Chưa có sức hấp dẫn
Theo thống kê của Sở Du lịch, năm 2022, Nghệ An đón và phục vụ 6,73 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có 35.000 lượt khách quốc tế. So với tổng số lượt khách về Nghệ An, lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,52%). Trong khi đó, khách nước ngoài thường lưu trú dài ngày, có mức chi tiêu lớn đem đến doanh thu cao, góp phần thúc đẩy và lan tỏa hình ảnh du lịch.
Trong năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,66 triệu người, trong đó, số khách đến Nghệ An chiếm khoảng 0,95%. Nghĩa là so với các trung tâm du lịch lớn trong nước như Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang và Kiên Giang, số lượng khách quốc tế đến Nghệ An còn khiêm tốn, nếu không muốn nói là rất ít.
Các điểm du lịch ở Nghệ An chưa có sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Ảnh: Lê Quang Dũng
Theo đại diện một số hãng lữ hành ở Nghệ An, khách quốc tế thường không chọn Nghệ An làm điểm đến mà chỉ là điểm lưu trú trên chặng đường khám phá Việt Nam. Trên đường đến các điểm trong Nam, ngoài Bắc, khách thường chọn dừng chân nghỉ đêm tại các khách sạn lớn ở thành phố Vinh.
Bà Cao Thị Thanh – Trưởng đại diện Vietravel chi nhánh Vinh cho biết: “So với các chi nhánh khác, chi nhánh Vinh tiếp nhận lượng khách quốc tế rất ít, từ đầu năm đến nay mới khoảng 2-3 đoàn. Khách đến Nghệ An chủ yếu dừng chân lưu trú qua đêm, chỉ một số người lên tham quan quê Bác hoặc ra Khu Du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm chơi golf”.
Tương tự, bà Lê Phương Anh – Giám đốc Công ty Du lịch SAB có trụ sở tại thành phố Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty mình mới chỉ đón 3 đoàn khách nước ngoài với khoảng 90 người. Phần lớn khách đến từ Lào, Thái Lan và chỉ dừng chân lưu trú ở thành phố Vinh trước lúc đến với các địa điểm khác.
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: CSCC
Các nhà quản lý và chuyên gia du lịch đều có chung nhận định trên khi trao đổi về vấn đề khách du lịch quốc tế đến Nghệ An. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, tại một số khu du lịch như Hạ Long (Quảng Ninh), Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) hễ “ra đường là gặp khách nước ngoài”.
Nhưng ở Nghệ An, ngay cả mùa cao điểm ở Cửa Lò và Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn) lượng khách nước ngoài cũng không nhiều. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông) cũng thu hút một số khách đến từ châu Âu về tham quan, trải nghiệm.
Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh quảng bá
Trao đổi về nguyên nhân khách quốc tế thường “kén” Nghệ An, hay nói cách khác là du lịch Nghệ An chưa có sức hút đối với khách quốc tế, đại diện các đơn vị lữ hành cho rằng, Nghệ An có quá ít điểm đến phù hợp với nhu cầu của khách nước ngoài.
“Khách quốc tế, nhất là khách châu Âu thường chọn những khu du lịch sang trọng hay những điểm đến có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí và khám phá thiên nhiên như Vịnh Hạ Long, Tam Cốc – Bích Động, Bà Nà Hills, Đà Lạt, Nha Trang và Phú Quốc. Ở Nghệ An, ngoài Khu Du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, Khu Di tích Kim Liên và Cửa Lò vào dịp mùa Hè, gần như không có điểm đến nào thu hút được nhiều khách nước ngoài”, bà Cao Thị Thanh – Trưởng đại diện Vietravel chi nhánh Vinh nói.
Còn theo bà Lê Phương Anh – Giám đốc Công ty Du lịch SAB, khách nước ngoài đến Nghệ An chủ yếu là khách Lào về tham quan, nghỉ dưỡng vào mùa Hè. Ngoài ra, có khách đến từ Trung Quốc và Thái Lan nhưng không thường xuyên và số lượng ít. Ở Nghệ An chưa có những điểm được đầu tư xứng tầm, chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị nên chỉ mới thu hút khách nội địa, chưa thu hút được nhiều khách quốc tế.
Du khách Pháp trải nghiệm tại cánh đồng hoa hướng dương (Nghĩa Đàn). Ảnh: Lê Quang Dũng
Dưới góc nhìn của người làm công tác quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, ngoài việc các điểm đến chưa được đầu tư xứng tầm, việc quản lý “chặt” cũng là một nguyên nhân khiến du khách ít lựa chọn trải nghiệm ở Nghệ An.
Đơn cử như đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn) là điểm đến có thể thu hút được khách quốc tế, nhất là khách đến từ các nước châu Âu. Nhưng đỉnh Puxailaileng nằm ở khu vực biên giới, muốn đến khám phá, trải nghiệm phải có sự giám sát và hướng dẫn của lực lượng biên phòng khiến không ít du khách ngần ngại trước khi lựa chọn điểm đến này.
Về giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến Nghệ An, ngoài những vấn đề mang tính vĩ mô như chính sách visa phù hợp, linh hoạt và miễn thị thực cho những thị trường tiềm năng; cấu trúc lại thị trường du lịch, yêu cầu đặt ra là nâng cao chất lượng điểm đến, xây dựng sản phẩm đặc thù.
Vấn đề này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh nhận rõ và đang trong quá trình triển khai xây dựng Khu Di tích Kim Liên trở thành Khu du lịch Quốc gia và là sản phẩm đặc thù mang thương hiệu du lịch Nghệ An; đẩy mạnh tiến độ các dự án du lịch nghỉ dưỡng biển trọng điểm tại TX. Cửa Lò, Nghi Lộc, TX. Hoàng Mai, Thanh Chương; xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm du lịch MICE và phát triển du lịch sinh thái gắn với khám phá, trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại các huyện miền Tây.
Mường Lống (Kỳ Sơn) có thể xây dựng thành điểm du lịch thu hút khách quốc tế. Ảnh: Hồ Nhật Thanh
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia du lịch và đại diện các công ty lữ hành quốc tế, việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch Nghệ An đến bạn bè quốc tế cũng là vấn đề rất quan trọng. Bởi người dân các nước trên thế giới chưa biết nhiều đến Nghệ An, chưa biết các điểm đến của tỉnh nên phải tranh thủ tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến, hội chợ du lịch và thương mại quốc tế và tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông.
Theo kế hoạch, năm 2023, Việt Nam sẽ đón tiếp các đoàn ASEAN tham dự các sự kiện lớn về du lịch như Hội chợ Du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chuỗi sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại tỉnh Bình Thuận, Festival Huế 2023… Đây chính là cơ hội để Nghệ An giới thiệu, quảng bá du lịch đến bạn bè quốc tế, từng bước thu hút du khách nước ngoài./.
Nguồn: Công Kiên – Báo Nghệ An