Ngày 4/4/1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 37-HĐBT thành lập thị trấn Cửa Lò. Đây là thị trấn cảng và du lịch được hình thành trên cơ sở diện tích, dân số của 2 xã Nghi Tân và Nghi Thuỷ cùng 1 phần đất của xã Nghi Thu và Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Đây là thị trấn thứ 2 của huyện Nghi Lộc thời ấy sau thị trấn Quán Hành. Như vậy, Cửa Lò đã thật sự trở thành một trung tâm thương mại, du lịch của cả huyện Nghi Lộc- Tỉnh Nghệ An trong suốt gần 10 năm.
Sau 8 năm xây dựng và phát triển đến ngày 29/8/1994, Chính phủ ra Nghị định số 113-CP thành lập thị xã Cửa Lò trên cơ sở thị trấn Cửa Lò và các xã Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hoà, Nghi Hải và 1 phần của xã Nghi Quang huyện Nghi Lộc. Trải qua trên 20 năm, một thời gian quá ngắn cho sự hình thành và phát triển của một đô thị từ một vùng đất làng quê, trở thành đô thị du lịch sầm uất như ngày nay, đây là thành quả của sự đồng lòng quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền nhân dân thị xã, để hôm nay Cửa Lò trở thành một trong những đô thị biển đẹp của cả nước, hấp dẫn khách du lịch đến thăm quan, nghỉ mát hàng năm.
Để định hướng cho Cửa Lò phát triển theo hướng trở thành đô thị du lịch biển vào năm 2015, UBND Tỉnh đã cho phép Thị xã lấy ngày 5/6/2007 tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm du lịch Cửa Lò.Thị xã Cửa Lò là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Tỉnh Nghệ An, chỉ sau thành phố Vinh – đô thị loại I đã được Thủ tưởng Chính phủ xác định là trung tâm kinh tế văn hoá của vùng Bắc Trung bộ. Thị xã Cửa Lò có chức năng là đô thị du lịch biển và cảng trung chuyển quan trọng của khu vực miền Trung, là đô thị có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch biển mang tầm quốc gia và khu vực.
Thị xã Cửa Lò có vị trí nằm ở toạ độ từ 18 độ 45’ đến 18 độ 50 ‘ vĩ độ bắc và từ 105độ 42’ đến 105 độ 45’ kinh độ đông, Thị xã Cửa Lò nằm phía Đông Nam tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh 16 Km về phía Đông bắc: Phía Bắc và Phía Tây giáp huyện Nghi Lộc; Phía Nam giáp sông Lam. Phía Đông giáp Biển Đông. Cửa Lò có bờ biển dài 10,2 Km, bãi biển rộng, cát trắng mịn, bằng phẳng, lộng gió, nước biển có độ mặn vừa phải, trung bình 3,4-3,5 %; khí hậu trong lành, cảnh quan đẹp, là nơi thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
Đặc biệt ở 2 đầu Bắc và Nam Thị xã giáp 2 con sông lớn mà người dân địa phương quen gọi là 2 Cửa Lạch: Lạch Lò và Lạch Hội, đây là hai cửa biển có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế của quốc gia.Tổng diện tích tự nhiên toàn thị xã Cửa Lò là: 27,8 Km 2, trong đó khu vưc nội thị là 14,09km2. với hơn 10 ngàn nhân khẩu, bao gồm 5 Phường: Nghi Tân, Nghi Thuỷ, Thu Thuỷ, Nghi Hoà, Nghi Hải và 2 xã là Nghi Hương và Nghi Thu. Dân số khu vực nội thị kể cả quy đổi của Cửa Lò là 70.398 người người. Trong đó mật độ dân số khu vực nội thị đạt gần 5 ngàn người/Km2.
Với lợi thế là trung tâm du lịch nghỉ mát, là đầu mối giao thông quan trọng của Tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, Cửa Lò đang dần trở thành là một trong những trung tâm phát triển mạnh mẽ ngành đào tạo nguồn nhân lực và vận tải biển của Tỉnh Nghệ An. Và đặc biệt, cùng với thành phố Vinh, “liên hợp đô thị” Cửa Lò – Vinh đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của khu vực Bắc Trung Bộ, một trong những cửa ngõ ra Thái bình Dương quan trọng của các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) theo Hành lang Đông – Tây từ Miến Điện – Thái Lan – Lào ra bờ biển Việt Nam.Phát huy lợi thế của một thị xã du lich biển, Cửa Lò đã dần dần trở thành nơi mời gọi của nhiều dự án lớn trên nhiều lĩnh vực . Như lĩnh vực du lịch dịch vụ có các dự án vui chơi, giải trí: Khu du lịch 4 mùa của Tổng công ty du lịch Hà Nội đang triển khai tại phường Nghi Hoà; Dự án tổ hợp sân golf 18 lỗ, khách sạn, biệt thự cao cấp có tổng diện tích 132,7ha với vốn đầu tư lên đến 1.527 tỷ đồng đang xây dựng ở Nghi Hương, sẽ được đưa vào khai thác và sử dụng giai đoạn 1 trước ngày 30/4/2009; Dự án siêu thị – khách sạn BMC Cửa Lò có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng đã được khởi công ngày 30/4/2008 thực sự là những cơ sở dịch vụ cao cấp có giá trị góp phần thu hút khách du lịch đến với Cửa Lò. Dự án này dự kiến khoảng tháng 10/2010 thì sẽ hoàn thành. Đây là dự án lớn với hai toà nhà là 23 tầng và 21 tầng trên tháp cao có bố trí khu cà phê giải khát có sàn quay. Tại đây, du khách có thể vừa ngồi thưởng thức đồ uống, vừa có thể ngắm phong cảnh thị xã biển Cửa Lò từ trên cao.
Sau hơn 15 năm thành lập và xây dựng, TX Cửa Lò đã có những bước phát triển mới.Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 18 đến 20 %.Trong đó các năm từ 2005-2007 đạt trên 19 %. Năm 2007 đạt ở mức 19,6 % (tương đương mục tiêu Đại hội III đề ra từ 19-19,5% và có xu thế tăng dần). Một điều đáng mừng là thu ngân sách trên địa bàn thị xã liên tục tăng. Năm 1995, tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn thị xã mới chỉ đạt 9,4 tỷ đồng thì đến năm 2007 đã đạt 118,5 tỷ đồng. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2005 đạt 10,7 triệu đồng, năm 2007 đạt 17,4 triệu đồng, tương đương với mức GDP bình quân của thành phố Vinh, cao gấp 1,7 lần khu vực ven biển và gấp 2,2 lần so với mức bình quân chung của toàn tỉnh (bình quân cả tỉnh năm 2007 là 7,5 triệu đồng).
Tỷ lệ hộ nghèo của thị xã đến năm 2007 chỉ còn lại 8,1%. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm giai đoạn 2003-2007 là 2,6 %, trong đó tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,89%< (1%) đảm bảo Tiêu chuẩn kế hoạch hoá phát triển dân số của thị xã.. Tổng số lao động trong độ tuổi khu vực nội thị là: 19.319 người, trong đó lao động phi nông nghiệp là 16.105 người; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt: 83,36 %, trong đó khu vực dịch vụ luôn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của thị xã. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp. Năm 2007 cơ cấu khu vực dịch vụ là 56,9 %, công nghiệp-xây dựng 33,8 %, khu vực nông-lâm-ngư nghiệp chỉ còn lại 9,3 %.