Ngày 16/5/2016, chúng tôi theo chân các kỹ sư của Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường đi lấy mẫu nước biển để thực hiện công tác quan trắc. Điểm thực hiện lấy mẫu ở Cửa Lò, cách đảo Lan Châu khoảng gần 1km. |
Để ra biển lấy mẫu, các cán bộ quan trắc phải thuê ngư dân đưa ra bằng thuyền thúng. Sóng biển khá lớn, mọi người phải cùng ngư dân đẩy thuyền ra khơi. |
Công cụ lấy nước biển là một lọ thủy tinh có dung tích khoảng 1 lít, có dây đai inox dài. Theo cử nhân Hồ Văn Nhiệm, lấy mẫu phải tuyệt đối tuân thủ quy định, mẫu phải lấy ở bãi tắm, cách bờ không quá 1,5km và lấy ở độ sâu từ 0,3 – 0,5m. |
Sau khi mẫu nước biển được đưa lên, sẽ chuyển vào những chai lọ đã được súc rửa sạch sẽ từ chính nước biển lấy mẫu. |
Vì sóng lớn, thuyền chòng chành lắc lư nên thời gian lấy mẫu nước biển diễn ra trong khoảng thời gian gần 1 tiếng đồng hồ. |
Đưa mẫu nước biển lên bờ. |
Các cán bộ Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường sau đó nhanh chóng thực hiện niêm phong mẫu, đồng thời thực hiện đo nhanh các thông số PH, nhiệt độ, muối, độ đục, và DO ngay tại hiện trường. |
Kỹ sư Nguyễn Thị Nha Trang, người thực hiện đo nhanh các thông số tại hiện trường thông báo, kết quả PH: 8,14; nhiệt độ: 29,2 0c; DO: 6,25 mg/lít; muối: 28,4%o; độ đục: NTU. Kỹ sư Trang nói: “So với những kết quả quan trắc trước đây thì kết quả đo nhanh tại hiện trường không thay đổi, dự báo là nước biển đảm bảo theo quy chuẩn. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác, Trung tâm sẽ đưa mẫu đã lấy để phân tích tại phòng thí nghiệm theo quy chuẩn 10-MT/BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường về nước biển ven bở”. |
Mẫu mước biển lấy trong ngày 16/5/2016 được chuyển về phòng thí nghiệm, chuyển sang các ống nghiệm để đưa vào hệ thống máy chuyên dụng hiện đại phân tích. |
Hàm lượng ô xy trong nước, chất rắn hòa tan trong nước, độ mặn, độ PH… cũng đều được kiểm tra (trong ảnh là cử nhân Nguyễn Thị Hồng Vinh đang thực hiện việc kiểm tra hàm lượng ô xy trong mẫu nước biển ngày 16/5). |
Một công đoạn đặc biệt quan trọng của việc quan trắc mẫu nước biển là phân tích bằng máy quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS) để phân tích hàm lượng kim loại nặng hòa tan trong nước. |
Kỹ sư Lê Duy Khánh thực hiện phân tích mẫu nước biển qua máy quang phổ hấp thụ nguyên tử. |
Để có được kết quả quan trắc nước biển đảm bảo chính xác, các công đoạn thực nghiệm, phân tích mẫu phải được thực hiện trong thời gian từ 5 – 7 ngày. Đây là kết quả quan trắc do Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường thực hiện trong ngày 12/5/2016. Với kết quả phân tích này, nước biển Cửa Lò đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ TNMT quy định; kết quả này sẽ được báo cáo lên UBND tỉnh, đồng thời công bố trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và Sở TN&MT. |
Nhật Lân – Đức Anh
Theo Baonghean.vn