(Baonghean.vn) – Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư du lịch bền vững Việt Nam, trao đổi với Báo Nghệ An về tiềm năng, thực trạng ngành du lịch tỉnh Nghệ An.
P.V : Thưa ông Phùng Quang Thắng, vì sao trong nhiều năm trở lại đây, khi nhắc tới du lịch Nghệ An, mọi người vẫn chỉ nhắc nhiều đến du lịch biển, trong khi mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này còn nhiều danh lam thắng cảnh, di tích?
Ông Phùng Quang Thắng: Để phát triển du lịch, thông thường mọi người sẽ hướng đến những gì dễ làm trước. Tuy vậy, theo thời gian, những sản phẩm du lịch ấy cần đi vào chiều sâu. Cách đây gần 20 năm, du lịch Việt Nam mới đang chập chững những bước đầu, chiến lược thời điểm đó là phát triển du lịch biển. Điều đó hoàn toàn đúng ở giai đoạn này, bởi lẽ khai thác những giá trị thiên nhiên thì dễ thu hút, du khách cũng dễ cảm nhận.
Nhưng đến một lúc nào đó, người ta sẽ không chỉ nhìn ở góc độ vẻ đẹp thiên nhiên mà còn mong muốn nhìn thấy, được cảm nhận giá trị đầu tư vào địa điểm du lịch ấy, ví dụ: Công trình kiến trúc, công trình xã hội… Nhưng điều khó nhất là những hạ tầng ấy có hài hòa với thiên nhiên hay không, có thể hiện sự bền vững trong phát triển du lịch tại địa phương đó hay không? Trong khi đó khách du lịch sẽ ngày càng có trình độ đi du lịch nhiều hơn, đặc biệt với khách quốc tế.
P.V: Hiện nay, đối với những sản phẩm du lịch khai thác giá trị thiên nhiên tại Nghệ An nói chung, theo ông nên lưu ý những điều gì?
Ông Phùng Quang Thắng: Trước đây, chúng ta tập trung vào việc sử dụng giá trị thiên nhiên thì hiện nay cần lưu ý đến việc giữ gìn thiên nhiên để sự đầu tư mang tính bền vững hơn. Ví dụ, những bãi biển đẹp ở nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng là “những mỏ vàng với trữ lượng vô tận”. Những khu du lịch biển, ngoài việc giúp cho du khách có điểm đến, tái tạo sức lao động cho người dân địa phương, là nơi nghỉ ngơi giải trí… mà còn để khám phá văn hóa địa phương. Du khách luôn có nhu cầu hướng đến những khu vực hoang sơ, nguyên bản.
Vì vậy khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên cần có một chính sách cụ thể. Khai thác du lịch quốc tế không chỉ với cảnh quan thiên nhiên và dịch vụ tiện nghi mà còn thu hút họ bằng những hành trình du lịch văn hóa. Du lịch văn hóa mới là sản phẩm lõi để hấp dẫn, thu hút khách. Địa phương nào cũng có những đặc trưng của mình. Do vậy, tất cả những điểm đến quan tâm đến du lịch văn hóa sẽ thúc đẩy được du lịch quốc tế tốt hơn, nguồn thu trên giá trị ấy cũng tốt hơn nhiều.
P.V: Theo như ông nói thì có thể hình dung bản đồ sản phẩm du lịch ở Nghệ An đang mất cân bằng và đang thiếu hụt sự đầu tư chất xám cho du lịch văn hóa?
Ông Phùng Quang Thắng: Tất nhiên làm du lịch văn hóa khó hơn, đòi hỏi nhiều thời gian hơn phát triển du lịch cảnh quan thiên nhiên. Văn hóa phải có dịch vụ đi kèm bởi cảm nhận của du khách bằng mắt rất dễ, nhưng cảm nhận bằng tai, với các thông tin sẽ khó hơn nhiều.
Ví dụ Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên thu hút du khách bởi có những thuyết minh viên chuyên nghiệp, tâm huyết, giá trị của khu di tích này được tôn lên rất nhiều bởi những con người như họ. Mọi người có thể đọc được những câu chuyện về Bác ở đâu đó, nhưng di tích này vẫn hút khách là do có dịch vụ thuyết minh và các dịch vụ khác liên quan, cùng sự đầu tư thích đáng. Còn những khu vực khác, mọi người chưa quan tâm nhiều lắm, mặc dù đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận giá trị.
P.V: Vậy theo ông, du lịch văn hóa ở Nghệ An có thể khai thác theo hướng nào?
Ông Phùng Quang Thắng: Ở đây, có thể đề cập đến du lịch lịch sử tại Nghệ An. Đó cũng là một tiềm năng, nhưng dường như chúng ta mới chỉ dừng lại ở câu chuyện giáo dục truyền thống, cố gắng tôn tạo, gìn giữ di tích… còn để hình thành các tour du lịch lịch sử hấp dẫn du khách thì chưa có. Do vậy, nếu muốn phát triển du lịch Nghệ An một cách toàn diện, cần phải có tư duy xây dựng những sản phẩm du lịch ở những địa điểm, danh thắng, di tích lịch sử khác. Khi ấy, bức tranh du lịch của tỉnh Nghệ An sẽ mở rộng hơn.
Tôi lấy ví dụ, trên con đường Hồ Chí Minh chạy qua Nghệ An, có nhiều điểm di tích đáng lưu ý. Truông Bồn mặc dù được đầu tư rất tốt nhưng lâu nay vẫn thiên về hướng tâm linh, phục vụ du khách đến thắp hương, tri ân sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Hay như đồi chè Thanh Chương giờ đây cũng không hút khách như trước. Ngoài những giá trị lịch sử, văn hóa, cần có những dịch vụ, với những sản phẩm cụ thể để thu hút du khách.
Các điểm tham quan xưa nay mới chỉ gắn liền, thậm chí nổi bật với giá trị văn hóa, lịch sử mà chưa trở thành những sản phẩm du lịch. Để trở thành sản phẩm du lịch nằm trong thị trường du lịch và được du khách mua, trải nghiệm thì giá trị ấy phải cộng thêm các dịch vụ du lịch đi kèm. Dịch vụ bao gồm nhiều yếu tố, trong đó bao gồm thuyết minh. Trong các sản phẩm du lịch hiện nay, tính trải nghiệm của du khách tại địa điểm đó, ứng với các giá trị của điểm đến sẽ giúp du khách dễ dàng cảm nhận tốt hơn về địa điểm ấy.
Cái khó nhất là tạo ra những trải nghiệm cho du khách, phù hợp với từng đối tượng cũng như có các dịch vụ đi kèm, hài hòa và hấp dẫn. Để làm được điều đó mất rất nhiều thời gian và công sức, đặc biệt là nghiên cứu về nó. Quan trọng hơn, cần sự bắt tay giữa những người làm công tác quản lý di tích và doanh nghiệp du lịch. Tôi tin rằng, với góc nhìn từ phía các doanh nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, phù hợp với từng đối tượng, tạo ra sự thay đổi từ nguồn khách thụ động sang chủ động.
Đặc biệt với Nghệ An, là nơi có thể kết nối với đất nước Lào, Thái Lan để phát triển du lịch quốc tế, nhưng muốn có luồng khách quốc tế đi qua biên giới giữa Nghệ An sang Lào thì nhất định phải khai thác du lịch văn hóa. Còn nếu chỉ dựa trên du lịch biển thì khách quốc tế sẽ không vào. Ví dụ, tại phía Tây tỉnh Thanh Hóa đang khai thác du lịch cộng đồng. Nơi này đang nổi lên với những địa danh như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa… thu hút cả du khách trong nước cũng như khách nước ngoài. Miền Tây Nghệ An hiện nay chưa có điểm du lịch nào nổi lên và chúng ta có thể học tập mô hình của Thanh Hóa.
P.V: Nếu coi văn hóa là nền tảng cốt lõi thì cần “mở lối” cho công nghiệp văn hóa, cho sự sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Phùng Quang Thắng: Nhìn rộng ra, tôi muốn nói đến sự sáng tạo trong Công nghiệp Văn hóa. Riêng với du lịch, sự sáng tạo trong việc khai thác các giá trị tài nguyên di tích sẽ luôn đòi hỏi rất cao. Sự sáng tạo trong du lịch bó hẹp hơn so với những hoạt động mang tính nghệ thuật khác, đòi hỏi phù hợp với giá trị của di tích, nhất là với các di tích lịch sử, cách mạng. Bởi vì, giá trị của di tích văn hóa có thể “nhận diện” theo nhiều chiều nhưng di tích cách mạng thường chỉ là một chiều. Ý tôi đó là sự chuẩn chỉ, đúng mực.
Cái khó thứ hai là các sản phẩm khác, tính sáng tạo rất dễ thừa nhận, bằng nhãn hiệu, bằng sáng chế, chứng nhận. Sáng tạo trong lĩnh vực du lịch đã khó nhưng bản quyền trong du lịch cũng chưa được công nhận. Trong khi đó sản phẩm du lịch dễ coppy, nhân bản. Sự sáng tạo phải được công nhận thì mới thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch. Chính vì vấn đề bản quyền chưa được đảm bảo nên trong thực tế, chúng ta có thể thấy hầu hết các công ty du lịch chỉ khai thác một cách thuần túy điểm du lịch nào khách quan tâm thì sẽ đưa vào chương trình để kết nối.
Còn việc tham gia quản lý điểm đến, xây dựng sản phẩm để thu hút khách thì các công ty du lịch ít tham gia, kể cả những công ty lớn. Người ta chỉ xây dựng sản phẩm ở góc độ dễ dàng hơn như đầu tư xây dựng hạ tầng. Các đơn vị lớn như Tập đoàn Sun Group đầu tư rất tốt sản phẩm du lịch hạ tầng, mang tính hiện đại nhưng là đưa từ nơi khác về.
Còn nếu nhìn ở góc độ thuần Việt, sản phẩm du lịch gắn với văn hóa lịch sử địa phương thì hầu như không có. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể quan tâm nghiên cứu và nhân rộng mô hình ở Ninh Bình: Di tích, di sản thì Nhà nước quản lý, khai thác dịch vụ thì do tư nhân chịu trách nhiệm. Đầu tư dịch vụ mới có nguồn thu và có nguồn thu thì mới trở lại bảo tồn di tích. Một yếu tố nữa, ngoài việc đầu tư nghiên cứu, sáng tạo là thực hành cung cấp dịch vụ.
Với những điểm thu hút khách du lịch thì từ những người bảo vệ, người trông xe cũng khác hẳn so với những đơn vị là điểm di tích. Tất cả đều phải thay đổi từ người quản lý đến những nhân viên phục vụ. Nếu xác định thu hút khách du lịch trong nước hay ngoài nước thì đương nhiên phải thay đổi, chuyển hướng dịch vụ cho phù hợp với các đối tượng khách du lịch. Việc này cũng đòi hỏi nguồn nhân lực đủ năng lực, chuyên nghiệp.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn : Báo Nghệ An