là đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng như đồng hành trong công tác vay vốn và hỗ trợ nhân dân trong phát triển kinh tế trên địa bàn phường Nghi Tân.”

Hiện nay, 155 kho đông lạnh trên thị xã Cửa Lò đang chuẩn bị vào mùa thu mua sản phẩm để cung cấp cho các thị trường. Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng các cơ sở chế biến hải sản đông lạnh vẫn tìm cách khắc phục để duy trì sản xuất, bù đắp lại những thiệt hại trong thời gian qua./.

Thanh Vân – Duy Quý