Các đồng chí: Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Hồng Vũ – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐ – TB & XH đồng chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.
Cả nước có 1,8 triệu lao động mất việc làm
6 tháng đầu năm 2021 tình hình đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực, toàn diện, sâu rộng mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, toàn ngành phải tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu kép, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các lĩnh vực công tác của ngành.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động qua đào tạo khoảng trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 26%.
Cũng là địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong hơn 1 năm qua Nghệ An có hơn 33.000 lao động mất việc làm, 31.000 lao động phải nghỉ việc, hơn 13.000 người làm việc ở nước ngoài phải trở về và chưa có việc làm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực trong công tác phòng chống dịch và thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh Nghệ An đã tiếp tục phối hợp thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 và NQ 154 của Chính phủ, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, xây dựng các phương án tổ chức đón, bàn giao gần 900 lao động người Nghệ An gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ tỉnh Bắc Giang về địa phương đảm bảo an toàn, chặt chẽ; chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh cung cấp thông tin, kết nối thị trường lao động để sau khi người lao động hoàn thành cách ly y tế chủ động liên hệ tìm kiếm việc làm.
Phối hợp với các Sở, ngành, các cơ quan có liên quan làm tốt công tác quản lý nhà nước về việc làm – ATLĐ. Hỗ trợ người lao động, tổ chức Hội chợ việc làm, Hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho quân nhân xuất ngũ… Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, giải quyết việc làm cho 17.325 người (đạt 45% kế hoạch; tăng 5% so với cùng kỳ năm trước).
Ngành Lao động đã tham mưu UBND tỉnh đánh giá thực trạng và dự kiến mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tính đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Công tác bảo trợ xã hội, giảm nghèo đạt nhiều kết quả. Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách theo Nghị quyết 32/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về xóa hộ nghèo người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý, chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho đối tượng người có công với cách mạng. Toàn tỉnh đã huy động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa số tiền khoảng 6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nghệ An đã tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; làm tốt công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn tỉnh có 11.615 lượt em được tặng quà với tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.
Triển khai nhanh gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ
Ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành nhiều địa phương đã nhanh chóng rà soát các đối tượng nằm trong diện được thụ hưởng theo tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhiều nơi đã tập trung chi trả ngay cho những đối tượng đang thực sự khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch.
Sở LĐ- TB và XH đã dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện, đã lấy ý kiến của các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã (phấn đấu sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất).
Để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và các nhóm đối tượng khác, Sở LĐ- TB và XH đã chủ động ban hành Công văn số 2197/SLĐTBXH- VP ngày 05/7/2021 gửi các huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát số lượng, dự kiến kinh phí hỗ trợ.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm 2021, tình hình dịch Covid-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy, ngành Lao động – người có công và Xã hội tiếp tục tập trung phối hợp, chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Các địa phương doanh nghiệp cần dự đoán để ứng phó với việc đứt gãy chuỗi sản xuất. Các địa phương triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP, bảo đảm kịp thời hiệu quả, đúng đối tượng. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Rà soát nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phải lấy an toàn cho người dân, không để ai bị thiếu đói, đảm bảo ổn định cuộc sống đặc biệt là đối với người nghèo.
“Cần khẩn trương tập trung triển khai hỗ trợ các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ. Cần triển khai nhanh, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tuyệt đối không để xảy ra trục lợi”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đối với Khu công nghiệp chỉ khi nào thực sự an toàn thì mới sản xuất, thực hiện phương châm “3 tại chỗ” theo phương án giãn cách an toàn, an toàn trong cả khu sản xuất kinh doanh, lẫn khu dân cư”.