(Baonghean.vn) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng về việc rà soát tổng thể Hồ sơ trình phê duyệt và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tính đến ngày 25/7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản rà soát của 09/09 Bộ (trong đó có 03 Bộ hoàn toàn nhất trí hồ sơ Quy hoạch tỉnh Nghệ An đã đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến rà soát của các Bộ và báo cáo Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Tại Văn bản số 4313/BCT-KHTC ngày 04/7/2023, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Bộ Công Thương đã có Văn bản số 3093/BCT-KHTC gửi Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, các ý kiến của Bộ Công Thương về cơ bản đã được tiếp thu, giải trình đầy đủ; đề nghị nghiên cứu, cập nhật nội dung của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, trong đó lưu ý quy mô công suất không vượt quá quy mô trong Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Tại Văn bản số 2375/BTTTT-VCL ngày 22/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như sau:
– Điều chuyển những nội dung về hạ tầng thông tin và truyền thông tại mục 5.6. Thông tin và truyền thông (trang 113) sang mục 7. Hạ tầng bưu chính, viễn thông – công nghệ thông tin (trang 177).
– Bổ sung hiện trạng của công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; công nghiệp công nghệ thông tin, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; báo chí, xuất bản, in, phát hành, thông tin cơ sở, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại… trên địa bàn tỉnh.
– Bổ sung mục tiêu phát triển của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh theo giai đoạn trên địa bàn tỉnh.
– Bổ sung định hướng phát triển hạ tầng viễn thông thụ động, hạ tầng mạng thông tin di động, hạ tầng mạng cáp theo hướng dùng chung, chia sẻ cơ sở hạ tầng; phát triển đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật (hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng…) trên địa bàn tỉnh.
3. Tại Văn bản số 6863/BGTVT-KHĐT ngày 30/6/2023, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:
– Về quy hoạch cảng hàng không quốc tế Vinh: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023, các chỉ tiêu chi tiết của từng sân bay (trong đó có cảng hàng không quốc tế Vinh) sẽ được xác định trong quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Vì vậy, trong hồ sơ quy hoạch tỉnh chỉ xác định các chỉ tiêu định hướng phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, không nêu chi tiết các chỉ tiêu cụ thể để tránh việc điều chỉnh, sửa đổi (nếu có).
– Về quy hoạch cảng cạn, trung tâm logistics, quy hoạch các khu đô thị, khu chức năng quanh khu vực nhà ga đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được Bộ Giao thông vận tải có ý kiến tại Văn bản số 4593/BGTVT-KHĐT ngày 05/5/2023 nhưng chưa được tiếp thu, giải trình làm rõ trong hồ sơ; do vậy, đề nghị tiếp tục làm rõ các nội dung nêu trên,
– Về tuyến đường bộ ven biển: Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 4833/UBND-CN ngày 16/6/2023 đề nghị điều chỉnh cục bộ một số đoạn tuyến đường bộ ven biển (Km28+632 – Km32+700, Km37+100 – Km52, Km63-i~300 – Km64+600) đoạn qua tỉnh Nghệ An. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (khoản 4, mục IV Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tuyến đường bộ ven biển không quy hoạch là quốc lộ (trừ các đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc) nên để bảo đảm tính kết nối đồng bộ của tuyến đường này; quy hoạch mạng lưới đường bộ chỉ xác định điểm kết nối giữa 2 địa phương, quy mô tối thiểu của tuyến đường; riêng hướng tuyến sẽ được xác định trong quy hoạch tỉnh. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rà soát, điều chỉnh cục bộ các đoạn tuyến đường bộ ven biển trong quy hoạch tỉnh bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp về phân bổ không gian, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư.
4. Tại Văn bản số 5374/BTNMT-KHTC ngày 10/7/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
– Đề nghị Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 3392/BTNMT-KHTC ngày 15/5/2023.
– Về đánh giá hiện trạng và biến động sử dụng đất:
+ Rà soát các chỉ tiêu đánh giá hiện trạng và biến động sử dụng đất, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 -2020 theo quy định tại điểm b và điểm c, khoản 7, Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
+ Rà soát, kiểm tra lại theo đúng số liệu diện tích hiện trạng sử dụng đất năm 2020 của tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Báo cáo số 250/BC- UBND ngày 05/5/2021 và số liệu báo cáo tại Quyết định số 387/QĐ-BTNMT ngày 02/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm về báo cáo, sự thống nhất giữa hồ sơ và thực địa.
+ Về đánh giá biến động sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An: Rà soát đảm bảo phù hợp với các phân tích đánh giá biến động của các loại đất chi tiết trong nhóm đất nông nghiệp, đảm bảo phản ánh đúng thực trạng và phù hợp với kết quả thống kê, kiểm kê đất đai qua các thời kỳ, thống nhất giữa hồ sơ và thực địa.
– Về quản lý tài nguyên nước: Rà soát, bổ sung danh mục các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, tích trữ phát triển tài nguyên nước để phù hợp quy định tại Điều 28, Nghị định số 37/2019NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.
– Về phương án bảo vệ môi trường:
+ Bổ sung thông tin về các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động trên địa bàn (ví dụ như Công ty cổ phần xử lý môi trường Nghệ An đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại); trường hợp chưa phù hợp với định hướng quy hoạch mới thì cần có phương án, quy định chuyển tiếp và lộ trình di dời cơ sở xử lý chất thải nguy hại vào các khu xử lý chất thải tập trung dự kiến quy hoạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
+ Rà soát, điều chỉnh nội dung về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Bổ sung lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải từ chôn lấp sang công nghệ tiên tiến, hiện đại (không chôn lấp trực tiếp) và lộ trình cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh hoặc đã đóng cửa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
+ Việc quy hoạch phân tán 18 nhà máy (khu) xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh rất khó thu hút được các nhà đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại (xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp thu hồi năng lượng). Cân nhắc bổ sung thông tin về quy mô, công suất, công nghệ dự kiến và phạm vi tiếp nhận chất thải của các khu xử lý chất thải tập trung vào Phụ lục IX.
– Về phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Điều chỉnh nội dung theo quy định tại khoản 9, Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ; đồng thời rà soát để thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia.
– Về phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và phương án phân bổ đất đai đến năm 2030 theo đơn vị hành chính cấp huyện:
+ Chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Nghệ An đến năm 2030 hiện có 03/25 chỉ tiêu sử dụng đất xác định thấp hơn diện tích so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ trong đó đất có di tích lịch sử văn hóa giảm 60 ha, đất bãi thải, xử lý chất thải giảm 62 ha, đất công trình năng lượng giảm 1.408 ha; đề nghị giải trình rõ căn cứ về lý do giảm của 03 loại đất này.
+ Rà soát xác định diện tích các loại đất cần thu hồi để thực hiện các công trình, dự án sử dụng đất vào các mục đích theo đúng quy định tại Điều 61, Điều 62, Luật Đất đai và diện tích các loại đất cần chuyển mục đích trong kỳ quy hoạch quy định tại điểm a, b, c, d và e khoản 1, Điều 57, Luật Đất đai.
+ Bổ sung rõ mục xác định diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng trong kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định tại điểm g, khoản 7, Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019.
+ Tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 05/5/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thông qua Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ phương án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng, cụ thể: “Đối với đất phi nông nghiệp, chuyển 3.088 ha đất phi nông nghiệp sang sử dụng vào các mục đích nông nghiệp”, tuy nhiên, nội dung này chưa có trong báo cáo tổng hợp. Do vậy, đề nghị bổ sung làm rõ việc chuyển đổi diện tích 3.088 ha loại đất này, chi tiết diện tích đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.
– Kiểm tra lại số liệu về diện tích cần thu hồi, diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ quy hoạch để đảm bảo phù hợp, logic, thống nhất và đúng theo quy định, cụ thể: tại trang 767 của báo cáo quy hoạch, nêu rõ diện tích các loại đất cần thu hồi đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; tại trang 768 của báo cáo quy hoạch, chỉnh sửa lại và nêu rõ diện tích các loại đất cần chuyển mục đích đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.
– Về các Khu chức năng: Giải trình làm rõ căn cứ lập, đề xuất diện tích đất các khu lâm nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, khu thương mại – dịch vụ, khu dân cư nông thôn ….
– Về diện tích đất cấp tỉnh xác định bổ sung: Các chỉ tiêu sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh xác định bổ sung trong quá trình lập quy hoạch tỉnh không được làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ; rà soát lại các công trình, dự án trong thời kỳ quy hoạch để đảm bảo không vượt quá chỉ tiêu sử dụng đất hoặc còn thiếu gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Các nội dung có liên quan đến đất đai cần thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai.
– Việc đề nghị bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất tăng hoặc giảm so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ sẽ làm thay đổi chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025). Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 02/5/2023 về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao; tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025: “Trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện (bao gồm: tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; tỷ lệ sử dụng đất cho các mục tiêu sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng…), trường hợp nhu cầu sử dụng đất có phát sinh (tăng, giảm) so với chỉ tiêu đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ, làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý, lý do của việc đề xuất điều chỉnh, tăng, giảm các chỉ tiêu sử dụng đất gắn với các công trình dự án đầu tư; đồng thời cung cấp số liệu, tài liệu, hồ sơ pháp lý để luận chứng cụ thể cho từng chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 tại kỳ họp tháng 10 năm 2023”.
– Rà soát lại số liệu về diện tích các loại đất để đảm bảo tính thống nhất giữa phần biểu và phần thuyết minh; thống nhất số liệu tại báo cáo tổng hợp và dự thảo Quyết định trước khi trình phê duyệt.
– Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm rà soát các nội dung Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự thống nhất chặt chẽ hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: Thông tin, số liệu, bảng biểu, chỉ tiêu sử dụng đất, bản đồ, cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh và báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định.
– Về phương án phát triển các cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai: Đề nghị bổ sung phụ lục nêu vị trí các điểm đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình phòng chống trượt lở, do tại nội dung “c) Đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình chống trượt lở” có nêu để đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình phòng chống trượt lở tại 113 điểm, khu vực…”, tuy nhiên, trong báo cáo tổng hợp không có phụ lục nêu vị trí các điểm này (trang 741).
5. Tại Văn bản số 3110/BXD-QHKT ngày 18/7/2023, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Bổ sung thực trạng về tình hình ngập úng đô thị (đặc biệt là thành phố Vinh), làm cơ sở đánh giá tác động của việc ngập úng đến phát triển kinh tế – xã hội và đề xuất dự án thoát nước vào Danh mục ưu tiên đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý kiến góp ý cụ thể về các nội dung trong báo cáo quy hoạch tỉnh Nghệ An: Bố cục và nội dung quy hoạch; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hiện trạng phát triển khu công nghiệp; phương hướng phát triển ngành dịch vụ; phương án phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; phương án phát triển mạng lưới cấp điện; phương án phát triển khu công nghiệp; phương án phát triển khu kinh tế; Khu kinh tế Thanh Thủy; phương án tổ chức hệ thống đô thị; phương án phát triển nghĩa trang…
Nguồn: Đức Dũng- báo Nghệ An