Nghi Thu – Điểm sáng về “dân vận khéo” trong tái hoà nhập cộng đồng

Đăng ngày 24/08/2023

Phường Nghi Thu là địa bàn trung tâm du lịch của thị xã Cửa Lò có diện tích 371 ha, gồm hơn 1.400 hộ và 5600 nhân khẩu. Trên địa bàn phường có nhiều khách sạn, nhà hàng; 05 trường học, và 02 doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần Bánh kẹo Tràng An 2, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An. Vì vậy, hàng năm có hàng trăm công nhân viên, học sinh, sinh viên đến tạm trú trên địa bàn phường để lao động, học tập, hàng ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với tình hình ANTT của địa phương.

 Song, dưới sự hướng dẫn của Cơ quan Thi hành án hình sự Công an thị xã, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng uỷ, UBND phường Nghi Thu, công tác tái hoà nhập cộng đồng luôn được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, tranh thủ được tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, trong tổng số 30 đối tượng tái hòa nhập trên địa bàn, hầu hết các đối tượng đã có những chuyển biến tích cực và tiến bộ rõ rệt về tư tưởng, nhận thức đến các hành động cụ thể như: Tích cực lao động, học nghề, tăng gia sản xuất, tham gia các phong trào ở địa phương…; 22 đối tượng có công ăn việc làm ổn định; trong đó Công an phường đã tham mưu UBND phường định hướng nghề nghiệp cho 20 đối tượng.

   Mặc dầu hiện nay số người chấp hành xong án phạt tù hàng năm không cao nhưng vẫn chưa triệt tiêu hoàn toàn. Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo công an tỉnh, Lãnh đạo Công an thị xã về tập trung đẩy mạnh công tác tái hòa nhập cộng đồng, tháng 12 năm 2022, Công an phường Nghi Thu đã xây dựng và ra mắt mô hình Dân vận khéo trong công tác tái hoà nhập cộng đồng”.

Theo đó, Công an Nghi Thu đã chủ động tham mưu UBND phường thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư trong đó: Đồng chí Chủ tịch UBND phường Nghi Thu làm Trưởng ban, đồng chí Phó chủ tịch UBND phường và đồng chí Trưởng công an phường làm Phó ban, đại diện các ban, ngành, đoàn thể phường, khối làm thành viên.

Ban chỉ đạo đã đề ra kế hoạch, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể cũng như tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện giúp đỡ để triển khai thực hiện mô hình, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Đặc biệt, lựa chọn những thành viên có kinh nghiệm trong Ban chỉ đạo và tại các khối để thành lập các tổ công tác tại 04 khối, với nhiệm vụ hỗ trợ, tham vấn, giải đáp các thắc mắc, thường xuyên trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và giúp các đối tượng về gần hơn với cộng đồng, đặc biệt khi có bất cứ thông tin hoặc nguyện vọng gì các đối tượng có thể gặp trực tiếp hoặc thông qua số điện thoại trao đổi với thành viên trong Tổ công tác để được giải đáp thắc mắc.

Qua rà soát của Công an phường trên địa bàn Nghi Thu hiện chỉ có 3 đối tượng chấp hành xong án phạt tù đang trong diện quản lý. Sau khi rà soát, Công an Nghi Thu đã tổ chức gặp gỡ, hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thực hiện các thủ tục cần thiết như cấp CCCD, định danh điện tử… Đồng thời, tham mưu cho Đảng uỷ, UBND phường hỗ trợ bằng nhiều hình thức như: Liên hệ 01 trường hợp vào làm việc ổn định trong Công ty môi trường; tư vấn, hỗ trợ 01 trường hợp được vay vốn mở nhà hàng kinh doanh ăn uống; vận động gia đình xin việc cho 01 trường hợp làm việc tại Nhà hàng ở thành phố Hà Nội. ..

Công an phường gặp gỡ, động viên, định hướng nghề nghiệp cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tái hoà nhập cộng đồng

Mặt khác, Công an Nghi Thu còn phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội của phường các chi hội cơ sở, tổ dân phố để tuyên truyền, quán triệt, vận động nhân dân cùng hỗ trợ, chia sẻ, động viên các đối tượng có quá khứ lầm lỗi sớm tái hoà nhập cộng đồng và tích cực tham gia phong trào ở địa phương. Đồng thời định hướng nghề nghiệp cho họ với mục đích là tạo môi trường thuận lợi nhất để họ có điều kiện phát huy khả năng của mình, cố gắng vươn lên, làm lại cuộc đời.

Nghi Thu cũng phân công thành viên Ban chỉ đạo tiến hành gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, tình cảm, các vướng mắc để đề xuất Ban chỉ đạo phường có biện pháp hỗ trợ nhằm giúp đối tượng sớm tái hoà nhập cộng đồng. Nhờ đó, hiện nay cả 03 trường hợp  đã có công ăn việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, tự nuôi sống được bản thân và gia đình. Điều quan trọng hơn là Nghi Thu đã xây dựng được 02 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào tái hoà nhập cộng đồng, đó là:

1-  Anh Lê Trung Thực, SN: 1976, HKTT: Khối 4, Nghi Thu, Cửa Lò, Nghệ An. Vay vốn và được sự giúp đỡ của người thân, thuê ki-ốt kinh doanh làm nghề sửa chữa điện nước. Hàng năm tạo điều kiện công ăn việc làm cho 5 đến 7 người. Thu nhập bình quân hằng năm đạt khoảng gần 300 triệu đồng.

2-  Anh Phùng Bá Quyết, SN: 1972, HKTT: Khối 2, Nghi Thu, Cửa Lò ,Nghệ An. Vay vốn và được sự giúp đỡ của người thân, mở xưởng sản xuất cơ khí lạnh. Hàng năm tạo điều kiện công ăn việc làm cho 3 đến 5 người. Thu nhập bình quân hằng năm đạt khoảng 200 triệu đồng

Công an phường lồng ghép tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng xây dựng mô hình “Dân vận khéo trong công tác tái hoà nhập cộng đồng”

Cũng từ hiệu quả hoạt động của mô hình mà từ đầu năm 2023 đến nay, các vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn phường Nghi Thu đã có chiều hướng giảm, tình hình an ninh, trật tự cơ bản được bảo đảm, tỷ lệ tái phạm tội thấp.

Một số bài học kinh nghiệm từ mô hình “Dân vận khéo trong công tác tái hoà nhập cộng đồng”

Thứ nhất, để xây dựng mô hình điển hình trong công tác tài hoà nhập cộng đồng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp thị xã đến cấp cơ sở phường. Thông qua việc xây dựng mô hình vừa giúp các đối tượng sớm tái hoà nhập cộng đồng là để hạn chế, kìm giảm sự phát sinh tội phạm mới cũng như tái phạm của các đối tượng, vừa để cổ vũ, động viên, khích lệ tính tự giác của đối tượng phấn đấu vươn lên sớm tái hoà nhập cộng đồng, làm người có ích cho xã hội và làm gương để các đối tượng khác noi theo. Cấp ủy chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp phải thực sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để các đối tượng có công ăn, việc làm ổn định, phù hợp với năng lực, sở trường.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền về mô hình và cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào tái hoà nhập cộng đồng. Việc tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến phải được tiến hành kịp thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Tổ chức quán triệt qua các cuộc họp dân nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm giúp đỡ, cộng sự tạo môi trường thân thiện giúp các đối tượng sớm tài hoà nhập cộng đồng, đặc biệt không được có thái độ kỳ thị, xa lánh.

Thứ ba, lực lượng Công an phường phải thường xuyên tham mưu, tổ chức, gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng trường hợp để tham mưu UBND phường có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để họ ổn định cuộc sống. Hàng quý, Công an phường tổ chức phân loại, đánh giá mức độ tiến bộ của từng trường hợp: định kỳ 6 tháng tổ chức tổng rà soát, bổ sung danh sách, hồ sơ theo dõi, quản lý theo quy định; kịp thời làm thủ tục xóa án tích cho các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù có đủ điều kiện.

Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng, Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt phối hợp MTTQ phường tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và mời bà con nhân dân tham dự hội nghị ra mắt mô hình để cùng chung tay tham gia giúp đỡ, quản lý các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Ban cán sự các khối có đối tượng trong diện quản lý chủ động gặp gỡ thân nhân các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù, vận động, giao trách nhiệm, phân công công việc cụ thể trong việc theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người thân, tạo các điều kiện cần thiết để họ sống lương thiện, có ích cho xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc họ bị bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ tái phạm.

Thứ năm, hoạt động của mô hình tập trung vào hai nội dung chủ yếu là công tác quản lý, giáo dục và công tác hướng nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương do đó cần thành lập tổ tư vấn, trong đó ưu tiên những cán bộ có kinh nghiệm để làm công tác tư vấn, giải đáp những thắc mắc cũng như hỗ trợ giải quyết những khó khăn mà các đối tượng đang gặp phải, là nơi để định hướng những công việc và hướng các đối tượng tham gia công tác phong trào tại địa phương. Tổ tư vấn còn là cầu nối để các đối tượng bộc lộ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như những mong muốn để từ đó có định hướng đúng đắn, tránh bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo. Tổ tư vấn có nhiệm vụ báo cáo kịp thời lên Ban chỉ đạo xây dựng mô hình để có những biện pháp kịp thời giúp đỡ các đối tượng.

Thứ sáu, lựa chọn đúng đối tượng để tập trung xây dựng gương điển hình tiên tiến trong công tác tái hoà nhập cộng đồng, đề xuất các cấp biểu dương, nhân rộng, từ đó làm tiền đề để phát triển, nhân rộng mô hình ra các địa phương khác và giúp các đối tượng khác có động lực để học tập, phấn đấu, làm giảm tỷ lệ tái phạm trên địa bàn phường nói riêng và địa bàn thị xã nói chung.

Phạm Văn Phúc – Công an thị xã Cửa Lò