Về tin đồn tử vong do ăn hải sản: Nạn nhân bị rạm đâm dẫn đến nhiễm trùng máu

Đăng ngày 02/09/2016

Thông tin trên mạng xã hội còn cho rằng, nguyên nhân vụ việc có liên quan đến thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra. 

Để xác thực thông tin, Báo Nghệ An tiến hành tìm hiểu làm rõ và được phía Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cho biết: Nạn nhân là anh Nguyễn Thanh Hải (47 tuổi, trú tại xóm 3, xã Nghi Phú, T.p Vinh), tử vong do nhiễm trùng máu chứ không phải do ngộ độc như tin đồn trên mạng.

Anh Nguyễn Thanh Long (38 tuổi, cậu ruột anh Hải) cho biết, ngày 21/8, anh Hải về nhà mẹ ruột ở Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) chơi và ghé vào chợ mua 6 con rạm. Trưa 22/8, anh Hải luộc 4 con lên ăn cơm, còn 2 con lớn hơn thì để lại nấu cháo cho con. Trong lúc sơ chế, anh Hải vô tình bị chân rạm đâm vào ngón tay gây chảy máu. 

 

Gia đình nạn nhân cho biết, trong lúc bắt rạm, anh Hải vô tình bị chân rạm đâm vào tay.
Gia đình nạn nhân cho biết, trong lúc sơ chế rạm, anh Hải vô tình bị chân rạm đâm vào tay.

Tối cùng ngày, anh Hải kêu đau ở ngón tay, vết thương bắt đầu thâm đen. Sáng 23/8, các ngón tay thâm đen theo và bị cương cứng. Nạn nhân được người thân đưa vào Bệnh viện Đông Âu rồi được chuyển sang Bệnh viện đa khoa Nghệ An cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Chiều 26/8, anh Hải tử vong.

Đối với tin đồn nạn nhân tử vong do bị ngộ độc hải sản, bác sỹ Vũ Ngọc Lân – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh) khẳng định: Bệnh nhân Nguyễn Thanh Hải tử vong do bị nhiễm trùng máu, không hề có dấu hiệu ngộ độc do ăn uống. 

Theo bác sỹ Trần Văn Thảnh – Khoa Hồi sức tích cực, chống độc (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh) – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sưng phù nề ở tay, bàn tay và nổi các ban hoại tử vùng đùi, bụng. Bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm máu và hội chẩn, qua đó xác định bệnh nhân bị suy đa tạng nên tiến hành lọc máu để giải độc.

Tiếp đó, bệnh viện tiến hành cấy máu bệnh nhân. Kết quả cho thấy: bệnh nhân Hải bị nhiễm trùng máu dẫn đến sốc nhiễm khuẩn và phân lập được loại vi khuẩn đó là Vibrio Vulnificus. 

 

Rạm biển - một loài hải sản có chứa độc tố Saxitoxin. (Ảnh Internet)
Cẩn thận khi sơ chế rạm biển bởi đây là loài động vật dễ nhiễm các vi khuẩn có độc tố (Ảnh Internet)

Vi khuẩn này có trong con rạm và lây nhiễm vào máu bệnh nhân qua vết thương rạm đâm vào tay. Sau khi nhiễm khuẩn, bệnh nhân bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn gây nội độc tố và ngoại độc tố nặng. Quá trình nhiễm độc diễn biến rất nhanh nên nếu không kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị, sẽ dẫn đến suy đa tạng rồi tử vong. 

Bác sỹ Thanh cũng cho biết: “Bệnh nhân có tiền sử lạm dụng bia rượu nên chức năng giải độc của gan kém, khiến quá trình nhiễm độc từ vi khuẩn diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn”.

Vibrio Vulnificus là một loại vi khuẩn gam âm thuộc chủng Vibrio, sống trong môi trường tự nhiên là các vùng nước lợ, vùng cửa sông và gần bờ biển. Cũng có thể tìm thấy vi khuẩn này trên các động vật có vỏ như cua, sò, trai, hến,… Vibrio Vulnificus gây bệnh cho người nếu được truyền vào đường máu qua vết xước, nhẹ thì sốt, sưng đau quanh vết thương, nặng thì nhiễm trùng máu có thể tử vong. Những người bị bệnh về gan, tiểu đường, ung thư hoặc đang dùng thuốc điều trị dạ dày có thể bị ảnh hưởng nặng hơn khi nhiễm khuẩn. Vibrio Vulnificus chết ở nhiệt độ cao nên dùng bao tay khi sơ chế và nấu chín hải sản trước khi ăn là biện pháp được khuyên dùng nhằm tránh rủi ro nhiễm khuẩn ở người. (Nguồn: Internet)

 

Như vậy, tin đồn nạn nhân tử vong do ngộ độc khi ăn rạm là không chính xác. Nguyên nhân đã được xác minh là nhiễm độc qua đường máu do một loại vi khuẩn có sẵn trong tự nhiên, cộng hưởng với điều kiện sức khoẻ của nạn nhân dẫn đến tử vong. Hoàn toàn chưa có căn cứ nào để kết luận trường hợp này có liên quan đến sự cố môi trường Formosa. 

 

P.V

 

Theo Baonghean.vn