Các yếu tố “hút” khách du lịch

Đăng ngày 03/04/2015

Một góc Cảng hàng không Vinh.
Sân bay Vinh được nâng cấp thành sân bay quốc tế đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách trong và ngoài nước tới Nghệ An
 
Đầu tư cơ sở hạ tầng
 
Nhiệm kỳ qua, nhiều dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội có liên quan đến du lịch được đầu tư. Trong đó điểm nhấn phải kể tới là tháng 12/2013, chính thức khai trương đường bay thẳng Vinh – Đà Lạt. Đây là tuyến hàng không đầu tiên nối liền giữa Đà Lạt với TP. Vinh, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và du khách. Đây cũng là đường bay thứ 5 của tỉnh Nghệ An sau các đường bay từ Vinh đến các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Buôn Mê Thuột. Cùng với liên kết khai trương các đường bay trong nước, tháng 1/2014, tỉnh ta chính thức khai trương đường bay thẳng Vinh – Viêng Chăn với tần suất 4 chuyến/tuần.
 
Đây là đường bay quốc tế đầu tiên được khai thác từ sân bay Vinh. Cùng với đường bay, cầu vượt đường sắt tuyến đường 46 Vinh – Nam Đàn cũng được khánh thành góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các điểm du lịch trong tỉnh và tạo điều kiện mở rộng hợp tác liên kết với các tỉnh trong nước và khu vực. Một số dự án đầu tư khu, điểm du lịch như Dự án Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp giải trí thể thao biển Lan Châu – Song Ngư được khởi công với tổng mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, khai trương tuyến du lịch bằng đường thủy nội địa Lan Châu đến Đảo Ngư.
 
Trao đổi với ông Trần Quốc Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty Song Ngư Sơn được biết: Mục tiêu của dự án nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế du lịch biển của Cửa Lò, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự án, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Cửa Lò, đẩy mạnh quảng bá danh lam thắng cảnh của địa phương, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận dân cư trong vùng, đóng góp ngân sách cho nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, mỗi năm dự kiến công trình sẽ tiếp đón khoảng 1.000.000 – 1.500.000 du khách, trong đó số khách lưu trú khoảng 500.000 người. Việc khai thác hiệu quả dự án “Quần thể du lịch Lan Châu – Song Ngư” sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, góp phần cải thiện tình trạng “du lịch hè” thời gian ngắn, kéo dài hoạt động du lịch Cửa Lò quanh năm. 
 
Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú tăng nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Trong 4 năm 2011 – 2014, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 207 khách sạn, nhà nghỉ với 4.691 buồng được đưa vào sử dụng với tổng số vốn đầu tư là 1.955 tỷ đồng, đưa tổng số cơ sở lưu trú lên tới 665 cơ sở với 15.138 buồng, trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 12 khách sạn 3 sao và trên 60 khách sạn 1- 2 sao. Tiêu biểu có thể kể đến khách sạn 5 sao Mường Thanh – Sông Lam (TP Vinh) và khách sạn 4 sao Mường Thanh – Cửa Lò.
 
Nâng chất lượng phục vụ
 
Những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch cho những người dân làm du lịch được các địa phương quan tâm, đầu tư. Để giữ chân du khách, một trong những “chìa khóa” mà Cửa Lò áp dụng thành công trong suốt nhiệm kỳ qua đó là chủ trương “5 không” (không nâng ép giá; không chèo kéo đeo bám khách; không tẩm quất bán hàng rong; không làm tổn hại môi trường; không làm mất an ninh trật tự).
 
Anh Dương Công Sơn, phường Thu Thủy – Thị xã Cửa Lò – người có thâm niên 15 năm kinh doanh dịch vụ du lịch, cho biết: “Từ chủ trương “5 không” mà những người làm du lịch của Thị xã ngày càng ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu cho du lịch Cửa Lò. Chúng tôi xác định, mỗi người dân Cửa Lò phải là một tuyên truyền viên, một hướng dẫn viên cho du khách, từ phục vụ, giải đáp những thắc mắc, giới thiệu danh lam thắng cảnh, những điểm đến khi du khách có nhu cầu…”.
 
Biển Cửa Lò - điểm đến hấp dẫn
Biển Cửa Lò – điểm đến hấp dẫn

Trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, độc giả Nguyễn Hải Hưng đã chia sẻ rằng: “Một địa điểm mà hầu như năm nào tôi cũng nhất định phải ghé qua đó để nghỉ ngơi, thư giãn là Cửa Lò. Người dân ở đây rất thân thiện và họ sẵn sàng chỉ đường, giúp đỡ khách du lịch tận tình, chu đáo… khi được yêu cầu. Một yếu tố mà nhiều người đi du lịch quan tâm đó là giá cả và cung cách phục vụ khách hàng của các nhà hàng, khách sạn tại đây. Ở Cửa Lò, tuy trong những ngày cao điểm du lịch, giá phòng nghỉ, một số mặt hàng có tăng hơn nhưng không có chuyện “chặt chém”. Các hàng quán bên ngoài, dọc bãi biển cũng niêm yết giá các mặt hàng rất rõ ràng và bán đúng giá. Nhân viên cũng như các chủ hàng có thái độ rất xởi lởi, thân thiện đối với khách. Du khách khi ra các quán bên bờ biển uống nước cũng có thể thoải mái mua các mặt hàng hải sản tươi sống của người bán rong trên bãi biển rồi nhờ nhà hàng chế biến giúp và thưởng thức ngay tại quán, chỉ với vài chục nghìn tiền công cùng thái độ rất dễ chịu. Không chỉ vậy, tôi còn thấy sự xuất hiện của rất nhiều nhân viên ban quản lý bãi biển ở đây. Họ còn vào tận nơi để hỏi han chúng tôi xem có gặp phải cảnh “chặt chém” hay không. Đó là điều mà tôi thấy ít có nơi nào làm được”.

Cùng với các địa phương, hệ thống các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cũng vào cuộc ráo riết cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho chính nhân viên của mình. Đơn cử như khách sạn Sài Gòn – Kim Liên, chỉ trong vòng 3 năm lại nay, đơn vị đã cử đi đào tạo và đào tạo lại cho hàng chục lượt nhân viên ở hầu hết các bộ phận. Bởi theo như ông Võ An Huy – Phó Giám đốc khách sạn thì du lịch là một ngành đặc thù, nếu như mỗi bộ phận, mỗi nhân viên không tự làm mới mình bằng kiến thức chuyên môn, bằng kinh nghiệm thì chắc chắn anh sẽ bị chính du khách đào thải. Bên cạnh đó, khách sạn thường xuyên tham gia các hội thi do ngành tổ chức như “Buồng, bàn, bar”, “Hướng dẫn viên giỏi”, “Đầu bếp giỏi”… là cơ hội để các bộ phận giao lưu, nâng cao tay nghề và học hỏi đồng nghiệp.
 
Dịch vụ xe điện phục vụ khách du lịch tại Thị xã Cửa Lò. Ảnh: Sỹ minh
Dịch vụ xe điện phục vụ khách du lịch tại Thị xã Cửa Lò.            Ảnh: Sỹ Minh
 
Để đạt được mục tiêu vào 2020 du lịch Nghệ An thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, có sản phẩm độc đáo, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế.Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện các sản phẩm du lịch trọng điểm mà Nghệ An có thế mạnh. Khai thác các tuyến du lịch hiện có và từng bước triển khai các tuyến du lịch mới, gắn du lịch văn hóa tâm linh với các lễ hội truyền thống; đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch mở rộng thị trường. Xây dựng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, các công trình dịch vụ phục vụ khách du lịch, phương tiện vận chuyển khách… phấn đấu thu hút được 4.500 – 5.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch. Phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020 lượng khách lưu trú: 5,0 – 5,5 triệu lượt, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5 – 8,5%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 150.000 lượt, tăng bình quân 14,9%/năm. Doanh thu dịch vụ du lịch đến năm 2020 đạt 5.600 – 6.000 tỷ đồng, tăng bình quân 17 – 19%/năm.
Thanh Thủy