Sau nhiều ngày bám biển, anh Hoàng Văn Linh ở khối 1, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò lại trở về bên mái ấm gia đình. Nhìn vào cơ ngơi mà gia đình anh Linh đang nỗ lực xây dựng có lẽ không ai đoán được, 8 năm về trước, anh Linh đã bỏ bê gia đình, vợ con chìm sâu trong nghiện ngập… Được sự động viên của gia đình, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ đã phần nào giúp anh Linh dần xóa bỏ được mặc cảm, quyết tâm cai nghiện để được làm lại từ đầu. 3 năm nay, từ ngày dứt cơn nghiện, cuộc sống của anh đã dần ổn định, với tay nghề tốt, anh Linh hiện được giao đảm nhận làm thuyền phó của một con tàu đánh bắt xa bờ ở địa phương. Ngôi nhà mới đang xây dựng là bằng chứng về nghị lực làm lại từ đầu của chàng trai trẻ vùng biển này. Anh Hoàng Văn Linh – Khối 1, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò nói: “Vì lỗi lầm, vì cái ăn chơi đua đòi, bạn bè, va vấp tệ nạn xã hội thì tôi quyết tâm để cố gắng khắc phục vượt qua tệ nạn, để tự vượt lên chính mình để làm lại từ đầu, để lo cho cuộc sống sau này, cho các con học hành”
Ở Cửa Lò, những đối tượng tự bước ra khỏi con đường nghiện ngập như anh Linh rất hiếm. Bởi Cửa Lò là một địa bàn du lịch trọng điểm của Tỉnh Nghệ An, cho nên việc giám sát các đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, mại dâm gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến ngày 30/9/2015, trên địa bàn thị xã Cửa Lò có 96 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó, có 60 trường hợp chuyển sang AIDS. Nghi Tân, Nghi Hải và Nghi Thủy là những địa phương có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất ở Cửa Lò. Ông Hoàng Văn Bình – P. Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy – TX Cửa Lò cho biết:“ Hiên nay, trên địa bàn phường hiện có 10 đối tượng nhiễm HIV/AIDS, trong đó, có 7 người do tiêm chích ma túy. Đối tượng này rất khó quản lý, bởi vì họ không ở nhà thường xuyên, không có mặt ở địa phương, đi đi về về khó quản lý. Thứ 2, họ cũng đi biển, cho nên là khó khăn trong công tác quản lý giúp đỡ các đối tượng này”.
Nhằm hạn chế tình trạng có thêm người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, những năm qua, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS Cửa Lò cũng đã xây dựng mạng lưới gần 14 cộng tác viên tham gia vào các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức an toàn dự phòng lây nhiễm HIV trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng tham gia nghề đi biển có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao. Bên cạnh đó, hàng năm, Cửa Lò còn tổ chức nhiều hoạt động như thăm hỏi, động viên, chia sẻ với người nhiễm HIV/AIDS, thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước, giúp các đối tượng sớm hòa nhập với cộng đồng, chung tay cùng với cộng đồng chống lại căn bệnh thế kỷ. Đặc biệt, đầu tháng 11 vừa qua, tại Trung tâm y tế Cửa Lò đã mở thêm phòng tư vấn xét nghiệm cho gần 40 trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao. Đêy là cơ hội giúp người có HIV nhận thức và thay đổi hành vi của mình trong việc ngăn chặn lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng. Bác sỹ Phan Văn Thế – Trưởng phòng y tế TX Cửa Lò cho biết thêm:“Cửa Lò đã đề ra giải pháp, chiến lược truyền thông, truyền thông không theo quy luật chung mà chọn các thời điểm vào mùa mưa, kết hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, bao gồm truyền thông trực tiếp cho các đối tượng có nguy cơ cao. Thứ 2, truyền thông cho gia đình họ phòng tránh lây nhiễm. thứ 3, truyền thông theo nhóm, mà ở Cửa Lò đã có, đó là nhóm “Nam giới biển”. Và Cửa Lò đã có cách làm mới là thay vì truyền thông các khối xóm, chung tôi cử công tác viên đến bến cá để truyền thông trực tiếp tại đó”.
Hiện nay, Cửa Lò đang đứng thứ 18 trong số 20 huyện, thành thị ở Nghệ An có người nhiễm HIV/AIDS. Mặc dầu, số lượng người nhiễm không cao so với các địa phương khác, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm có xu hướng trẻ hóa ngày càng cao. Nhất là đối với một địa phương du lịch như Cửa Lò, hàng năm đón hàng triệu lượt khách về tham quan và nghỉ dưỡng. Chính vì thế, để kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam nói chung và Cửa Lò nói riêng vào 2030 thành công, thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, và đặc biệt là người dân, hãy cùng nhau cam kết trong việc vận động, truyền thông thay đổi hành vi mở rộng tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS./.
Đàm Hiền – Duy Quý