Lê Khôi – Một vị tướng tài ba của dân tộc, là người văn võ toàn tài, là công thần khai quốc thời Lê Sơ, Ông đã có công lớn giúp vua Lê đánh giặc giữ nước, công tích của ông được triều đình nghi nhận và giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều như: chức Khâm sai Tiết chế thủy lục chư Dinh, rồi lên chức Hộ vệ Thượng tướng quân… Đối với con dân, ông luôn yêu thương, che chở, lấy nhân dân làm gốc, chú trọng phát triển kinh tế “nhà nhà ấm no, không lo trộm cướp”. Chính vì vậy, những nơi ông đến trị nhậm nhân dân đều vô cùng cảm kích.
Năm 1446, sau khi phụng mệnh triều đình đi chinh phạt phía Nam trở về, không may lâm bệnh nặng rồi qua đời vào ngày mồng 3 tháng 5 âm lịch, thi hài ông được nhân dân mai táng tại chân núi Long Ngâm của dãy Nam Giới, Hà Tĩnh. Thương tiếc vị tướng tài ba, dũng liệt, triều đình để quốc tang 3 ngày. Nhà vua cho lập đền thờ, hàng năm tổ chức quốc tế, truy phong tước vương cho ngài là: Chiêu Trưng Đại Vương. Ngoài đền thờ chính của ngài tại Cửa Sót nhân dân nhiều nơi cũng đã lập đền, miếu thờ để ghi nhớ ơn đức của ngài, đồng thời cầu xin ngài hiển linh phù hộ mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an và lạ thay kết quả đều linh nghiệm, nhân dân vượt qua hoạn nạn, vạn sự bình an, làm ăn khấm khá. Hiện nay Lê Khôi được thờ tại các đền chính: Đền thờ và lăng mộ Lê Khôi ở núi Nam giới xã Thạch Bàn; Đền Mai Lâm xã Mai Phụ; Đền Kim đôi xã Thạch Kim; Đền Nước Lạt xã Thạch Bàn; Đền vọng xã Thạch Hải và xã Thạch Trị; Đền làng ở xã Đức Vĩnh huyện Đức Thọ; Đền thờ Vua Lê, xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên; Đền Mai Bảng, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò; khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Đình Vẽ phường Đông Ngạc, quận Từ Liêm B, thành phố Hà Nội… và nhiều điểm phối thờ khác trong cả nước.
Xưa kia tại Cồn Mui do các ông Trần Liệt, Nguyễn Văn Nhiệm, Phạm Công Huấn, Hoàng Đức Thực, Lê Viết Lễ, Võ Chính Tạo từ vùng Cửa Sót tỉnh Hà Tĩnh ra cư trú và xây dựng xóm làng, phát triển thành trang Mai Phụ, nay là làng Mai Bảng. Để không quên nguồn gốc của mình, cũng như với niềm tin phải nhờ uy linh của tướng quân Lê Khôi thì biển trời mới yên, lòng người mới thuận, năm 1780 các ông đã vận động bà con xây dựng đền thờ và rước chân hương thần Lê Khôi từ đền Cửa Sót ( Hà Tĩnh ) về thờ, tôn thành thần hoàng làng. Việc thờ phụng Lê Khôi ở đền Mai Bảng được các triều đại phong kiến Việt Nam thừa nhận và đã có nhiều sắc phong giao cho làng Mai Bảng tòng tiền phụng sự, hằng năm cứ đến ngày giỗ của ông (ngày mồng 3 tháng 5 âm lịch ) đã trở thành ngày lễ trọng đại của làng.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta bao đời nay, cứ đến ngày giỗ của ông, UBND phường Nghi Thủy luôn cử đoàn vào đền Lê Khôi dự lễ, cung kính đức thánh. Trước là để tỏ lòng thành kính, biết ơn đến bậc tiền nhân. Sau là để hướng về nguồn cội. Năm nay trước ngày giỗ ngài được tổ chức tại đền Mai Bảng, ngày 1/5 ( âm lịch) con cháu trong vùng đã về đền Đền Mai Lâm xã Mai Phụ ( nơi các vị thần tổ ra đi đến Cồn Mui khai cơ lập làng), ngày 2/5 ( âm lịch) về Đền thờ và lăng mộ Lê Khôi ở núi Nam giới xã Thạch Bàn để kính lễ và biểu diễn màn trống khai hội; ngày 3/5 ( âm lịch) thì cúng giỗ cho ngài Tại đền Mai Bảng. Trong tâm thức của người dân nơi đây, dù đi đâu, làm việc gì thì trong những ngày đầu tháng 5 âm lịch đều tạm gác lại mọi công việc để về dâng hương tưởng nhớ vị thần trấn giữ cửa biển. Đây là hoạt động mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống, là tín ngưỡng dân gian độc đáo, gắn bó mật thiết, truyền từ đời này qua đời khác của vùng cư dân nơi đây. Nó không còn là hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng mà còn thu hút đông đảo nhân dân vùng phụ cận và du khách tham gia. Đây chính là dịp để Cửa Lò quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch trên địa bàn và cũng là để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
Nguyễn Thị Quỳnh Ngân