Sáng 21/3 (tức ngày 12/2 âm lịch), Lễ cầu ngư năm 2024 và lễ giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được tổ chức trang trọng tại đền Mai Bảng, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò. Cùng dự có các đồng chí: Phạm Công Vinh – Phó trưởng ban quản lý di tích tỉnh; Lê Thanh Long – Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; Đại diện các phòng, ban, ngành thuộc TX Cửa Lò; Đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTQ, các tổ chức chính trị xã hội, cùng đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài phường Nghi Thủy và du khách về dự.
Lễ cầu ngư năm 2024 và Lễ giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu đền làng Mai Bảng được tổ chức trong 2 ngày từ ngày 20 đến ngày 21/3/2023 (tức ngày 11,12/2 âm lịch), trang trọng với lễ lễ cầu đinh, cầu ngư, quết oản dâng thần và giao lưu văn nghệ.
Tại Cửa Lạch, sáng ngày 21/3, đã tiến hành lễ cúng tế cầu ngư xin các bậc tiền nhân gia ân, phù hộ cho nhân dân được đánh bắt bội thu, cuộc sống được ấm no, bình an, hạnh phúc.
\
Ngoài thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi – một vị tướng tài tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, giúp Vua Lê Lợi đánh tan quân Minh xâm lược, đền Mai Bảng còn thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thuỷ Tinh phu nhân và 6 vị khai cơ lập làng khác.
“Nữ trung hào kiệt”, sắc phong “Chế Thắng” được vua Lê Thánh Tông ban cho Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu nhằm ghi nhận những công lao to lớn của bà dành cho đất nước.
Theo sử sách, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, quê ở xã Bảo Lộc (Hải Hậu, Nam Định). Bà là con gái của vị đại thần họ Nguyễn rất mực thanh liêm. Bà có tài năng thiên bẩm về văn chương, võ thuật, cung kiếm. Với khí chất thông minh, xinh đẹp, bà được vua Trần Duệ Tông phong làm quý phi và rất mực sủng ái.
Yêu nước, luôn lo lắng cho sự an nguy của xã tắc, bằng thông tuệ của mình, bà đã dâng lên vua Trần Duệ Tông bản“Kê minh thập sách” gồm 10 điều trị nước an dân, đến nay vẫn còn giá trị.
Trên đường chinh phạt quân Chiêm Thành, vào năm 1377, bà theo vua Trần Duệ Tông để hộ giá, do bị trúng kế của quân địch, các viên tướng của nhà vua lần lượt tử trận, khi đó bà Bích Châu đã thân chinh đứng ra chỉ huy đạo quân bảo vệ nhà vua. Không may bà bị trúng mũi tên tẩm độc, vết thương quá nặng, bà trút hơi thở vào giờ Tý, ngày 11/2/1377.
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Ninh – Hà Tĩnh phát hiện ngôi miếu thờ, biết được câu chuyện đánh giặc của bà Bích Châu, đã đề tặng bốn chữ “Nữ trung hào kiệt” dán lên bài vị . Sau khi thắng trận trở về, vua Lê Thánh Tông sắc phong cho bà là Chế Thắng.
Thành kính tưởng nhớ công ơn, nhân 647 năm ngày mất của bà, con cháu phường Nghi Thủy dâng nén hương thơm với tâm thành kính tri ân người phụ nữ hùng kiệt vì non sông xã tắc quên mình.
Với tín ngưỡng dân gian đặc sắc, mang đậm giá trị văn hóa của ngư dân làng chài Nghi Thủy, lễ hội đền Mai Bảng đã góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, đoàn kết cộng đồng, làm phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa quê hương.
Nguyễn Hương – Duy Quý