Thức tỉnh…Song Ngư

Đăng ngày 26/06/2024

Thức tỉnh song ngư-sapo
Thức tỉnh song ngư-tit1-mobile

Những ngày cuối tháng Sáu, tôi lên chuyến cáp treo vượt biển mới mở tìm sang đảo Ngư. Khác với cái nóng gay gắt cộng thêm gió Lào bỏng rát từ đất liền, khi đặt chân lên đảo, trước mắt tôi là cả một

Những ngày cuối tháng Sáu, tôi lên chuyến cáp treo vượt biển mới mở tìm sang đảo Ngư. Khác với cái nóng gay gắt cộng thêm gió Lào bỏng rát từ đất liền, khi đặt chân lên đảo, trước mắt tôi là cả một không gian xanh mát, ngút ngàn cây và rộn rã tiếng chim.

Từ đảo Ngư nhìn về phía Tây, phía bên trái là Cửa Hội, còn gọi là Hội Thống hay Hội Hải khẩu, có nghĩa là nơi tụ hội nguồn nước của hàng trăm sông, suối theo sông Lam đổ về biển cả. Phía bên phải đảo Ngư là Cửa Lò, xưa được gọi là Xá Hải khẩu, nơi nước sông Cấm (từng gọi là sông Xá), hòa vào Biển Đông.

Đảo Ngư cách đất liền khoảng 4 km. Ảnh: Google Maps

Sử cũ từng chép rằng, vào thế kỷ thứ XV, Vua Lê Thánh Tông trên đường tuần du phương Nam đã dừng thuyền ghé thăm đảo Ngư. Vào thế kỷ XVIII, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) cũng có những vần thơ nổi tiếng về đảo Song Ngư. Hình thế của vùng đất Cửa Lò và đảo Ngư sau đó cũng được ông miêu tả trong “Nghệ An ký”.

Vào thế kỷ XIX, Tiến sĩ Dương Thúc Hạp (1835-1920), người xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), từng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc 1 (1884), đồng thời từng được bổ làm Đốc học tỉnh Nghệ An đã có bài thơ “Hội Hải” tả về phong cảnh nơi đây rằng: “Ngàn trùng dòng nước sông Lam/ Thao thao từ chốn sơn lâm đổ về/ Song Ngư hai ngọn gần kề/ Cao cao trước mặt bốn bề gió ru/ Sớm chiều thuyền cá nhấp nhô/ Tàu buôn qua lại bốn mùa đó đây…”.

Không gian tĩnh lặng và rất mát mẻ tại chùa Song Ngư
Chùa Song Ngư với lịch sử hơn 800 năm đã trở thành nơi lưu giữ ký ức của đảo Ngư. Ảnh: Tiến Đông

Đảo Ngư còn có tên gọi khác là đảo Song Ngư do được hình thành bởi hai ngọn núi cao 133m và 88m so với mực nước biển. Hòn đảo có diện tích 2,5 km², nằm cách bờ biển khoảng 4km. Hai ngọn núi đá của đảo Ngư được người xưa miêu tả tựa như hai con cá tung mình giữa muôn trùng sóng biếc. Với hình thế đẹp, lại nằm gần đất liền, ngay trên hải trình Bắc – Nam nên từ xa xưa, địa danh hòn Ngư đã xuất hiện nhiều trong thơ phú: “Song Ngư hải khoát/ Nếu gặp thời minh/ Nhân tài đua phát”.

Hiện tại, trên đảo Ngư còn có chùa Song Ngư – ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn 800 năm, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV dưới thời Lý – Trần. Chùa được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 11.000m2. Đây chính là nơi ngư dân mỗi khi ra khơi thường ghé đến để cầu bình an.

Gặp Thượng tọa Thích Minh Hương – Trụ trì chùa Song Ngư, tôi lại càng hiểu hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi chùa này. Đây là một trong những ngôi chùa hiếm hoi được xây dựng trên đảo và có tuổi đời hơn 800 năm. Điều này cho thấy những giá trị lịch sử, văn hóa của hòn đảo này trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Ngày càng có nhiều du khách biết đến đảo Ngư và chùa Song Ngư hơn-Ảnh Tiến Đông
Ngày càng có nhiều du khách biết đến đảo Ngư và chùa Song Ngư hơn. Ảnh: Tiến Đông

Thượng tọa Thích Minh Hương cho biết: Như nhiều ngôi chùa cổ ở Việt Nam, chùa Song Ngư phối thờ Phật tổ, Quan thế âm Bồ Tát, các vị chư Phật và Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, người từng lập nhiều công trạng trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Nguyên – Mông ở thế kỷ thứ XIII và cũng là một vị Phúc thần luôn phù hộ cho cư dân vùng biển.

Liên quan đến chùa Song Ngư, “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng như truyền thuyết còn lưu truyền câu chuyện tình giữa Tướng quân Trần Khắc Chung và Huyền Trân Công chúa. Sách chép rằng “Mùa Đông, tháng 10, sai quan Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón Công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Đa về. Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết (Vua Chế Mân) thì bà hậu của chúa phải vào dàn thiêu để chết theo. Vua Trần biết thế, sợ Huyền Trân Công chúa bị hại, bèn sai bọn Khắc Chung, mượn cớ sang viếng tang và nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào dàn thiêu cũng chưa muộn”. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy Công chúa Huyền Trân… Trong chuyến trở về bằng đường biển này, Khắc Chung đã cho dừng thuyền tại đảo Ngư, cùng Công chúa Huyền Trân lên chùa lễ Phật”.

Trong thời gian tới, chùa Song Ngư sẽ được tôn tạo, trở thành điểm nhấn cho du lịch trên đảo Song Ngư-Ảnh Tiến Đông
Trong thời gian tới, chùa Song Ngư sẽ được tôn tạo, trở thành điểm nhấn cho du lịch trên đảo Song Ngư. Ảnh: Tiến Đông

Dưới sân chùa, hiện nay còn có một giếng cổ, còn gọi là “giếng tiên” nước trong xanh và hầu như không bao giờ cạn, cùng hai cây lộc vừng cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm, tỏa bóng mát che kín cả khoảng sân trước chùa. Thượng tọa Thích Minh Hương còn cho biết, kể từ năm 2003, UBND tỉnh Nghệ An đã đầu tư đáng kể nguồn lực tài chính, phục dựng lại chùa. Hàng năm, rất nhiều du khách gần xa khi đến với Cửa Lò, khi nghe thông tin về chùa Song Ngư đã không ngại khó khăn, vượt biển đến thăm chùa.

Ngày nay, khi việc di chuyển qua lại giữa đảo và đất liền đã thuận lợi hơn, hy vọng sẽ ngày càng có nhiều du khách biết đến ngôi chùa cổ linh thiêng này”.

Thượng tọa Thích Minh Hương

Giếng Tiên trong sân chùa Song Ngư. Ảnh: Tiến Đông
Giếng Tiên trong sân chùa Song Ngư. Ảnh: Tiến Đông
Thức tỉnh song ngư-tit2-mobile

Để phát triển đảo Ngư thành địa điểm du lịch, từ năm 2019, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 xây dựng Khu vui chơi giải trí Cửa Hội, thị xã Cửa Lò. Theo quy hoạch này, ngoài các khu vui chơi trên đất liền, thì tại khu vực đảo Ngư, một khu vực hơn 12ha, gồm nhiều khu chức năng và ga cáp treo đã được thực hiện.

Hiện nay, khu vực ga cáp treo cùng một số khu chức năng như nhà hàng, điểm check-in dọc theo chân núi phía Tây của đảo Ngư đã được xây dựng và đón khách kể từ ngày 1/6/2024. Điều này đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Song Ngư. Đó là sự kết hợp giữa hiện đại và những nét cổ kính của ngôi chùa cổ, góp phần tạo nên sự hài hòa, cân bằng cho hòn đảo xanh.

Với hệ thống cáp treo, con đường ra đảo Ngư nay đã được rút ngắn rất nhiều-Ảnh Tiến Đông

Với hệ thống cáp treo, con đường ra đảo Ngư nay đã được rút ngắn rất nhiều. Ảnh: Tiến Đông

Ông Hoàng Thanh Sơn – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, UBND thị xã Cửa Lò hào hứng chia sẻ với chúng tôi một thông tin. Đó là vào ngày 29/12/2021, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Song Ngư. Việc tu bổ, tôn tạo chùa Song Ngư góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương và phục vụ nhu cầu chiêm bái Phật của du khách khi về tham quan, nghỉ dưỡng tại Cửa Lò. Đồng thời, góp phần tạo nên sự kết nối hài hòa, trong hệ thống cảnh quan khu du lịch đảo Ngư, làm tiền đề để phát triển văn hóa , kinh tế, du lịch của địa phương. Điều đáng mừng là Dự án này được thực hiện hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng, do Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup tài trợ.

Đảo Ngư ngày càng thay da đổi thịt. Ảnh: Tiến Đông
Đảo Ngư ngày càng thay da đổi thịt. Ảnh: Tiến Đông

Ngày 8/4/2024 mới đây, UBND tỉnh đã có Quyết định 861/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Song Ngư. “Đây là những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch Cửa Lò. Bởi cùng với việc tuyến đường cao tốc đã hoàn thành, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về tới Vinh đã góp phần thu hút đông đảo du khách đến Cửa Lò nói chung và đảo Ngư nói riêng” – ông Sơn chia sẻ.

Một khi hoàn thiện việc xây dựng các địa điểm du lịch trên đảo và hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo chùa Song Ngư sẽ khiến cho du khách gần xa biết đến đảo Ngư ngày càng nhiều hơn”.

Ông Hoàng Thanh Sơn – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, UBND thị xã Cửa Lò

Sự pha trộn giữa hiện đại và những nét cổ kính, hoang sơ tạo nên sức hút riêng có của Đảo Ngư. Ảnh: Tiến Đông
Sự pha trộn giữa hiện đại và những nét cổ kính, hoang sơ tạo nên sức hút riêng có của Đảo Ngư. Ảnh: Tiến Đông

Thực tế, có mặt tại đảo Ngư, khi tiếp xúc với nhiều vị khách du lịch đến từ một số tỉnh phía Bắc, chúng tôi cũng nhận được nhiều câu trả lời khá bất ngờ. Nhiều người mới lần đầu đặt chân lên đảo Ngư tỏ ra khá ngạc nhiên khi hòn đảo này chỉ cách bờ khoảng chưa đầy 4km nhưng lại còn khá hoang sơ và ít được du khách biết đến. Họ tin rằng nếu phát triển đúng hướng, đảo Ngư cũng sẽ không thua gì các hòn đảo du lịch nổi tiếng như Phú Quý hay Lý Sơn.

Anh Phan Thế Doãn – một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Dù đã đến Cửa Lò nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến đảo Ngư. Bất ngờ nhất là tại đây có ngôi chùa cổ nhưng lại ít được biết đến. Điều này cũng không thể trách được khi trước đây việc di chuyển giữa đất liền qua đảo còn khá bất tiện.

Một khi việc di chuyển qua lại đã thuận lợi hơn thì đảo Ngư cũng sẽ phải chuyển mình thật mạnh mẽ để du khách có nhiều trải nghiệm và xứng đáng với việc họ đã cất công sang đây.

Anh Phan Thế Doãn – Du khách đến từ Hà Nội

Không gian hiện đại và tấp nập dưới dân đảo Ngư nay đã thành hình. Ảnh: Tiến Đông
Không gian hiện đại và tấp nập dưới dân đảo Ngư nay đã thành hình. Ảnh: Tiến Đông

Có thể thấy rằng, để Song Ngư chuyển mình, chắc chắn phải có thêm thời gian, nhất là việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cũng như các cơ sở lưu trú, dịch vụ nhà hàng, ẩm thực và các địa điểm vui chơi mới lạ. Nếu không sẽ rất khó để níu chân du khách ở lại được với đảo Ngư. Đặc biệt, mặc dù ở khoảng cách không quá xa, và đã được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc phê duyệt phương án xây dựng hệ thống cấp điện lưới quốc gia cho đảo Ngư từ nhiều năm nay, nhưng đến hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Đảo Ngư vẫn phải sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời với công suất thấp và từ máy phát điện. Việc chưa có điện lưới cũng sẽ cản trở sự chuyển mình của đảo. Đây là điều các cơ quan chức năng cần phải xem xét tính đến và triển khai sớm.

Có như vậy thì mới hiện thực hóa được các chủ trương, nghị quyết trong việc phát triển du lịch Cửa Lò nói chung và quần thể du lịch đảo Ngư nói riêng, góp phần đưa du lịch phát triển bền vững và ngày càng vươn xa.

Một dải Cửa Lò nhìn từ cáp treo-Ảnh Tiến Đông
Một dải Cửa Lò nhìn từ cáp treo. Ảnh: Tiến Đông

Ngày 14/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu của Nghị quyết này là tập trung mọi mọi nguồn lực xây dựng đô thị du lịch Cửa Lò phát triển nhanh, bền vững, cùng với thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới sáng tạo của Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ; văn hóa – xã hội ngày càng tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh vững chắc; hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Việc ban hành Nghị quyết 01 cho thấy sự quyết tâm của Tỉnh ủy Nghệ An với mục tiêu đưa du lịch Cửa Lò trở thành ngành kinh tế quan trọng có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, thân thiện với môi trường, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có thương hiệu với sức cạnh tranh cao. Khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cửa Lò thành địa chỉ hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Bắc Trung Bộ.

Nguồn: Báo Nghệ An