Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An’

Đăng ngày 08/10/2014

Đất đai là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không thể thay thế, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, các cơ sở kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng. Quản lý, sử dụng đất có hiệu quả, tiết kiệm là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước, là yếu tố quyết định tương lai của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị – xã hội. 

          Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 có ghi “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả…”.   

          Luật Đất đai năm 2003 xác định một trong nội dung quản lý nhà nước về đất đai là “Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…”.

          Nguyên tắc sử dụng đất là phải đảm bảo: “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh”.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác Lập Quy hoạch sử dụng đất đối với công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đất đai. Để quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, cụ thể hoá Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Nghệ An đến năm 2020, thực hiện kế hoạch số 461/KH-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc triển khai công tác Lập Quy Hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND Thị xã Cửa Lò đã phối hợp với Công ty cổ phần Tích hợp Địa tin học Môi trường thực hiện Lập ‘Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

II. CĂN CỨ LẬP QUY HOẠCH.

Phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) thị xã Cửa Lò được xây dựng trên cơ sở:

– Luật Đất đai năm 2003 ngày 26/11/2003.

– Luật bảo vệ và phát triển rừng; Luật tài nguyên Nước năm 2002; Luật khoáng sản năm 2010; Luật bảo vệ môi trường năm 2005.

– Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ chính trị về phương hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

– Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

– Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

– Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiềnthuê đất, thuê mặt nước.

– Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ về bổ sung của nghị định số 188/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xác định giá đất, khung giá các loại đất.

– Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 của Chính phủ về quy định bổ xung việc cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

– Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

– Thông tư số 08/2007/-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất;

– Thông tư số 141/2007/TT-BTC ngày 30/11/2007 của Bộ Tài chính về sửa đổi bổ sung Thông tư số 120/2005/TT-BTC;

– Thông tư 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 188/2004/NĐ-CP;

Thông tư số 19/2009/TT-BTNMT ngày 2/11/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

– Thông tư số 06/2010/TT-BTNMT ngày 15/3/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Định mức kinh tế – kỹ thuật lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

– Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa – thể thao xã;

– Thông tư số 13/2011/TT-BTNMT quy định Ký hiệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất phục vụ quy  hoạch sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất;

– Nghi quyết số 70/2013/NQ-CP ngày 07/6/2013 của Chính phủ xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Nghệ An;

– Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 9/12/2011 của HĐND tỉnh Nghệ An về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

– Nghị quyết số 42/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND tỉnh Nghệ An về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Nghệ An;

– Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

– Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “ Phát triển kinh tế – xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010

– Quyết định số 23/2007/QĐ-BTNMT ngày 17/12/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành ký hiệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất;

– Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

– Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Công văn số 2244/TTg-KTN ngày 22/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung các khu công nghiệp Nghệ An vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam;

– Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn (2006-2010) và định hướng đến năm 2015;

– Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 12/02/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn (2007-2015), có tính đến năm 2020;

– Quyết số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

– Quyết định 118/2010/QĐ-UBND ngày 23/12/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thông qua nguyên tắc định giá và phê duyệt khung giá các loại đất để xây dựng bảng giá đất năm 2011 trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

– Kế hoạch số 461/KH-UBND.ĐC ngày 17/11/2009 của UBND tỉnh về triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

– Chỉ thị số 01/CT-BTNMT ngày 17/03/2010 về việc tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

– Công văn số 429/TCQLĐĐ-CQHĐĐ ngày 16/4/2012 về việc hướng dẫn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các văn bản pháp lý liên quan đến xét duyệt, phê duyệt quy hoạch của ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh;

– Công văn số 2778/2009/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 4/8/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015);

– Công văn số 937/UBND.ĐC ngày 24/2/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã.

– Công văn số 4481/STNMT.ĐC ngày 3/7/2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) trên địa bàn các huyện, thành, thị;

– Các số liệu kiểm kê đất đai năm 2000, 2005, 2010 của thị xã Cửa Lò, số liệu thống kê đất đai năm 2010.

– Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của thị xã Cửa Lò;

– Quy Hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thị xã Cửa Lò đến năm 2020.

– Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 thị xã Cửa Lò;

– Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Cửa Lò nhiệm kỳ 2010 – 2015.

– Bản đồ địa chính chính quy đo đạc năm 2006-2007.

– Tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng đất của các cấp, các ngành và khả năng đầu tư trên địa bàn thị xã;

– Các tài liệu liên quan khác.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

– Đánh giá đầy đủ hiện trạng sử dụng đất và biến động sử dụng đất trong giai đoạn 2000 – 2010 và phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ (2011 – 2015) và tầm nhìn đến năm 2020 của thị xã.

– Lập quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thị xã đảm bảo sự phù hợp với  quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Nghệ An đã trình Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch chung xây dựng của thị xã Cửa Lò đến năm 2030.

– Xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thị xã phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của tỉnh Nghệ An đã trình Chính phủ xét duyệt và phù hợp với phương án Quy hoạch sử dụng đất của thị xã.

– Đề xuất việc khoanh định, phân bổ đất đai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, đảm bảo hài hoà các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế –  xã hội của thị xã.

– Phân bổ diện tích các loại đất cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong kế hoạch sử dụng đất (2011-2015) đến từng năm và từng đơn vị hành chính.

– Là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng,… phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

– Làm cơ sở để UBND thị xã cân đối giữa các khoản thu ngân sách từ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Các loại thuế liên quan đến đất đai và các khoản chi cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Để đạt được các mục đích trên thì yêu cầu:

– Quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính khả thi, tính khoa học, đảm bảo sử dụng một cách hợp ly nguồn tài nguyên đất đai, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của thị xã;

– Quy hoạch của thị xã phải đảm bảo đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực, không tách rời quy hoạch tổng thể;

– Bố trí sử dụng đất đai theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng trên cơ sở sử dụng đất đai một cách hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững;

– Quy hoạch sử dụng đất thị xã Cửa Lò phải phù hợp và thống nhất với các chỉ tiêu của tỉnh Nghệ An phân bổ.

IV. NHIỆM VỤ.

– Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) thị xã Cửa Lò.

– Phân tích, đánh giá đặc điểm của các yếu tố về diều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, các chỉ tiêu quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, các tác động của khí hậu đến việc sử dụng đất trên địa bàn thị xã;

– Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, hiện trạng sử dụng đất qua các thời kỳ, kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đánh giá tiềm năng đất đai và định hướng dài hạn về sử dụng đất;

– Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thị xã đến năm 2020; đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến kinh tế, xã hội và môi trường;

– Phân kỳ quy hoạch sử dụng đất và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015), đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

          V. SẢN PHẨM.               

Sản phẩm của Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm  (2011 – 2015)  thị xã Cửa Lò gồm có:

1- Báo cáo thuyết minh tổng hợp Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015)  thị xã Cửa Lò: 04 bộ.

2- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010, tỷ lệ 1/25.000: 04 bộ.

3- Bản đồ quy Hoạch sử dụng đất đến năm 2020, tỷ lệ 1/25.000: 04 bộ

4 – Điac CD lưu trữ các sản phẩm trên: 04 bộ.

          IV. BỐ CỤC BÁO CÁO.

          Bố cục báo cáo gồm 4 phần (Ngoài phần Đặt vấn đề và Kết luận – Kiến nghị), báo cáo gồm các phần sau:

Phần I: Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội.

Phần II: Tình hình quản lý sử dụng đất đai.

Phần III: Đánh giá tiềm năng đất đai và định hướng dài hạn sử                        dụng đất.

Phần IV: Phương án quy hoạch sử dụng đất.

         

PHẦN I

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

1.1. Điều kiện tự nhiên.

  1. Vị trí địa lý.

Thị xã Cửa Lò là 01 trong 20 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Nghệ An, mặc dù có quy mô nhỏ nhưng có vị trí tương đối đặc biệt trong phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

– Tọa độ địa lý.

+ Vĩ độ Bắc từ 18055′ đến 19015′.

+ Kinh độ Đông từ 105038′ đến 105052′.

Ranh giới của thị xã được xác định như sau:

– Phía Bắc giáp Nghi Lộc.

– Phía Nam giáp Sông Lam và tỉnh Hà Tĩnh.

– Phía Đông giáp Biển Đông.

– Phía Tây giáp  Nghi Lộc.

Thị xã Cửa Lò có diện tích tự nhiên 2.781,43ha, gồm có 7 đơn vị hành chính, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 17 km về phía đông, có nhiều thuận lợi trong việc liên kết trao đổi, giao lưu hàng hóa, công nghệ, lao động, kỹ thuật…

1.1.2. Địa hình, địa mạo.

Cửa Lò thuộc đồng bằng ven biển, có đồi núi, đồng bằng, nhìn chung tương đối bằng phẳng thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khách sạn, nhà ở cao tầng…

1.1.3. Khí hậu.

Thị xã Cửa Lò có khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng đặc điểm khí hậu của miền Trung, đồng thời là thị xã ven biển nên phải trực tiếp chịu đựng nặng nề về yếu tố gió bão từ biển.

– Chế độ nhiệt: có 02 mùa rõ rệt và chênh lệch giữa 02 mùa khá cao.

+ Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 9, nhiệt độ trung bình từ 23,50-24,50.

+ Mùa lạnh nhiệt độ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình từ 19,50-20,50, có khi xuống đến 6,20c.

– Số giờ nắng trung bình năm là 1.637 giờ.

– Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.900mm, lớn nhất khoảng 2.600mm, nhỏ nhất là 1.100mm.

Lượng mưa phân bố không đều mà tập trung chủ yếu vào mủa cuối tháng 8 đến tháng 10 và đây cũng là thời điểm thường diễn ra lũ lụt.

Lượng mưa thấp nhất từ tháng 1 đến tháng 4, chỉ chiểm khoảng 10% lượng mưa cả năm.

– Chế độ gió: có 2 hướng gió chính:

+ Gió mùa Đông Bắc nằm sâu trong lục địa lạnh lẽo của vùng Sibia thổi tràn vào Vịnh Bắc Bộ, gọi là gió mùa Đông Bắc, thường xuất hiện vào mùa Đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

+ Gió Đông Nam mát mẻ từ biển Đông thổi vào mà nhân dân gọi là gió Nồm, xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Cửa Lò còn ảnh hưởng bởi luồng gió Tây Nam ở tận Vịnh Băng-gan tràn qua lục địa, luồn qua dãy Trường sơn, thổi sang mà nhân dân thường gọi là gió Lào nhưng chính là gió Tây khô nóng.

Gió Phơn Tây Nam là một loại hình thời tiết đặc trưng cho mùa hạ của vùng bắc Trung Bộ. Ở thị xã Cửa Lò thường xuyên xuất hiện vào các tháng 6, 7, 8. Gió Tây Nam đã gây ra khô, nóng và hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên phạm vi toàn thị xã.

+ Độ ẩm không khí: Bình quân khoảng 86%, cao nhất trên 90% (Tháng 1, tháng 2), nhỏ nhất 74% vào tháng 7.

+ Lượng bố hơi nước: Bình quân năm 943mm. Lượng bốc hơi nước trung bình của các tháng là 140mm từ tháng 5 đến tháng 9, lượng bốc hơi trung bình của những tháng mưa là 59mm từ tháng 9, 10, 11.

Những đặc trưng về khí hậu là: Biên độ nhiệt giữa các mùa trong năm lớn, chế độ mưa tập trung vào mùa mưa bão từ tháng 8 đến tháng 10, mùa nắng nóng có gió Lào khô hanh, đó là những nguyên nhân chính gây nên mưa lũ xói mòn, hủy hoại đất nhất là điều kiện cây rừng bị chặt phá và sử dụng đất không hợp lý.

                           (Số liệu do khí tượng thủy văn Vinh cung cấp)

1.1.4. Thuỷ văn.

Thị xã Cửa Lò nằm giữa 02 cửa biển với 02 con sông lớn là sông Lam và sông Cấm.

– Sông Lam chảy ở phía Nam, là ranh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển ở Cửa Hội.

– Sông Cấm ở phía Bắc, chảy ra biển ở Cửa Lò.

Bên cạnh đó thị xã Cửa Lò còn chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ văn của một số sông của Nghi Lộc, chế độ thuỷ văn của Biển Đông và đặc biệt là chế độ xâm nhập mặn của thuỷ triều.

1.2. Các nguồn tài nguyên.

2.1. Tài nguyên đất.

Theo tài liệu điều tra thổ nhưỡng thị xã Cửa Lò có 03 loại đất chính.

+ Đất Cồn cát (Cc) có diện tích là 1.592,43ha, chiếm 57,25% diện tích tự nhiên, phân bố rải rác ở vị trí giữa của các phường.

+ Đất cát biển (C) có diện tích 1.168,00ha, chiếm 41,99% diện tích tự nhiên, phân bố ven biển ở tất cả các phường.

+ Đất xói mòn trơ sỏi đá (E) có diện tích 21,0ha, chiếm 0,76% diện tích tự nhiên, phân bố ở phường Nghi Thủy.

Đất trên địa bàn thị xã Cửa Lò có hàm lượng cát cao, hàm lượng sét thấp, đất có kết cấu tơi xốp không thuận lợi cho việc trồng lúa nước, nhưng lại thuận lợi cho việc trồng cây hàng năm rau, màu, đậu, cây ăn quả hàng năm như Dưa Hấu, ổi, Na, cam, quýt…

1.2.2. Tài nguyên nước.

– Nguồn nước mặt.

Nguồn nước mặt quan trọng nhất cho sản xuất và sinh hoạt của người dân là hệ thống sông Lam, sông Cấm, ao hồ và nguồn nước mưa, chất lượng tương đối tốt, lượng nước dồi dào.

Tuy nhiên do tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, nước thải của một số nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thị xã chưa được thu gom, xử lý mà thải ra các ao đọng, mương tưới làm cho nguồn nước có biểu hiện về suy giảm chất lượng.

– Nguồn nước ngầm (Nước dưới đất).

Theo kết quả nghiên cứu địa chất thủy văn thu thập thì, nguồn nước ngầm trên địa bàn thị xã Cửa Lò có ở 3 tầng nước chủ yếu, hiện đang cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất phát triển kinh tế. Nước tập trung dạng túi nước ở các tầng như: Tầng Holocen, tầng Plestocen và một phần ở tầng Karst.

Nguồn nước ngầm phân bố khá rộng, nước ngầm ngọt phân bố chủ yếu ở độ sâu 100m – 300m, nhưng có nơi 10m – 20m đã có nước ngầm, chất lượng khá tốt.

Trên địa bàn thị xã Cửa Lò nước sinh hoạt của nhân dân được cung cấp chủ yếu từ nhà máy nước thị xã, một bộ phận vẫn sử dụng nước khoan ở độ từ 30m-150m để phục vụ cho sinh hoạt.

1.2.3. Tài nguyên rừng.

Diện tích rừng của thị xã là 116,74ha, chiếm 4,19% diện tích tự nhiên, chủ yếu là rừng trồng sản xuất và rừng phòng hộ ven biển phục vụ bảo vệ chắn cát và cảnh quan, bên cạnh đó còn có một số loại cây trồng chính như phi lao, keo và cây bóng mát trong khu đô thị. Nhìn chung, tài nguyên rừng của thị xã Cửa Lò ngoài ý nghĩa về phòng hộ ven biển, còn có vai trò quan trọng là cây xanh bóng mát, cảnh quan thiên nhiên góp phần tích cực vào việc điều hoà khí hậu, bảo vệ nguồn nước, tạo cảnh quan môi trường sinh thái phục vụ cho du lịch.

1.2.4. Tài nguyên biển.

Thị xã có nguồn lợi hải sản khá phong phú (Bao gồm cả khai thác, đánh bắt và nuôi trồng). Do có 2 sông lớn đổ ra biển kèm theo nhiều phù sa, phù du từ trong lục địa nên có nguồn hải sản phong phú gồm nhiều loại có giá trị kinh tế như: Cá chim, cá thu, tôm, mực, vẹm, ngao… Đặc biệt khu vực Cửa Hội là khu vực hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển nghề cá.

Bờ biển của Thị xã đã tạo ra cho khu vực Cửa Lò có tiềm năng rất lớn để phát triển Du Lịch Biển, đặc biệt hơn cả là đảo Ngư, đảo Mắt, cảng Cửa Lò là động lực thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang quan tâm nhiều đến khai thác kinh tế Biển của đất nước.

Cảng Cửa Lò là cảng biển loại 1, nằm trên tuyến giao thông hàng hải Quốc tế và là đầu mối giao thông vận tải của khu vực Bắc Trung Bộ, trung chuyển hàng hóa đi các nước Lào, các tỉnh phía bắc Thái Lan, từ cảng Cửa Lò hiện có các tuyến đường Quốc tế đi Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, đông âu, tây âu, châu Mỹ…

1.2.5. Tài nguyên khoáng sản.

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn không nhiều, chủ yếu là vật liệu xây dựng như cát, quặng Titan (ở Nghi Hải)…. Tuy nhiên trữ lượng thấp, phân bố rải rác ở các phường, tiềm năng khai thác ít, nên không đưa vào khai thác.

1.2.6. Tài nguyên nhân văn.

Trải qua quá trình chinh phục, cải tạo thiên nhiên và đấu tranh chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm đã tạo cho vùng đất, con người Cửa Lò khá nhiều giá trị văn hóa trong nếp sống, cách ứng xử và quan hệ xã hội.

Với cốt cách con người xứ Nghệ có tính chặt chẽ, nghiêm khắc song tính trội của con người ở đây vẫn là lòng trung thực, sống nhiệt tình và đoàn kết cộng đồng cao.

Các di tích lịch sử như Đền thờ Nguyễn Sư Hồi, Đền Vạn Lộc, di tích Phùng Khắc Kiều… đã minh chứng về con người, về một vùng đất giầu truyền thống đấu trang cách mạng.

1.2.7. Tài nguyên du lịch.

Thị xã Cửa Lò đã trở nên nổi tiếng về du lịch tắm biển, trên địa bàn thị xã có bờ biển dài, có bãi cát mịn, nước trong, bãi thoải, cảnh quan đẹp,… đã hình thành được nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng cả nước, như: Bãi tắm Thu Thuỷ, Thu Hương và Hải Hoà. Ngoài ra, đây là một điểm có các danh lam thắng cảnh xung quanh như: Núi Lò, đảo Lan Châu, Mũi Rồng, Hòn Ngư, Hòn Mắt và nhiều di tích khác đã được xếp hạng. Đây cũng là một trong những điểm thuận lợi chính cho việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ mát. Đặc biệt những năm gần đây đã thu hút một lượng du khách đáng kể tới tắm biển (khoảng 1,8 triệu lượt khách). Trên dịa bàn thị xã có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, giao thông thuận lợi… là điều kiện để phát triển du lịch (Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng).

1.3. Thực trạng môi trường.

Trong quá trình sử dụng đất trên địa bàn thị xã đồng thời chịu ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên làm ảnh hưởng đến môi trường đất ở một số khía cạnh:

– Ô nhiễm môi trường đất và nước do các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là do quá trình sử dụng các chất hoá học trong sản xuất nông nghiệp (Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).

– Một số khu vực sản xuất công nghiệp (Chế biến thuỷ sản, nước mắm,…) có hệ thống xử lý chất thải nhưng cũng ảnh hưởng phần nào.

– Vấn đề đa dạng sinh học cũng chưa được quan tâm đúng mức, thể hiện ở việc bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì những cây bản địa trong công tác trồng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

– Xăng dầu thải của các phương tiện giao thông, đánh bắt thuỷ hải sản cũng làm ảnh hưởng đến môi trường biển.

– Nước thải do sinh hoạt của nhà hàng, khách sạn còn chưa được kiểm soát đầy đủ.

Nhìn chung thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thị xã vẫn trong giới hạn cho phép, Uỷ ban nhân dân thị xã Cửa Lò đã có biện pháp trong quản lý để bảo vệ môi trường, trong thời gian tới sẽ lập quy hoạch môi trường chiến lược phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng Du lịch và công nghiệp sạch.

2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI.

2.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dich cơ cấu kinh tế.

Về việc phát triển mạnh mẽ khu vực dịch vụ, du lịch; Ưu tiên phát triển các ngành nghề công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị theo hướng cung cấp các sản phẩm trực tiếp phục vụ cho du lịch, cụ thể trong giai đoạn năm 2010 đã đạt được như sau:

– Cơ cấu kinh tế như sau: Công nghiệp, xây dựng đạt 22,6%, dịch vụ, thương mại đạt 50%, nông, lâm, thủy hải sản là 27,4%.

–  Đảm bảo nhịp độ tăng trưởng kinh tế là 19,2%.

– GDP trên người năm 2010 đạt khoảng 25 triệu đồng/người/năm.

– Cơ cấu kinh tế tăng mạnh theo hướng phi nông nghiệp và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế.

– Thu ngân sách đạt từ 12%-15%.

– Đảm bảo tốc độ tăng dân số dưới 1%/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 800-1000 lao động hàng năm, luôn đảm bảo cho khoảng 85%-90% lao dộng trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên.

– Năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5% theo tiêu chí của tỉnh.

– Hoàn thành phổ cấp PTTH cho 95% học sinh tại địa bàn.

– Đảm bảo đủ giường bệnh, nhân viên y tế, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh ở cả 3 tuyến.

– Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước sạch, thoát nước thải.

– Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

– Đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phấn đấu 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, 80%-100% rác thải được thu gom và xử lý.

2.2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế.

2.2.1. Khu vực kinh tế nông nghiệp.

Khu vực kinh tế nông nghiệp những năm qua phát triển khá ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thị xã Cửa Lò. Giá trị sản xuất năm 2000 đạt 46,1tỷ đồng, năm 2006 đạt 62,72 tỷ đồng, năm 2010 đạt 767,21 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 – 2010 đạt 19,2%/năm.

Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng cơ bản ổn định.

Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là lúa, ngô và lạc năm 2010 sản lượng tương ứng là 1.003 tấn lúa, 642 tấn ngô và 817 tấn lạc. Năm 2010 do có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện thực tế đất đai, nguồn nước của địa phương.

Ngành thuỷ hải sản của thị xã được chú trọng và có điều kiện phát triển do có sông và vị trí ven biển và có nhiều cảng cá, nhưng số lượng tàu thuyền những năm gần đây có giảm đi, tuy nhiên sản lượng ngành thủy sản vẫn tăng nhanh từ năm 2004 – 2010, năm 2010 là 6.100 tấn.

Tuy nhiên, phát triển thuỷ sản còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế do thiếu vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ thiếu ổn định.

2.2.2. Khu vực kinh tế công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương trong những năm qua do đầu ra một số sản phẩm, ngành hàng có lúc gặp khó khăn do giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến sản xuất, giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp năm 2006 đã tăng lên 29,345 tỷ đồng, năm 2010 tốc độ tăng trưởng 21%/năm và ước đạt 318 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2005. Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của thị xã vẫn chủ yếu là công nghiệp chế biến và những ngành phục vụ sản xuất. Có nhiều dự án lớn đầu tư thu hút nhiều lao động như khu dịch vụ hậu cần nghề cá Hà Dung, nhà máy sữa Vinamilk, bánh kẹo Tràng An, Gon resort… một số nghề truyền thống như thủ công mỹ nghệ, chế biến hải sản, đông lạnh ở Nghi Hải, Nghi Tân, Nghi Thuỷ phát triển tốt.

Ngành xây dựng trong những năm qua có bước phát triển khá, 7/7 phường đã lập và được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Thị xã được công nhận là đô thị loại III, trong nhiệm kỳ toàn thị xã đã xây dựng trên 150 công trình với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 500 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt đã hoàn chỉnh thủ tục và ký kết dự án nước thải giai đoạn 2 với kinh phí trên 490 tỷ đồng.

Nhìn chung tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm. So với yêu cầu, ngoài những khó khăn vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, còn có những nguyên nhân chủ quan, khách quan chi phối như thiếu vốn, các chủ đầu tư chưa đủ năng năng lực.

2.2.3. Khu vực kinh tế dịch vụ và chợ.

Các ngành dịch vụ có bước phát triển tích cực đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ đời sống dân cư của thị xã, trong đó quan trọng nhất là dịch vụ du lịch và dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, phục vụ nghề cá.

Năm 2010 tốc độ tăng trưởng bình quân 21,1%, riêng du lịch đạt 520 tỷ đồng, thu hút gần 1,8 triệu lượt khách với 230 khách sạn, nhà nghỉ, trên 6.000 phòng và gần 13.000 giường. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp đồng bộ.

2.3. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập.

Dân số.
Năm 2010 dân số của thị xã là 47.527 Nhân khẩu, trong đó: Nam 23.464 nhân khẩu (Chiếm 49,37%), nữ 24.063 nhân khẩu (Chiếm 51,63% tổng dân số). Dân số khu vực đô thị 47.527 nhân khẩu (Chiếm 100%).

          Mật độ dân số của Thị xã là 1.708 người/km2. Dân cư phân bố tập trung chủ yếu ở Nghi Tân, Nghi Thuỷ và Nghi Hải, dọc theo đường Bình Minh và các khu vực thuận lợi cho giao thông, kinh doanh dịch vụ và sinh hoạt.

Trong những năm qua, Thị xã đã thực hiện tốt chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm dần, tuy nhiên vẫn ở mức  dưới 1%.

Lao động.

Số người trong độ tuổi lao động của thị xã Cửa Lò là 31.367 người, chiếm 66% dân số toàn thị xã, trong đó số người có việc làm ổn định khoảng 90% số người trong độ tuổi lao động. Trên địa bàn thị xã lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao, khoảng 60%, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm 15%, nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 25%.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thị xã Cửa Lò năm 2010 đạt 25 triệu đồng/người/năm.