Gia đình anh Nguyễn Văn Luyến là một trong nhiều hộ dân có tỷ lệ sinh đông con ở khối 1- phường Thu Thủy- thị xã Cửa Lò. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Lượng tuy ốm đau nhưng vẫn sinh cho anh 2 bé gái xinh xắn, đáng yêu. Cứ tưởng như thế anh chị sẽ an phận có thêm niềm tin, nghị lực chăm lo xây dựng để gia đình vượt qua khó khăn. Nhưng do sự thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản giới tính cũng như tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường nên vợ chồng anh lại tiếp tục sinh thêm 2 bé trai..Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai 1 mình anh Luyến. Nghề thợ xây của anh không đủ trang trải chi tiêu cho 6 miệng ăn, đến ngôi nhà gia đình cũng phải mượn tạm để có chỗ che mưa che nắng…Nhìn những đứa trẻ đang lớn lên trong cảnh thiếu thốn, khổ sở mà người dân ở đây không khỏi xót xa. Giữa trung tâm thị xã mà sống trong môi trường cơm ăn không đủ no, không có điện mỗi khi đem về, cuộc sống không biết ngày mai ra sao…Anh Nguyễn Văn Luyến, Khối I – Phường Thu Thủy cho biết“.. Cuộc sống khó khăn, đông con chỉ kiếm bữa cơm bát gạo sống qua ngày, sau này chúng lớn rồi tính sau .”
Không riêng gia đình anh Luyến mà hiện nay tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn thị xã Cửa Lò đang trở nên phổ biến vàcó chiều hướng gia tăng. Trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ sinh nhiều con vì muốn có con trai ngày càng nhiều như: phường Nghi Tân 9 trường hợp, Nghi Thủy 5 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Không những vậy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, giáo viên trên địa bàn vẫn cố tình vi phạm pháp lệnh dân số, sinh nhiểu để tìm con trai, nhất là những gia đình sinh con một bề là gái gây nhiều khó khăn và thách thức cho các cơ quan chức năng… Nếu không sớm tìm hướng khắc phục thì nguy cơ thừa nam, thiếu nữ trong tương lai sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng, trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính, ảnh hưởng tới gia đình và xã hội.Chị Phan Thị Nhung,Chuyên trách Dân Số Phường Thu Thủy nói“ Công tác DS/ KHHGĐ ở phường những năm vùa qua có nhiều khó khăn và trở ngại, dân trí xuất phát từ quê nghèo, ven biển. Mặc dù đã có nhiều thay đổi, nhận thức của người dân vẫn còn tồn tại nhưng do quan niệm nhà đông con, nhiều của, con là phúc đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây..”
Tuy công tác vận động, tuyên truyền KHHGĐ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” được thực hiên thường xuyên, liên tục cũng như triển khai có hiệu quả đề án 52 về “ kiểm soát dân số vùng biển”, nhưng thi xã Cửa Lò vẫn là một trong những đơn vị nằm trong danh sách đáng báo động tình trạng mất cân bằng giới tính của tỉnh Nghệ An. Theo thống kê của Trung tâm DS/ KHHGĐ Thị xã Cửa Lò, từ năm 2001 – 2007, tỷ số giới tính sinh bình quân của trẻ em là 140 bé trai/ 100 bé gái; Đến năm 2008-2009 có sự đột biến 97 bé trai /100 bé gái; Nhưng đến năm 2010 tỷ số giới tính ở Cửa Lò đã tăng trở lại 128 bé trai /100 bé gái.. Bà Trần Thị Hoàng Phương, GĐ Trung tâm DSKHHGĐ Cửa Lò cho rằng“ Chúng ta đã có thời gian rất dài để thuyết phuc các cặp vợ chồngchỉ sinh 2 con, khi các cặp vợ chồng đã chấp nhận chỉ sinh 2 con thì vấn đề đặt ra là làm sao đó để họ xem con gái như con trai thì đó là quá trình vận động lâu dài, nan giải. Vì vậy, công tác tuyên truyền vận động, ngoài cán bộ làm công tác dân số thì rất cần sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành..”
Dân số ổn định, gia đình hạnh phúc, quốc gia phồn vinh là mục tiêu lâu dài mà Đảng và Nhà nước ta đang kiên trì thực hiện. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi mỗi gia đình phải cùng nhau chung tay thực hiện. Việc thị xã Cửa Lò có hiện tượng mất cân bằng giới tính nói trên là 1 cảnh báo cần có sự vào cuộc tích cực hơn của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới.
Theo: Đàm Hiền