Thầy tôi, 35 tuổi, phó khoa của một học viện nổi tiếng ở Hà Nội, giọng đầy phấn khởi “triệu hồi” học trò qua điện thoại: “Anh về Cửa Lò rồi! Xuống đây nghỉ mát, hóng gió thu”. Hơn chúng tôi dăm ba tuổi, tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại trường, từ ông anh cùng xóm trọ trở thành thầy giáo, nên nhiều khi vai vế xóa nhòa… Tôi chẳng thể lý giải tại sao thầy lại yêu Cửa Lò đến vậy! Xuất thân từ vùng quê nghèo miền núi Trung du phía Bắc, chừng độ mười năm nay, cứ thu đến thầy lại về đô thị biển miền Trung nắng gió này để du lịch, khi thì đi với đồng nghiệp, khi thì đi với gia đình và có lúc lại một mình. Hỏi chuyện bao lần, thầy cứ trả lời theo kiểu mơ hồ: “Biển Cửa Lò đẹp như biển Địa Trung Hải. Thu về, du khách không đông như hè, biển bớt xô bồ nhưng cũng chẳng hiu quạnh cô đơn. Mình cảm giác thiếu cái gì thì bù đắp cái ấy. Ngựa chạy mãi cũng mỏi chân, người sống trong xô bồ thì bức bí”… Chỉ biết, thầy thân thuộc Cửa Lò từ chân tơ kẽ tóc, từ lịch sử thị xã này cho đến bãi cát nào giờ còn hoa cúc biển, ăn ở quán nào thì ngon… Có lần trò phải lặn lội tìm thầy đang mải chuyện đền Vạn Lộc – Đô đốc Nguyễn Sư Hồi ở một ngôi nhà lão ngư ở phường Nghi Tân.
Bãi tắm Cửa Lò. Ảnh: Trần Hải
Cửa Lò vào thu. Nắng ấm chiều cuối tuần từng giọt, từng giọt thấm qua rừng dương, nhẹ rơi trên bãi cát trắng muốt. Không đông nghịt người như vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, đường Bình Minh vẫn nhộn nhịp bước chân tản bộ, rậm rịch những chuyến xe chở khách du lịch… Biển tạnh ráo, không ồn ào, hiền dịu, sóng vỗ miên man… Trên biển chiều thu, bất chợt gặp đâu đó những ánh mắt nhìn về hướng Đông ngơ ngác, mặc gió nhẹ đùa từng sợi tóc rối, tà áo ai xanh ngắt phong phanh… Thầy cười hớn hở: “Năm nay, khoa cho đi Đồ Sơn. Anh vận động anh em góp thêm tiền đưa cả gia đình đi Cửa Lò…”.
Quà của thầy tặng tôi là cân thịt trâu gác bếp, ít trà Thái, chai rượu táo mèo – những sản vật phía Bắc. Quà vợ tôi chuẩn bị cho gia đình thầy là ít cân mực khô, vài chai nước mắm Cửa Hội. Như thầy bình phán thì: “Mực ngon được quyết định bởi độ mặn mòi của biển. Mực Cửa Lò ngon nhất nước”; còn vợ thầy thì đặc tả: “Nước mắm cốt Cửa Hội chấm là biết ngay. Miếng thịt ba chỉ nóng hổi, thẳng thớm chạm vào là cong tớn. Nước mắm Cửa Hội chan vào cơm trắng, nóng hổi thế là đủ thơm ngon”.
Chở thầy cô xuôi về Cửa Hội, nơi đây ngày càng phát triển, nhà nhà làm du lịch, hàng quán ven biển nhiều. Giá cả rẻ, hải sản tươi sống đã làm nên thương hiệu ẩm thực Cửa Hội. Hàng quán nào cũng đầy thực khách – khách du lịch có, trên Vinh xuống cũng nhiều và cả người thị xã cũng ra đây lai rai hít gió biển. Châm ngôn “Ăn Cửa Hội, lội Cửa Lò” ra đời mấy năm nay…Thầy vặn lớn, nghe rõ hơn tiếng nhạc “Mùa thu, mùa thu, gió mùa thu ngây ngất/ Bờ cát vàng, biển gọi chơi vơi/ Thùy dương, thùy dương, biển mùa thu ngát xanh”.
Thầy trò bên đĩa cá trích nướng thơm lừng, chén rượu Nghi Ân nồng cháy hàn huyên ôn cố tri tân. Ngày trước sinh viên ai cũng đói. Thầy đi làm rồi, cùng nhà trọ, cả bọn vẫn thường sang ăn chực, chống “cháy” dạ dày. Có bữa thầy mời khách ở một nhà hàng bên Hồ Tây, gọi tôi đi cùng. Tiếng là tiếp khách nhưng chính là cho trò cải thiện thêm tý vi chất. Giữa bữa, thầy gọi thêm đĩa bề bề. Đĩa bề bề bưng ra nóng hổi, mỗi 3 con, tưởng gì lạ hóa ra là tôm tít quê mình, chỉ có điều bề bề thủ đô có to hơn tôm tít quê nhà một tý. Ở nhà loại này, mười nghìn đồng một rổ to. Hỏi chuyện mới hay: Đĩa bề bề kia có giá tới 1,2 triệu đồng…
Tôm tít Cửa Lò bây giờ dẫu đã lên giá rất nhiều nhưng một con bề bề xưa vẫn mua được cả trăm con tôm tít hôm nay. Biển đêm ồn ã giăng đèn câu. Đêm nghiêng về phía biển, gió reo lồng lộng. Người và biển, biển và đời, thiên nhiên và cuộc sống con người – thầy bảo không ở đâu cảm nhận điều đó rõ hơn ở Cửa Lò. Hai thầy trò dạo biển, đón sóng, hóng mây, trăng bàng bạc khẽ khàng lơ đãng giữa tiết thu bắt đầu chuyển lạnh. Thầy rủ tối nay ở lại, sáng mai cùng 2 bố con thầy đi đón bình minh trước biển, trèo lên núi Kiếm, núi Cờ để hun đúc “võ khí” ngắm bể sông hùng vĩ. Thầy miên man với tích sử nơi đây còn in dấu chân của những đứa con xa Ngũ Lĩnh, nơi đây những người Nghệ đã lên đường làm nên Quảng Nam, Quảng Ngãi theo những bước hành quân…
Cửa Lò vào mỗi sáng mai không thể đếm được trên bãi cát có bao nhiêu con người háo hức đợi chờ tia nắng đầu tiên trong ngày. Trong tôi lại hiện hình ảnh thầy và con trai nhìn bình minh, nhìn những cánh buồm y như lời thơ Hoàng Trung Thông đã viết: “Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ/ “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa/ Sẽ có cây, có cửa, có nhà/ Vẫn là đất nước của ta/ Ở nơi đó cha chưa hề đi đến”.
Đi giữa những mùa hè sôi động của Cửa Lò gặp hàng triệu khuôn mặt du khách từng đến đây nghỉ dưỡng; tìm về Lễ hội đền Vạn Lộc, tìm đến hội đua thuyền, tìm trong “Nối vòng tay biển”, cuộc thi “Người đẹp phố biển”, vào cả các làng nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản ở Nghi Tân, Nghi Thủy và Nghi Hải, làng nghề trồng rau xanh, hoa tươi ở Nghi Thu, Nghi Hương và Nghi Hòa, dự lễ phạt mộc trong ngày tốt, thức dậy cùng chợ cá đêm; tìm những người dân chài lưới nay đã lột xác, hóa thân thành người làm du lịch… Tôi tìm giữa sương thu bàng bạc, sóng ru nỗi niềm, chắp cánh lên thuyền ra đảo Ngư soi mình nơi giếng Ngọc, ra Đảo mắt nghe chuyện nàng Tố nương… Đảo lớn, đảo nhỏ chìm xa với đô thị vòng cung biển Cửa Lò soi mình giữa trời xanh nước biếc, cát vẫn trắng tinh khôi và ngân nga bản tình ca của sóng. Bãi biển Cửa Lò được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là bãi biển đẹp nhất miền Bắc Việt Nam. Thấy Cửa Lò chuyển mình mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm, phố phường ngày càng xanh – sạch – đẹp, người dân thân thiện và mến khách, biết làm du lịch nhiều hơn. Nơi đây đã và đang trở thành thương hiệu và là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.
Gió biển nồng nàn mang hơi thở mùa thu len lỏi qua từng ô cửa. Hai thầy trò như nhỏ bé giữa biển khơi. Thầy gạt đi những lo toan bộn bề của chốn đô thành phồn tạp, tự tìm cho mình cảm giác tĩnh tâm, tự tại. Tôi đi tìm cho mình hồi ức, huyền tích riêng. Với Cửa Lò, mỗi người chúng tôi có một cõi thiên đàng riêng…
Thị xã Cửa Lò đã qua tuổi thôi nôi, bước vào thời thanh niên sôi nổi, hoạt động du lịch trải cả bốn mùa; cầu cảng hiện đại, các khu du lịch, thương mại đã và sẽ không ngừng phát triển. Dẫu nơi đây có đổi thay trăm nghìn lần chăng nữa, tôi và những người từng đến vẫn mãi quý mãi yêu bởi chất gừng cay muối mặn của người Hàm Hoan, bởi biển và phố chắc chắn ngày càng đẹp lên, giàu thêm…
Thanh Sơn