Trong 18 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, có hai Ủy viên Bộ Chính trị, 3 người là nữ, một Thượng tướng quân đội và một Thiếu tướng công an.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa kiện toàn các chức danh lãnh đạo khóa mới gồm Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và 13 Ủy viên Thường vụ Quốc hội. Trong đó, 14 nhân sự tái cử và bốn gương mặt mới.
Nhân sự mới bao gồm Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, kế nhiệm Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới, thay Thượng tướng Võ Trọng Việt; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, kế nhiệm ông Nguyễn Đức Hải đã được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội; và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, thay ông Hà Ngọc Chiến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tái cử sau gần 4 tháng được bầu giữ chức vụ này. Ông là Chủ tịch Quốc hội thứ 12 của Việt Nam kể từ năm 1946.
Nếu như người tiền nhiệm, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu vào vị trí Chủ tịch khi đã nhiều năm làm Phó chủ tịch Quốc hội, thì ông Huệ trước đây chưa tham gia lãnh đạo cơ quan dân cử. Dù vậy, ông đã quen với hoạt động của cơ quan lập pháp khi từng là đại biểu Quốc hội hai khóa XIII, XIV. Ông cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm khi trải qua các vị trí công tác quan trọng như Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Phó thủ tướng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và hơn một năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Gần 3 tháng giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, ông Huệ để lại dấu ấn khi cùng các cấp có thẩm quyền và Hội đồng chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, trong điều kiện khó khăn chưa từng có là sự bùng phát của dịch Covid-19.
Cũng trong thời gian này, ông đã làm việc với tất cả các cơ quan của Quốc hội, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Phát biểu nhậm chức sáng qua (20/7), ông nhấn mạnh đến việc tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức, ngày 20/7. |
Bốn Phó chủ tịch Quốc hội vừa được bầu có một vị xuất thân từ quân đội là Thượng tướng Trần Quang Phương. Đây là truyền thống nhiều khóa của Quốc hội khi có một tướng lĩnh phụ trách mảng Quốc phòng – An ninh.
Ba Phó chủ tịch còn lại đều từng là người đứng đầu đảng bộ cấp tỉnh, gồm ông Trần Thanh Mẫn, nguyên Bí thư Cần Thơ; ông Nguyễn Đức Hải, nguyên Bí thư Quảng Nam; ông Nguyễn Khắc Định, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật luân chuyển đi làm Bí thư Khánh Hòa.
Trước khi giữ cương vị hiện nay, ông Trần Thanh Mẫn, 59 tuổi, cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một vị Chủ tịch Mặt trận chuyển sang làm lãnh đạo Quốc hội.
Trong 4 Phó chủ tịch Quốc hội, người ít tuổi nhất là ông Nguyễn Khắc Định (57 tuổi). Hai người nhiều tuổi nhất là ông Nguyễn Đức Hải và Thượng tướng Trần Quang Phương (cùng 60 tuổi).
13 thành viên còn lại của Ủy ban Thường vụ, có hai người trưởng thành từ các cơ quan của Quốc hội là Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (34 năm công tác); Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà (26 năm làm việc).
Hai người khác công tác liên tục hàng chục năm tại Quốc hội là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (từ 2003), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (từ 2007).
Tám người từng là lãnh đạo địa phương. Đó là Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, nguyên Bí thư Cà Mau; Trưởng ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, nguyên Bí thư Ninh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, nguyên Bí thư Đồng Nai.
Ba cán bộ Trung ương được luân chuyển về địa phương, từng giữ vị trí Bí thư, Phó bí thư cấp tỉnh, gồm Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, nguyên Bí thư Đăk Lăk, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Lê Quang Huy, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nguyên Phó bí thư Quảng Ninh; còn Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nguyên là Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.
Riêng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới xuất thân Công an. Ông nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu; từng giữ chức Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ trước khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Công an vào tháng 4/2020.
Trong số 13 lãnh đạo nêu trên, chỉ 3 người mới đảm nhận chức vụ là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới và Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm.
18 vị lãnh đạo Quốc hội khóa XV có hai Ủy viên Bộ Chính trị, 16 Ủy viên Trung ương. Cơ cấu này tương tự với đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (năm 2016). Tuy nhiên, nếu như khóa XIV, hai vị trí Chủ tịch và Phó chủ tịch thường trực Quốc hội đều là nữ (bà Nguyễn Thị Kim Ngân và bà Tòng Thị Phóng) thì ở khóa XV, hai vị lãnh đạo đều là nam (ông Vương Đình Huệ và ông Trần Thanh Mẫn).
Độ tuổi trung bình của lãnh đạo khóa này thấp hơn khóa trước 0,5. Cụ thể, tuổi trung bình lãnh đạo khóa XIV là 56,6, khóa XV là 56,1.
Số thành viên lãnh đạo là nữ của khóa này giảm 2 người so với khóa trước, từ 5 xuống 3. Các nữ Ủy viên Thường vụ của khóa XV gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Nếu như người trẻ nhất đầu khóa XIV là Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, 46 tuổi, thì người trẻ nhất của khóa XV 48 tuổi, là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, người dân tộc Ê đê.
Ba thành viên lớn tuổi nhất khóa XIV đều 62 tuổi gồm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng và Đỗ Bá Tỵ. Còn người nhiều tuổi nhất khóa XV là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 64 tuổi.
Trong 18 lãnh đạo Quốc hội khóa mới, có hai người dưới 50 tuổi, 15 người từ 50 đến 60 tuổi và một người trên 60 tuổi. Về trình độ chuyên môn, lãnh đạo Quốc hội hiện nay có một Giáo sư (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ), một Phó giáo sư (ông Nguyễn Đắc Vinh); 5 người là tiến sĩ; 8 thạc sĩ, một kỹ sư và 2 cử nhân.