Cửa Lò tạo điều kiện để người mù phát triển dịch vụ phục vụ du lịch

Đăng ngày 26/03/2014

 

Tuy mới chuyển về địa điểm mới hơn 1 năm nhưng cơ sở tẩm quất cổ truyền của Hội người mù thị xã Cửa Lò rất đông khách du lịch đến tẩm quất, Masxa, bởi ở đây có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và hơn nữa họ đến đây để cảm nhận được nghị lực sống của những con người bị khuyết tật bẩm sinh này. Với chị Nguyễn Thị Luật ở khối 7, phường Nghi Tân, được làm việc ở đây là một sự may mắn mà tổ chức Hội đã dành cho chị, bởi từ lúc sinh ra chị đã bị mù khuyết tật bẩm sinh, bản thân lại mồ côi từ nhỏ. Được sự quan tâm của các cấp Hội, chị Luật đã tham gia tham gia khóa học chữ nổi và học nghề ở Trung tâm phục hồi chức năng Hà Nội. Đến nay, chị Luật là nhân viên tẩm quất cổ truyền của Hội người mù thị xã với mức thu nhập bình quân từ 4,5 – 5 triệu đồng/ tháng. Có công ăn việc làm ổn định đã giúp những người bất hạnh này có thêm động lực để vươn lên hòa nhập với cộng đồng.Chị Nguyễn Thị Luật, Nhân viên tẩm quất cổ truyền – Hội người mù thị xã Cửa Lò nói:“Chị cảm thấy rất là hạnh phúc được Đảng và nhà nước quan tâm lập ra Hội như thế này, tạo điều kiện công ăn việc làm cho chị em phụ nữ nói chung, cho bản thân chị nói riêng. Nghề tẩm quất này đưa vào cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, chị thấy rất vui mừng và phấn khởi”

Hội người mù thị xã Cửa Lò hiện có 53 hội viên tham gia, sinh hoạt tại 5 chi hội. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ngành Hội người mù thị xã đã tạo nhiều việc làm giúp hội viên tự lập trong cuộc sống. Bên cạnh chăm lo vay nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách trên 100 triệu đồng giúp hội viên xóa nghèo, tổ chức Hội còn chủ động cho hội viên tham gia vào các khóa học nghề, tạo việc làm tại cơ sở tẩm quất cổ truyền, sản xuất tăm tre và chổi đót. Năm 2011, Hội đã dành 1 nguồn kinh phí để chuyển cơ sở tẩm quất đến địa điểm trung tâm du lịch nhằm thu hút khách đến với cơ sở nhiều hơn. Bên cạnh đó, Hội người mù Cửa Lò cũng đã từng bước thay đổi mẫu mã các sản phẩm từ tăm tre, chổi đót nhằm phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, Hội đã tổ chức sản xuất được gần 5 vạn gói tăm, 1.000 chiếc chổi đót được tiêu thụ, với tổng doanh thu đạt 60 triệu đồng.Ông Dương Thanh Hải, Chủ tịch Hội Người mù thị xã Cửa Lò cho biết:“ Làm kinh tế thì người sáng đã khó, đối với người mù thì càng khó hơn nhưng mà thông qua đó Hội đã tạo điều kiện cho hội viên đi học điều lệ Hội và khuyến ngư để tăng khâu kỹ thuật để cho họ tự tin lao động như lao động tăm tre, dịch vụ tẩm quất, hay buôn bán dịch vụ nhỏ tại gia đình, thông qua đó họ tự tin hòa nhập cộng đồng”

Những “Nghề sáng trong bóng tối” như tẩm quất cổ truyền, sản xuất tăm tre, chổi đót đã và đang giúp nhiều hội viên Hội người mù thị xã Cửa Lò có điều kiện phát triển kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, Hội người mù vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành, đặc biệt là những cá nhân, doanh nghiệp có lòng hảo tâm đóng trên địa bàn.
.

Theo: Đàm Hiền