Thách thức trong chuyển đổi số của du lịch Nghệ An

Đăng ngày 03/11/2023

(Baonghean.vn) – Quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành Du lịch Nghệ An hiện vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, cần nhiều giải pháp để đẩy nhanh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch.

Tiếp cận du khách trên nền tảng số

Khu Du lịch Hòn Mát (Nghĩa Đàn) mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu nhưng điểm du lịch này đã tích cực triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kinh doanh. Trong quản lý, vận hành, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý bán hàng thay thế viết giấy thủ công, mọi dữ liệu về nhập kho, xuất kho, tồn kho, số lượng khách, đơn hàng,… đều được dữ liệu hóa để quản lý và xử lý hiệu quả.

Du khách có thể đặt hàng, đặt dịch vụ, đặt tour của Hòn Mát Farmstay thông qua Fanpage, Website, Zalo để đưa ra các yêu cầu, tiết kiệm thời gian chờ đợi và có các thông tin cần thiết trước khi sử dụng dịch vụ.

bna_3.jpg
Khu du lịch biển Cửa Lò. Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Để tăng chất lượng dịch vụ và sự trải nghiệm cho du khách, Khu Du lịch Hòn Mát ứng dụng chế độ Review và Rating (đánh giá, nhận xét và chấm điểm) trên trang mạng điện tử (Google, Facebook). Từ đó, tăng cường sự tương tác, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn ý kiến khen, chê, góp ý cũng như mong muốn của du khách, giúp đơn vị cải thiện chất lượng, khắc phục các hạn chế để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hòn Mát Farmstay tận dụng tối đa truyền thông trên các trang mạng xã hội như Fanpage, TikTok của đơn vị cũng như các trang truyền thông nổi tiếng trong tỉnh và cả nước như Review du lịch Nghệ An; du lịch Nghệ An; Farmstay Việt Nam…

bna_1.jpg
Màn hình bấm, chạm tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên giúp du khách có thêm trải nghiệm mới. Ảnh: Đình Tuyên

“Điều này tiết kiệm được chi phí so với việc tham gia các hội thảo, sự kiện truyền thông trực tiếp trong cũng như ngoài tỉnh. Đặc biệt, thông qua các trang mạng xã hội này hiệu quả và tính lan tỏa mạnh và nhanh, giúp kết nối với du khách khắp mọi miền và xây dựng mạng lưới du lịch nông nghiệp rộng khắp”, ông Đặng Trọng Tấn – Giám đốc Khu du lịch Hòn Mát nói.

Là một công ty lữ hành, thời gian gần đây, Vietravel Nghệ An thực hiện việc bán tour qua app và trang web của công ty; mọi giao dịch với khách hàng đều được thực hiện qua mạng Internet. Đơn vị đã triển khai các kênh bán, tương tác với khách hàng qua Fanpage chính thức của công ty, qua Zalo từng chi nhánh.

Ngay cả việc trình ký cũng không còn sử dụng file giấy mà được sử dụng bằng chữ ký online. Bên cạnh đó, sử dụng phần mềm tự động tích điểm cho khách hàng khi mua tour, khách hàng sẽ nhận được điểm số để kích hoạt thẻ vàng, bạc, kim cương.

bna_4.jpg
Khu Du lịch Hòn Mát quảng bá các sản phẩm trên các nền tảng số. Ảnh: C.K

Theo bà Cao Thị Thanh – Phó Giám đốc chi nhánh Vietravel Nghệ An, chuyển đổi số chủ yếu là áp dụng công nghệ thông minh vào du lịch để gắn kết khách hàng nhiều hơn, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, và hỗ trợ khách hàng nhanh chóng hơn, từ đó tăng cường hiệu quả hoạt động.

Tại các điểm đến như đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt – Lào (Anh Sơn), Khu Lưu niệm Phan Bội Châu (Nam Đàn) đã triển khai quét mã QR, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận các dịch vụ nhanh chóng. Đặc biệt, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là đơn vị đi đầu, có nhiều hoạt động nổi bật trong chuyển đổi số.

“Các khu, điểm và doanh nghiệp du lịch Nghệ An đã và đang thực hiện các giải pháp khác nhau để tăng cường khả năng tiếp cận du khách trên các nền tảng số. Điều này sẽ tạo tiền đề hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh ở Nghệ An”.

– ÔNG NGUYỄN MẠNH CƯỜNG – GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH NGHỆ AN –

Những thách thức

Những kết quả và chuyển biến bước đầu trong quá trình chuyển đổi số của ngành Du lịch Nghệ An là không thể phủ nhận, nhưng quá trình này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông Nguyễn Bảo Tuấn – Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, việc triển khai chuyển đổi số ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đang gặp khó khăn trong xây dựng các nội dung cần thực hiện số hóa, xác định các tiêu chí thực hiện, các cụm di tích cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa.

Hơn nữa, đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ, chưa có đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin để đáp ứng công việc… Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa; nguồn lực đầu tư quá ít, không đảm bảo sự đồng bộ. Do vậy, kho dữ liệu chưa được bổ sung thường xuyên, liên tục và bền vững; chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa có liên kết và phân cấp quản lý, khai thác dữ liệu.

bna_2.jpg
Việc chuyển đổi số ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đang gặp khó khăn vì thiếu các nguồn lực. Ảnh: Đình Tuyên

Tại Khu Du lịch Hòn Mát cũng đang gặp những khó khăn tương tự, khi đơn vị đang thiếu nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ quá trình chuyển đổi số. Hơn nữa, hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý và kết nối thông tin, trên địa bàn sóng 4G rất yếu và chập chờn, có lúc đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tiếp nhận thông tin của du khách. Đây cũng là tình trạng chung của các khu, điểm du lịch ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Đức Hiển – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, quá trình chuyển đổi số của ngành Du lịch không phải dễ dàng và thuận lợi như dự tính. Những khó khăn lớn hiện nay chủ yếu đến từ thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); rào cản trong văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo; tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng,…

Định hướng, đề xuất

“Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số, trong đó, tỉnh ưu tiên triển khai phát triển các nền tảng, hạ tầng du lịch thông minh số đến năm 2025. Từng bước xây dựng, số hóa, lưu trữ các dữ liệu du lịch nhằm hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ và khách du lịch, thị trường du lịch…”.

– ĐỒNG CHÍ BÙI ĐÌNH LONG – PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGHỆ AN –

bna_5.jpg
Cần tăng cường tập huấn chuyển đổi số cho nhân lực các khu, điểm du lịch và các địa phương. Ảnh: Công Kiên

Từ những khó khăn đang gặp phải, các khu, điểm và doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã thống nhất một số giải pháp trong quá trình chuyển đổi số của ngành Du lịch. Trước hết, cần nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

Thông qua nền tảng số trong ngành Du lịch, hệ thống thông tin số được xây dựng hoàn chỉnh hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và khách hàng nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí.

bna_7.jpg
Đại diện MobiFone Nghệ An giới thiệu với lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành về hệ thống du lịch thông minh. Ảnh: Công Kiên

Ngành Du lịch cần thường xuyên mở các lớp tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ du khách tìm những điểm đến an toàn và cập nhật những thông tin, hoạt động của ngành Du lịch.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành Du lịch chuyển đổi số, ban hành bộ chỉ số chuyển đổi số du lịch áp dụng cho các doanh nghiệp. Chỉ số này đánh giá tình trạng chuyển đổi số hiện tại của doanh nghiệp dựa trên các trụ cột: lãnh đạo và tổ chức, quy trình và hoạt động, khách hàng, đổi mới, công nghệ và dữ liệu.

Nguồn: Công Kiên_ Báo Nghệ An