Các kho đông ở Nghệ An đã có đầu ra

Đăng ngày 11/11/2016

Kho đông “vui” trở lại

Trời đã về chiều nhưng công nhân ở Công ty TNHH Phương Mai, phường Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai vẫn hối hả bốc hàng lên chuyến xe cuối trong ngày. Sau một thời gian khá dài hoạt động cầm chừng, không khí kinh doanh ở doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh về hàng đông lạnh thủy, hải sản này nhộn nhịp hơn.

Giám đốc công ty, bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ: Doanh nghiệp có 8 kho đông và 2 kho bảo quản hàng khô, sức chứa lên tới gần 1.500 tấn. Thời gian trước khi xảy ra sự cố Formosa, trong kho của công ty vẫn còn gần 700 tấn hàng. Mỗi tháng số hàng xuất đi chỉ từ 50 – 70 tấn, bằng một nửa so với bình thường. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn tiến hành thu mua sản phẩm cho ngư dân quanh vùng như: Quỳnh Lập, Quỳnh Tiến, Quỳnh Phương.

 

Cá về cấp đông ở Cửa Lò. Ảnh liệu của P.V
Cá về cấp đông ở Cửa Lò. Ảnh liệu của P.V

“Thời gian đó, nhiều khách hàng truyền thống dừng hẳn việc mua bán, dù chúng tôi đã cam kết sản phẩm được thu mua từ các tàu đánh bắt ở vùng an toàn, thậm chí cả một số bạn hàng ở Thái Lan cũng dừng lại. Để có thể vượt qua khó khăn, chúng tôi đã tập trung duy trì và phát triển thị trường ở Lào, một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… Đáng mừng là gần nửa tháng nay, hoạt động kinh doanh bắt đầu khởi sắc lại, mỗi tháng sẽ xuất bán được 90 – 100 tấn hàng, với đủ các loại sản phẩm”.

Cũng từng chịu ảnh hưởng và hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, từ đầu tháng 11 lại nay, gia đình chị Nguyễn Thị Đào, khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai đã “vui trở lại” khi sản phẩm trong kho đông lạnh của gia đình đã bắt đầu “thoát” chứ không ứ đọng như trước.

Với 3 kho đông, sức chứa 170 tấn hàng chủ yếu là cá thu và cá ù, bình thường mỗi ngày anh chị xuất bán lẻ khoảng 5 tấn hải sản cho tư thương quanh vùng và gần 10 tấn bán sỉ đi TP. Vinh và các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, bán sang cả thị trường Lào.

Thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, hiện trong kho vẫn còn gần 100 tấn cá, mỗi ngày xuất bán trên 1 tấn, chỉ bằng một nửa so với trước đây nhưng rất mừng vì giá bắt đầu tăng nhẹ trở lại, khách hàng cũng đã quay lại”- chị Nguyễn Thị Đào phấn khởi cho hay.

 

Chế biến cá ở Quỳnh Dị - Hoàng Mai. Ảnh Nguyễn Vân.
Chế biến cá ở Quỳnh Dị – Hoàng Mai. Ảnh Nguyễn Vân.

Phường Quỳnh Phương có 600 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 200 tàu khai thác xa bờ. Theo ông Đậu Như Danh – cán bộ khuyến ngư xã, thì với 40% trong số đó là cá lấy từ bến cá của địa phương, 54 kho đông lạnh trên địa bàn có vai trò rất quan trọng góp phần tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân với các loại cá nội địa như cá thửng, cá lượng, cá bạc má, cá trích. Khoảng vài chục ngày nay, hoạt động của các kho đông lạnh trên địa bàn đã bắt đầu khôi phục khá mạnh.

Công ty TNHH Lực Sỹ, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu), một cơ sở có kho lạnh lớn ở huyện Quỳnh Lưu, vào thời điểm bình thường, mỗi tháng công ty nhập bình quân 40 tấn hải sản, chủ yếu từ sản phẩm đánh bắt của ngư dân Nghệ An, chủ yếu là cá nục, cá bạc má và một ít cá hố. Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc công ty, từ một tháng nay, cá về nhiều hơn, việc tiêu thụ cũng đã dần hồi phục và thuận lợi. Riêng tháng 11 dù mới bắt đầu, nhưng doanh nghiệp đã mua được 20 tấn hàng, trong đó bán tươi 15 tấn và đưa vào kho lạnh 5 tấn.

 

Cá về trên bến Lạch Cờn, Quỳnh Lưu.
Cá về trên bến Lạch Cờn, Quỳnh Lưu.

Còn đó những gian nan

Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn TX. Hoàng Mai hiện có 26 kho đông lạnh bảo quản sản phẩm hải sản, hiện số lượng hàng còn tồn trong các kho này lên tới trên 2.380 tấn. 

Tại huyện Quỳnh Lưu, hiện có 40 kho lạnh với tổng công suất trên 4.825 tấn. hiện số lượng hàng tồn trong các kho là hơn 140 tấn. 

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 300 kho đông, tập trung ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai, TX. Cửa Lò…, hiện số hàng tồn ở các kho bình quân từ 20 – 60 tấn/ kho, những doanh nghiệp lớn có số hàng hải sản đang nằm trong kho lên tới hàng nghìn tấn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các kho đông lạnh cũng như góp phần đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, hiện Sở NN&PTNT đang xin chủ trương để tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, nếu sản phẩm chất lượng, đảm bảo yêu cầu về an toàn VSTP thì sẽ cấp giấy chứng nhận để tiêu thụ. Với sản phẩm không đảm bảo, có dư lượng vượt mức cho phép về hàm lượng kim loại nặng, không đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ cho xử lý tiêu hủy. 

 Phú Hương

 

Theo Baonghean.vn