Ngày 4/4, một lực lượng nhỏ vẫn đang nỗ lực làm việc tại khu vực tàu VTB 26 bị chìm ở vùng biển Cửa Lò. Sau gần 9 tháng không thể trục vớt, hiện tại chủ tàu đành phải tiến hành theo phương án cắt nhỏ từng mảnh tàu để bán sắt vụn.
Một nguồn tin cho hay, sau khi bị cơ quan chức năng đề nghị đình chỉ việc trục vớt của nhà thầu là Công ty TNHH Minh Thu, phía chủ tàu và công ty bảo hiểm đã ra giá, tìm nhà thầu khác thay thế.
“Tuy nhiên, các công ty trục vớt đều đưa ra giá rất cao. Công ty chào giá rẻ nhất cũng 6 tỷ đồng, có công ty thậm chí yêu cầu 9 tỷ để đưa được tàu VTB 26 lên bờ” – nguồn tin này nói.
Cho rằng kinh phí quá cao, phía công ty bảo hiểm đã thống nhất với chủ tàu bán sắt vụn. “Họ nhận thấy sau khi bỏ hàng tỷ đồng để trục vớt, đưa lên bờ để sửa thì cũng mất rất nhiều tiền. Như vậy bảo hiểm sẽ không chịu nổi nên họ chọn cách bỏ tàu” – vị này nói và cho hay, một công ty sau đó đã mua nguyên con tàu này, đồng thời thuê một đơn vị khác đang cắt xẻ.
Tàu VTB 26 chở 4.700 tấn than phát tín hiệu cấp cứu khi neo đậu tránh bão tại đảo Hòn Ngư vào trung tuần tháng 7/ 2017. Con tàu sau đó lật úp, nhiều thuyền viên rơi xuống biển. Trong ngày đầu tiên cứu hộ, 7 thuyền viên đã được cứu sống cùng 2 thi thể khác. 4 người còn lại mất tích. Vài ngày sau, đội thợ lặn tìm thấy 2 thi thể khác đang mắc kẹt trên tàu.
Đến nay, vẫn còn hai nạn nhân còn mất tích là sĩ quan boong Nguyễn Văn Chiêu (29 tuổi) và thủy thủ Nguyễn Hải Quyết (26 tuổi, cùng quê Hải Phòng). Hai nạn nhân này được nhận định vẫn còn mắc kẹt trong tàu. Tàu VTB 26 dài gần 100 mét, rộng hơn 15 mét.
Ngày 10/8/2017, hơn 3 tuần sau khi tàu chìm, việc trục vớt mới được Công ty Minh Thu bắt đầu tiến hành với tổng kinh phí hợp đồng là 4,5 tỷ đồng. Lúc này, Công ty Minh Thu hứa như “đinh đóng cột” rằng, việc trục vớt sẽ hoàn thành trong 15 ngày. Tuy nhiên, hì hục mãi, khi đưa được tàu VTB 26 lên cách mặt nước khoảng 1/3 thì dây cáp bị đứt, sập cẩu.
“Công ty này chỉ thuê được một sà lan cẩu nên không đủ lực để nâng tàu lên. Nếu lúc đó họ bỏ tiền thuê thêm một chiếc khác nữa thì đã hoàn thành được việc trục vớt” – ông Vương Bình Minh – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An nói. Từ đó đến nay, việc trục vớt tàu dần đi vào bế tắc. Mặc dù phía chủ tàu cũng đã cho công ty trục vớt ứng trước gần 2 tỷ đồng.
Nói về trách nhiệm trong việc chậm trễ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An cho rằng đầu tiên phải kể đến trách nhiệm của chủ tàu và bảo hiểm. “Con tàu này được mua bảo hiểm toàn phần nên khi gặp nạn công ty bảo hiểm sẽ đền bù. Khi tiến hành tìm nhà thầu trục vớt, cả bảo hiểm lẫn chủ tàu đều thống nhất tìm nhà thầu chào giá rẻ nhất để đỡ tốn kém. Giá rẻ cũng đồng nghĩa với việc năng lực trục vớt cũng yếu hơn những công ty khác”, ông Minh cho hay.
Việc trục vớt con tàu chậm trễ cũng khiến cho thân nhân 2 thuyền viên còn mất tích bức xúc. Cũng vì chưa hoàn thành việc trục vớt, 2 thuyền viên này chưa được xem là mất tích. Việc tìm kiếm cứu nạn trên lý thuyết vẫn còn tiếp tục. Ngoài ra, phía đơn vị khai thác con tàu đang trả lương đều đặn cho họ.
Tại một cuộc họp mới đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông – Vận tải đã thống nhất, yêu cầu tàu hàng có trọng tải 5.100 tấn này sẽ phải được trục vớt xong trước ngày 25/4.