Tập trung phát triển kinh tế du lịch
Xứng đáng đô thị biển du lịch xanh – sạch – đẹp
Đăng ngày 31/07/2015
Với lợi thế và tiềm năng to lớn về du lịch, hứa hẹn là một đầu tàu quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, Cửa Lò luôn được sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương, tỉnh. Cùng đó, sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn thị xã đã đưa giá trị du lịch, dịch vụ lên trên 60% GDP của địa phương. Văn kiện đại hội Đảng bộ Thị xã Cửa Lò nhiệm kỳ 2010 – 2015 khẳng định: “Tiếp tục xây dựng Thị xã biển Cửa Lò thành thành phố du lịch biển xanh, sạch, đẹp, giàu mạnh, văn minh. Kinh tế bền vững, kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc…”.
Thực hiện mục tiêu nghị quyết, Thị xã dốc sức triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực đưa Thị xã phát triển, đáp ứng đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2355/QĐ – TTg công nhận “Đô thị du lịch biển Cửa Lò” vào ngày 25/12/2014. Đây là một sự vươn tầm trên bước đường đi lên của Thị xã, khẳng định những thành quả của nhiệm kỳ qua trong phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ. Hiện Thị xã Cửa Lò được xác định là 1 trong 2 trung tâm đô thị lớn của tỉnh Nghệ An. Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013, Thị xã Cửa Lò được quy hoạch là 1 trong 12 đô thị du lịch của Việt Nam. Trước đó, Nghị quyết số 05/NQ/TU ngày 26/9/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc xây dựng và phát triển Thị xã Cửa Lò trở thành đô thị du lịch đến năm 2015 có tính đến năm 2020.
Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thị ủy, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch trên phạm vi quốc gia, quốc tế được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Thị xã đã có Đề án huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, điện, nước, hệ thống khách sạn, siêu thị…. Đến nay, Cửa Lò đã có hệ thống giao thông kết nối thuận tiện. Quốc lộ 46 được nâng cấp, đường ven sông Lam Cửa Hội – Nam Đàn, đường từ trung tâm Vinh – Cửa Lò, đường tỉnh 535 (Vinh – Cửa Hội) được đầu tư nâng cấp.
Toàn Thị xã có 35 tuyến đường đô thị hoàn chỉnh, đã được đặt tên với tổng chiều dài 65km, trong đó mặt đường hầu hết đã được thảm nhựa. Các trục đường phố chính gồm các đường: Bình Minh, Mai Thúc Loan, Nguyễn Huệ, Phan Sào Nam, Nguyễn Sinh Cung được đầu tư xây dựng, mặt đường rộng từ 7 – 21m. Ngoài ra nhiều trục đường dọc, ngang khác cũng được đầu tư nâng cấp. Hiện nay, Thị xã đang triển khai 2 dự án cấp nước vốn ADB nâng công suất cấp nước từ 6.000m3/ngày lên 12.000m3/ ngày nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước của Thị xã đến 2020, triển khai xây dựng lưới điện cung cấp cho khu du lịch đảo Ngư. Năm 2014, Thị xã cũng đã có khách sạn đầu tiên đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Theo ông Phan Công Đối – Trưởng phòng Đô thị thị xã, năm 2014 Thị xã đầu tư xây dựng đường ngang số 10, và số 11, đường dọc số 3, kè chống sạt lở bờ hữu sông Nam Cấm, kè chống sạt lở bờ biển Cửa Hội đến Quảng trường Bình Minh, hệ thống thoát nước thải giai đoạn 1, hệ thống đèn chiếu sáng từ Quốc lộ 46 đến đường Nam Cấm. Tất cả đang tạo nên diện mạo đô thị thuận lợi, kết nối hài hòa giữ khai thác tiềm năng du lịch biển với xây dựng cuộc sống dân sinh văn minh. Nhờ dồn sức cho đầu tư phát triển, hệ thống hạ tầng đô thị từng bước hiện đại, đồng bộ. Kinh tế du lịch thị xã đã đạt được kết quả rất cao. Năm 2014, tổng lượt khách đến với Cửa Lò ước đạt 2,251 triệu lượt người; tổng giá trị sản xuất, kinh doanh đạt 4.872 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2013; kinh tế dịch vụ ước đạt 1.954,9 tỷ đồng, tăng 9,6% so với 2013, cơ cấu dịch vụ chiếm 62% (gần đạt mục tiêu đại hội 63 – 64%).
Nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân
Một trong những dấu ấn lớn nhất của Đại hội Đảng bộ Thị xã Cửa Lò, nhiệm kỳ 2010-2015 là chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi. Điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã; đồng thời là chỉ số phản ánh sự quan tâm, chăm lo của Đảng, của hệ thống chính trị tới đời sống nhân dân. Năm 2010 khởi đầu nhiệm kỳ, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 31,3 triệu đồng/người/năm, nhưng đến năm 2014 đã lên tới 52 triệu đồng/người/ năm, đây là một con số rất ấn tượng, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh (hiện bình quân của tỉnh đạt 34 triệu đồng/người/năm).
Để có được kết quả trên, ngoài sự quyết tâm trong chỉ đạo, Thị xã Cửa Lò còn có những giải pháp thực hiện hiệu quả. Ngay sau khi chỉ tiêu được BCH Đảng bộ Thị xã thông qua, các cấp ngành bắt tay ngay vào triển khai chương trình, kế hoạch hành động. Với lợi thế là một đô thị du lịch biển, thị xã đặc biệt ưu tiên thúc đẩy các ngành nghề thương mại dịch vụ, thu hút các nguồn lực đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị du lịch. Chỉ trong một thời gian ngắn, thị xã thu hút được hàng trăm tỷ đồng từ dân cư để đầu tư quầy ốt ven biển, nâng cấp nhà hàng, khách sạn; thu hút một số dự án đầu tư lớn vào hoạt động như Cửa Lò Gold, Bánh kẹo Tràng An, Nhà máy sữa Vinamilk và sắp tới là Dự án Song Ngư Sơn, Khách sạn 5 sao Mường Thanh… tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn. Một trong những giải pháp hiệu quả của thị xã là xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động.
Một góc Thị xã Cửa Lò Ảnh: Sỹ Minh |
Phường Nghi Thu, một trong những địa phương có nhiều thành tích trong xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm của thị xã. Đảng bộ phường đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông – ngư nghiệp sang dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên các phương án giải quyết việc làm tại chỗ. Sau khi xác định được cơ cấu và ngành kinh tế trọng điểm, Nghi Thu xây dựng các Nghị quyết chuyên đề trên từng lĩnh vực và quyết liệt tổ chức thực hiện. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp, phát triển du lịch hay TTCN làng nghề, phường đều có nghị quyết để lãnh đạo chỉ đạo. Cùng với thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ, phường du nhập thêm nghề mới, như nghề làm bánh bún, đến nay, ngoài việc trở thành làng nghề cấp tỉnh, nghề này đã tạo việc làm thường xuyên cho 270 lao động, bình quân mỗi hộ có 3 – 4 người tham gia, có hộ doanh thu 150 – 170 triệu đồng/năm. Đối với hộ nghèo có sức lao động, phường tạo điều kiện, bảo lãnh để đưa lao động đi xuất khẩu… Hiện, phường có 175 người đang lao động ở nước ngoài, mỗi năm Nghi Thu có 16 – 18 tỷ đồng từ nước ngoài gửi về cho người thân. Từ một phường khó khăn, Nghi Thu trở thành điểm sáng phát triển với tỷ lệ hộ nghèo chỉ 2%, thấp nhất các phường, xã của Thị xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,7 triệu đồng/người/năm.
Còn tại phường Nghi Hải lại có sự năng động và đa dạng về ngành nghề. Đồng chí Ngô Thanh Linh – Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy bám sát chương trình kế hoạch công tác của Thị xã, phường tích cực động viên con em đi xuất khẩu lao động. Đảng ủy chỉ đạo UBND phường tạo điều kiện tối đa về giấy tờ thủ tục hành chính, khi bà con yêu cầu thì làm cả ngày nghỉ cho kịp tiến độ, công việc. Bên cạnh đó, phường chỉ đạo Quỹ tín dụng ưu tiên, dành vốn cho con em trên địa bàn đi xuất khẩu lao động. Nghi Hải hiện có 1.000 lao động, chiếm 11% nhân khẩu xã và 1/4 số lao động của Thị xã đang làm việc ở Hàn Quốc, Nhật. ..
Ngoài xuất khẩu lao động, đảng ủy, UBND phường khuyến khích người dân mở mang phát triển các ngành nghề dịch vụ, từ du lịch dịch vụ cho đến hậu cần nghề cá. Với sự đa dạng về ngành nghề, người dân Nghi Hải vốn chăm chỉ đã phát huy tích cực trong thời kỳ mới. Dù nhiệm kỳ mới 4 năm nhưng phường đã về đích 14/14 chỉ tiêu kinh tế, trong đó, bình quân thu nhập đầu người vượt kế hoạch đề ra 35,5/34 triệu đồng/KH năm 2015, hộ nghèo giảm còn 3,8%. Thu nhập được tăng thêm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân theo đó được cải thiện, nâng cao.
Hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện
Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã Cửa Lò lần thứ 4, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra, đó là xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống trị vững mạnh toàn diện. Trên cơ sở đó, các cấp ủy từ đầu nhiệm kỳ đã chú trọng ban hành quy chế, chương trình công tác; thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo tích cực đối với các ngành, các cấp và dành 1/3 thời gian đi cơ sở; hàng quý tổ chức giao ban với các Ban Xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực hiện nhiệm. Ở Ủy ban MTTQ thị xã – cơ quan hàng năm đều được xếp loại xuất sắc, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Tình, đó là sự đổi mới, tăng cường phối hợp giữa MTTQ với HĐND, UBND, với các ngành, đoàn thể nhằm tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện các nhiệm vụ, xác định rõ những việc làm trọng tâm, trọng điểm; gắn kết với cơ sở.
Đối với Đoàn Thanh niên, tích cực bám Nghị quyết của cấp ủy, các chương trình, nội dung hoạt động của Đoàn cấp trên cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác thiết thực, có sức lan tỏa. Theo Bí thư Thị đoàn Hoàng Đinh Thùy Dung, thành công của Thị đoàn Cửa Lò là đã tạo ra được nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương như đoàn viên, thanh niên xung kích phát triển kinh tế, với 25 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả với số vốn từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng; xung kích tình nguyện trong tuyên truyền chủ trương “5 không” của Thị xã và giữ gìn vệ sinh môi trường; tình nguyện thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa như làm sân trường, xây dựng bờ bao nhà văn hóa, giúp đỡ các gia đình chính sách.
Còn ở phường Nghi Thu, cấp ủy đã xây dựng tập thể đoàn kết, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, có kiểm tra, đánh giá thẳng thắn. Trong thực hiện nhiệm vụ, từ cấp ủy đến chính quyền và MTTQ, các đoàn thể bám việc, nắm chắc tình hình, dư luận cũng như các kiến nghị, đề xuất của nhân dân để tập trung giải quyết dứt điểm, không buông lỏng, tạo sự đồng thuận cao trong cấp ủy, hệ thống chính trị và đồng thuận trong nhân dân.
Vấn đề mang tính đột phá của Cửa Lò trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, đó là chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Trong nhiệm kỳ, Thị ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện các đề án được ban hành ở nhiệm kỳ trước, như Đề án số 05/ĐA-ThU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn thị xã; Đề án số 06/ĐA-ThU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ thị xã; Đề án số 01/ĐA-ThU về nâng cao chất lượng cán bộ Hội Nông dân. Theo đó, đội ngũ cán bộ hội từ thị xã đến cơ sở được bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, đồng thời bổ sung nguồn cán bộ cho thị xã và lãnh đạo chủ chốt các phường, xã. Phó trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Hoàng Thanh Sơn cho biết thêm: “Đến thời điểm này, đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể cấp thị xã với tổng số 149 người, trong đó có 17 người có trình độ chuyên môn thạc sỹ; 108 người có trình độ chuyên môn đại học. Về trình độ chính trị có 71 người có trình độ cao cấp và cử nhân; 67 người có trình độ trung cấp”.
Trong niệm kỳ 2010 – 2015, thị xã cũng đã mạnh dạn bổ nhiệm, đề bạt nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực trong thực tiễn vào các vị trí chủ chốt các phòng, ban của thị xã và “thủ lĩnh” ở các phường. Theo đó, nhiều vị trí trưởng các phòng, ban cấp thị và bí thư, chủ tịch các phường đều đang khá trẻ, như Chánh Văn phòng Thị ủy sinh năm 1980; Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Tân sinh năm 1983… Công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện trên cả 3 phương diện, luân chuyển lên, luân chuyển xuống và luân chuyển ngang, tạo điều kiện cho cán bộ tôi luyện trong thực tiễn, từ đó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Phan Công Lưu – Phó Bí thư Thường trực thị xã khẳng định: “ 4 năm đầu thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ, Thị xã Cửa Lò đã về đích với nhiều chỉ tiêu quan trọng như: cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, Đảng bộ trong sạch vững mạnh (6 năm liên tục), hệ thống chính trị xếp loại xuất sắc, trường chuẩn quốc gia đạt và vượt chi tiêu… Cửa Lò đang quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu còn lại như: hệ thống xử lý nước thải tập trung, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhiệm kỳ này đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, đặc biệt với Quyết định công nhận “Đô thị du lịch biển” của Thủ tướng Chính phủ, càng tạo cho Cửa Lò có những cơ hội mới để phát triển trong tương lai”.
Nhóm PV TS-TC, Báo Nghệ An