(Thanh tra) – Dưới góc nhìn du lịch, Cửa Lò được biết đến là mảnh đất có bãi biển đẹp, hải sản phong phú, tươi ngon bậc nhất miền Trung. Ít ai để ý rằng đây cũng là cái nôi của văn hóa cư dân vùng biển xứ Nghệ. Trong đó, văn hóa tâm linh cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình khai thác, phát triển du lịch ở mảnh đất này.
Để một mùa du lịch hấp dẫn và an toàn
“Cửa Lò – Khát vọng toả sáng”
Thị xã Cửa Lò tuy diện tích không lớn (27,81 km2) nhưng lại có hệ thống di tích – danh thắng khá phong phú, đa dạng. Theo số liệu kiểm kê chưa đầy đủ của Ban quản lý Di tích tỉnh Nghệ An, trên địa bàn thị xã Cửa Lò hiện nay có 40 di tích, trong đó có 13 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia với đủ các loại hình lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong số đó, các di tích mang tính chất tâm linh chiếm phần lớn.
Trên dải đất có đường bờ biển dài 12km, du khách không khó để nhìn ra bóng dáng thấp thoáng của những ngôi đền, chùa… cổ kính. Chính những công trình ấy đã góp phần níu giữ những giá trị truyền thống giữa hơi thở gấp gáp của thời đại. Cư dân Cửa Lò từ bao đời nay vẫn luôn tự hào về không gian văn hóa tâm linh truyền thống, họ không chỉ biết giữ gìn, phát huy mà còn biết khai thác yếu tố tâm linh thành một nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch.
Những tín ngưỡng đặc sắc của cư dân vùng biển Cửa Lò
Lung linh, hấp dẫn tại Lễ khai mạc Du lịch Cửa Lò 2024. Ảnh: Hoàng Nguyên
Ngược dòng lịch sử, các ngôi làng cổ của Cửa Lò được hình thành từ khá sớm với sự đóng góp rất lớn của cha con Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Đường bờ biển dài không chỉ là điều kiện, là tiêu chí thu hút dân cư về đây sinh cơ lập nghiệp mà còn là lý do để hình thành nên các tín ngưỡng tâm linh. Sống nhờ biển, chết cũng bám biển là tiền đề để nhiều tín ngưỡng đặc sắc, mang đậm văn hóa vùng sông nước ra đời. Trong đó, đặc sắc nhất là tín ngưỡng thờ Hải thần (thần Biển) và tín ngưỡng thờ cá Ông.
Có thể nói, thờ Hải thần hình thành song song với quá trình khai hoang, lập làng của cư dân Cửa Lò. Bởi vậy, nó là một phần máu thịt, không thể tách rời khi nhắc đến quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất này. Hệ thống Hải thần của cư dân Cửa Lò rất phong phú, đa dạng, bao gồm những vị nhân thần khi sống được giao cai quản vùng biển, vùng cửa sông, cửa lạch như: Hoàng Tá Thốn, Lê Khôi, Nguyễn Sư Hồi,… hay những vị thần hiển linh được phong cai quản vùng biển như: Tứ vị thánh nương; Cao Sơn Cao Các…
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và thị xã Cửa Lò đón bằng chứng nhận đền Yên Lương được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Châu Yên
Trong số các vị thần kể trên, được thờ phổ biến hơn cả là Tứ vị Thánh Nương. Đây là vị thần có nguồn gốc xuất xứ từ Đền Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Hiện tượng thờ Tứ vị Thánh Nương không chỉ dừng lại ở nơi phát tích ban đầu mà còn được khuếch tán, lan tỏa thờ phụng ở nhiều nơi thuộc vùng ven sông, ven biển. Trải qua các triều đại lịch sử, Tứ vị Thánh nương đều được nhà nước phong kiến trung ương ban tặng sắc phong ghi nhận công trạng “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương” và phong đến bậc cao nhất là “Thượng đẳng tối linh”, trở thành vị nữ thần trấn giữ nơi cửa biển, thần luôn phù hộ độ trì cho ngư dân ra khơi vào lộng được an toàn tính mạng. Một vị thần nữa cũng được cư dân nơi đây tôn thờ ở nhiều di tích, đó là Cao Sơn Cao Các.
Thần là 1 trong 8 vị thần được thờ nhiều nhất trên đất Nghệ An nói chung và Cửa Lò nói riêng. Tuy nhiên, nếu như ở các nơi khác, Cao Sơn Cao Các được thờ với tư cách là vị thần Núi thì ở Cửa Lò, thần lại được thờ với tư cách là vị hải thần canh giữ bình yên cho vùng cửa biển với vị hiệu: “Cao Sơn Cao Các trấn hải môn chính đạo đại vương”.
Nhiều hoạt động trong Lễ hội Cầu Ngư năm 2024 ở phường Nghi Hải. Ảnh: Hạnh Quý
Nhiều hoạt động trong Lễ hội Cầu Ngư năm 2024 ở phường Nghi Hải. Ảnh: Hạnh Quý |
Tín ngưỡng thờ cá Ông cũng là một tín ngưỡng dân gian cổ truyền của cư dân vùng biển Cửa Lò. Đối với nhiều người, cá Ông hay cá Voi chỉ là một sinh vật bình thường, gây ấn tượng bởi sự to lớn, nhưng đối với những người dân biển, đặc biệt là những người dân sống bằng nghề đánh cá, đi biển thì cá Ông như người cha, người mẹ che chở, bảo vệ, cứu giúp mỗi khi các thuyền bè khi gặp nạn. Vì vậy, họ rất tôn sùng và suy tôn cá Ông với nhiều mỹ tự như: Ngư Ông, ông Nam Hải, ông Chộng, ông Lộng, ông Khơi, Nam Hải Đại tướng quân. Nhân dân nơi đây còn có câu “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ”.Tương truyền rằng: Vùng Cửa Lò, Cửa Hội thường xuất hiện một cá Ông to như chiếc tàu. Nhiều lần biển động ghe thuyền đánh cá găp nguy hiểm, ông thường đến cứu giúp. Cá Ông kê lưng đỡ thuyền lướt qua sóng gió hãi hùng và đã cứu vớt được nhiều ngư dân gặp nạn. Khi “ngài” mất, xác trôi vào bờ, ngư dân phải dùng đến 30 đôi chiếu mới để đắp di hài mà không hết.
Theo tục lệ của dân đi biển thì ai phát hiện được cá Ông mắc cạn (tục gọi là “ông lụy”) thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Người đầu tiên phát hiện ra xác cá Ông được gọi là trưởng nam và khi tổ chức tang lễ phải mặc trang phục như một người con trai trưởng tổ chức đám tang cho cha mẹ. Toàn bộ những nghi lễ liên quan đều phải được cả dân làng thực hiện. Nếu cá Ông nhỏ chết, người ta gọi là thai sẩy và gọi là thần cô, thần cậu. Cá Ông được người dân tôn kính gọi là Đức Ngư Ông. Với lòng thành kính ấy, họ gửi gắm tất cả niềm tin vào thần Đức Ngư Ông linh thiêng nhằm phù hộ độ trì cho cư dân những lúc ra khơi vào lộng.
Những địa chỉ tâm linh nổi tiếng
Chùa Lô Sơn tọa lạc ở phường Nghi Tân là ngôi chùa có lịch sử xây dựng hàng trăm năm. Hiện nay, chùa vẫn bảo lưu được dáng dấp của một ngôi chùa làng xưa cùng hệ thống tượng cổ độc đáo. Không gian yên bình, thanh tịnh chính là điểm thu hút du khách sau khi đã có những trải nghiệm sôi nổi, náo nhiệt bên bờ biển. Cách đó không xa, có một ngôi đền cổ thờ vị Hải thần Nguyễn Sư Hồi – người con trai tài ba, xuất chúng của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, gọi là đền Vạn Lộc. Đền có vị trí đẹp, nhìn ra cảng cá Cửa Lò, các công trình còn giữ được nét cổ kính, cách thức bài trí cùng những mảng chạm khắc trên khung nhà tạo nên chiều sâu tâm linh mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách. Ngôi đền cổ linh thiêng này hàng năm cũng thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch.
Đền Mai Bảng, phường Nghi Thủy. Ảnh: Châu Yên
Nằm nép mình khiêm tốn trong khu dân cư, đền Yên Lương, đền Mai Bảng – phường Nghi Thủy, đền Làng Hiếu – phường Nghi Hải… cũng là những địa chỉ tâm linh hấp dẫn đáng để du khách một lần đặt chân đến. Những ngôi đền này không chỉ có không gian yên bình, thoáng đãng mà còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống của cư dân vùng biển. Thật thú vị khi vừa dâng hương, chiêm bái, vừa được nghe các cụ từ kể những câu chuyện về phong tục, lối sống của cư dân vùng biển.
Trong số các điểm tâm linh nổi tiếng, không thể không nhắc đến chùa Song Ngư – ngôi chùa án ngữ trên hòn Đảo Ngư xinh đẹp. Ra thăm chùa, du khách không chỉ được trải nghiệm cảm giác khi di chuyển bằng thuyền, mà còn được đắm mình trong không gian thơ mộng của biển trời cùng thế giới linh thiêng của phật pháp.
Đền Làng Hiếu, phường Nghi Hải. Ảnh: Châu Yên
Những lễ hội đặc sắc thu hút khách du lịch
Trên địa bàn thị xã Cửa Lò có khá nhiều lễ hội văn hóa tâm linh gắn với các di tích được tổ chức hằng năm như Lễ hội đền Yên Lương (15/6 âm lịch), lễ Cầu Ngư tại đền Làng Hiếu (15/3 âm lịch), lễ hội đền Vạn Lộc (15 tháng Giêng), lễ hội đền Mai Bảng (12/2 âm lịch)…, trong số đó, phải kể đến lễ hội đền Yên Lương. Đây là một trong những lễ hội cổ truyền đã tồn tại hàng trăm năm với nhiều phần lễ mang đậm bản sắc của cư dân vùng biển như: Lễ cáo Trung thiên, lễ yết cáo, lễ rước Phụng nghinh, lễ cầu ngư, lễ đại tế và lễ tạ… thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Lễ hội đền Yên Lương đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2023.
Lễ hội đền Yên Lương, phường Nghi Thuỷ. Ảnh: Nguyễn Hương
Lễ Cầu Ngư hay còn gọi là Lễ Nghinh Ông được tổ chức tại đền Làng Hiếu cũng là một trong những lễ hội đặc sắc, gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông. Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như lễ tế và xin rước sắc, lễ Phụng Nginh (rước cá Ông) tại bến thuyền Hà Dung cùng nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của cư dân vùng biển như thi nướng cá, thi rót nước mắm…
Đền Bàu Lối, phường Nghi Thu. Ảnh: Châu Yên
Nhìn chung, dù các lễ hội diễn ra ở các thời điểm khác nhau, hoạt động phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc nhưng đều thể hiện đặc trưng văn hóa của cư dân vùng biển Cửa Lò.
Những năm gần đây, khi Cửa Lò ngày càng được nhiều người biết đến và lựa chọn làm điểm dừng chân vào các dịp lễ thì những địa điểm tâm linh, những lễ hội tâm linh cũng ngày càng thu hút khách du lịch. Hy vọng rằng, khi địa danh Cửa Lò không còn xuất hiện trên bản đồ hành chính thì những cư dân Cửa Lò vẫn giữ được nhiệt huyết, tình yêu với di sản văn hóa truyền thống của cha ông để du lịch tâm linh ở Cửa Lò sẽ được du khách tìm đến chứ không phải là điểm “đính kèm” khi du khách đến với danh thắng Cửa Lò.