Trong tâm thức của người dân vùng biển thị xã Cửa Lò, ngoài ngày sóc, ngày vọng thì từ xưa đến nay đi lễ đền chùa đầu năm là một tập tục mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi đi lễ đầu năm không chỉ đơn giản để ước nguyện, cầu mong cho năm mới gặp nhiều may mắn mà đây cũng là dịp để mỗi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh và tưởng nhớ đến những người có công với quê hương. Đặc biệt là những hộ kinh doanh buôn bán, những ngư dân sống bằng nghề đi biển, họ tìm đến đây cầu mong các vị thần linh phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, thuyền đầy tôm cá, buôn bán gặp nhiều may mắn. Cứ thế năm này sang năm khác, đi Đền, chùa vào ngày xuân đã trở thành nét đẹp truyền thống của bà con ngư dân Cửa Lò. Bà Nguyễn Thị Bích, Khối 9- Phường Nghi Thủy- thị xã Cửa Lò nói: “Trong dịp Tết Nhâm Thìn này gia đình muốn đến thắp hương để cầu phúc, cầu tài cầu lộc cho gia đình mọi sự được bình yên, con cháu ngoan, ăn học đến nơi đến chốn. Gia đình cũng như dân làng ở đây họ đến để cầu nguyện… Nhân dịp năm mới thì gia đình muốn đi đến để cầu lộc cầu yên, đi khơi đi lộng, đi Biển mọi sự được bình yên”
Còn ông Phùng Bá Điểm, Ban quản lý di tích Đền Vạn Lộc- thị xã Cửa Lò thì cho biết: “Nhân dân ở phường đây, người đi đánh cá cũng như kinh doanh thì người ta đều đến để tạ lễ, biết được công ơn của ngài qua một năm đã phù hộ, độ trì làm ăn phát tài phát lộc, mọi sự bình yên. Cầu xin sang năm mới để mưa thuận gió hòa, làm ăn tiến tới- đây cũng là một nguyện vọng, cái tâm linh của mỗi người dân địa phương khi lúc nào người ta lúc nào cũng tưởng nhớ đến người đã khai sinh ra làng Vạn Lộc tức là Thái úy Nguyễn Sư Hồi là người đã có công với nước, khai cơ lập nghiệp ra làng Vạn Lộc- phường Nghi Tân- Thị xã Cửa Lò ngày nay”.
Không cần mâm cao cỗ đầy, không nghi thức rườm rà và cũng không phân biệt tuổi tác. Chỉ với mâm ngũ quả, nén hương là đủ để mỗi người dân đi lễ chùa đầu năm. Người dân luôn tâm niệm, đến với cửa chùa là đến với sự thánh thiện, thanh tao. Đến đây người ta có thể rũ bỏ được những phiền muộn, lo toan, gạt bỏ đi hết những cái cũ, để đón chờ năm mới tốt đẹp hơn và bày tỏ tri ân những bậc thánh thần luôn dõi theo, che chở và phù hộ.
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương nhiều di tích Đền, chùa được trùng tu tôn tạo như chùa Lô Sơn, Đền Vạn Lộc, Đền Mai Bảng, Đền Diên Nhất,… Hiện nay, toàn địa bàn thị xã Cửa Lò có 22 di tích danh lam thắng cảnh phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và khách thập phương. Ông Trần Anh Tuấn, Phó phòng Văn hóa-thông tin Thị xã Cửa Lò khẳng định: “Vấn đề phong tục tập quán tín ngưỡng luôn gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân, nó gắn liền với đời sống kinh tế và văn hóa tâm linh.. Chính vì thế trong thời gian qua luôn được các cấp ngành đặc biệt quan tâm, ý thức của người dân được nâng cao, và thực hiện đúng với các quy định của Nhà nước. Đặc biệt là một cái phong tục, tập quán lâu đời phổ biến ở Cửa Lò cũng như địa phương khác là vấn đề thờ cúng tổ tiên. Bên cạch việc thờ cúng tại gia đình thì nhiều địa phương còn tổ chức dâng hương, dâng hoa taị các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức cũng như ở tại đình, đền chùa và đi cầu may đầu năm. Với tình yêu quê hương, những niềm tin tín ngưỡng đó sẻ được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, để góp phần thực hiện tốt nếp sống văn hóa đô thị, cũng như góp phần xây dựng thị xã Cửa Lò trở thành đô thị giàu mạnh- văn minh”.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhưng không vì thế mà những phong tục, tập quán tốt đẹp bị mai một. Gìn giữ và bảo tồn nét đẹp truyền thống đó của dân tộc, đã và đang được người dân vùng biển Cửa Lò nâng niu, trân trọng. Đây cũng là mong muốn mà cấp ủy, chính quyền các cấp ở Cửa Lò đang hướng tới nhằm xây dựng 1 thị xã du lịch có 1 nền văn hóa giàu bản sắc.