Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây thời tiết ở các địa phương trong cả nước có nhiều diễn biến thất thường. Bão lụt, tố lốc, hạn hán, rét hại xảy ra với cường độ ngày một dày và nguy hiểm hơn. Chỉ tính riêng trong đợt mưa bão cuối năm 2010 vừa qua đã phá hủy nhiều nhà cửa của người dân và cầu cống, tuyến đường nội thị, các công trình thiết yếu khác của thị xã Cửa Lò gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân của những tác hại trên là do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Vậy biến đổi khí hậu là gì, Tiến sỹ Hồ Ngọc Hải chủ tịch Hội nước sạch và môi trường Việt Nam cho biết: “Biến đổi khí hậu do nhiều nguyên nhân mà đặc biệt là do con người gây ra trong thời kỳ công nghiệp phát triển. Chúng ta thải vào khí quyển nhiều rác thải mà tiêu biểu là CO2 quá lớn nó làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên theo xu hướng tăng liên tục, không dừng lại được làm quả đất nóng lên làm cho băng tan và nước biển dâng dẫn đến các hiện tượng biến đổi khí hậu”.
Biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi con người. Từ việc sản xuất, kinh doanh đến các họat động văn hóa đều bị ảnh hưởng. Chẳng hạn ở lĩnh vực du lịch, nếu nước biển dâng thì bãi tắm Cửa Lò có thể bị mất đi hoặc bị đẩy sâu hơn vào đất liền. Khi đó, các công trình hạ tầng liên quan ở các vùng thấp ven biển có thể bị ngập, buộc phải di chuyển, hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ thì thiệt hại về kinh tế của thị xã sẽ là không nhỏ chút nào. Nguy hiểm hơn là khi triều cường dâng cao thì không chỉ thiệt hại về kinh tế mà tính mạng của người dân thị xã sẽ rất khó đảm bảo. Để ngăn chặn hiện tượng này theo các chuyên gia môi trường, có hai vấn đề cần đặt ra đó là: giảm tác động biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi.
Về vấn đề này, Tiến sỹ Hồ Ngọc Hải chủ tịch Hội nước sạch và môi trường Việt Nam cho rằng: “Ở Cửa Lò làm như thế nào đó để ngăn chặn sự xâm lấn của biển, sự dâng cao của nước biển. Tức là phải tính đến hậu của biến đổi khí hậu, do đó trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mình phải tính đến những tác động trước mắt, trung hạn, dài hạn của những thay đổi khí hậu đó để có kế hoạch hành động, ứng phó với nó”.
Hiện tại, thị xã Cửa Lò đang triển khai một số giải pháp nhằm giảm tốc độ của biến đổi khí hậu. Trong đó công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai cho các tầng lớp nhân dân được đặt lên hàng đầu. Đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó cũng như thích nghi với những biến đổi đó. Chẳng hạn như khi xảy ra bão lụt hoặc nước biển dâng cao thì di dời dân đến trú ẩn ở các khu vực an toàn nào, hay các vùng bị ngập nước sẽ chuyển đổi canh tác ra sao. Mặt khác Cửa Lò còn đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè ven biển nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của biển và mua sắm nhiều trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai. Đồng thời triển khai kế hoạch và vận động nhân dân tham gia trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường thị xã du lịch biển.
Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, ông Lê Đình Sâm – Trưởng phòng tài nguyên và môi trường thị xã Cửa Lò cho biết thêm: “Thị xã Cửa Lò đã tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúngvà tiến hành tập huấn chương trình về biến đổi khí hậu cho toàn thể CBCNVC và nhân dân trên trên địa bàn; Thứ 2 là triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa chống biến đổi khí hậu trong tương lai đó là hoàn chỉnh xây dựng hệ thống bờ kè ven sông cấm và ven biển với tổng mức đầu từ hơn 250 tỷ đồng và tiến hành kiểm tra, rà soát việc gây ô nhiễm môi trường đối với tất cả các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, thu gom, xử lý triệt đế rác thải, nước thải dảm bảo cho thị xã luôn xanh, sạch, đẹp để phát triển du lịch; Mặt khác thị xã cũng ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để xử lý cũng như nêu rõ tác hại của biến đổi khí hậu”.
Biến đổi khí hậu sẽ đem lại những hệ lụy khó lường đối với con người. Vì thế, Cửa Lò đang nổ lực hết mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và triển khai những giải pháp, kịch bản cụ thể, thiết thực về biến đổi khí hậu nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra.