Ngọc trong đá

Đăng ngày 21/03/2014

 

Du lịch Cửa Lò đang ngày càng khẳng định “thương hiệu” là một trong những bãi tắm lý tưởng nhất Việt Nam. Trong những năm qua, để du lịch ở thị xã biển này ngày càng hấp dẫn và thu hút khách du lịch, ngoài giải pháp du lịch bốn mùa, những người làm du lịch đang hướng đến một Cửa Lò ấn tượng đa ngành nghề, trong đó điểm nhấn là du lịch biển đảo, nhằm tạo thành quần thể danh thắng hấp dẫn và độc đáo bậc nhất trong hệ thống các bãi tắm chạy dọc theo chiều dài đất nước.

Nàng tiên ngủ quên

So với các bãi tắm khác như Sầm Sơn, Đồ Sơn hay Vũng Tàu, biển Cửa Lò có thế mạnh riêng khi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một hệ thống “đảo ngọc” với những cảnh quan kỳ thú gắn với truyền thuyết lịch sử và đậm đà văn hóa tâm linh.

Trong đó, nhờ biết khai thác tốt tiềm năng của du lịch biển đảo nên trong những năm qua, lượng khách du lịch trên các đảo đã có nhiều biến chuyển. Nhiều giải pháp thu hút du khách thập phương cũng đã được ngành du lịch Cửa Lò chú trọng.
Nói đến du lịch biển đảo Cửa Lò, không thể không nhắc đến Hòn Ngư. Nằm trong quần thể khu thắng cảnh du lịch, không chỉ điểm xuyết cho vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ nhưng huyền bí ở thị xã biển này mà đảo Hòn Ngư còn là tấm lá chắn vững chắc che chở bãi biển Cửa Lò, là điểm thắng cảnh hấp dẫn bởi sự kỳ thú của cảnh vật thiên nhiên nơi đây.

Phan Huy Chú viết trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã viết về Hòn Ngư như sau: “Đảo nằm ngoài biển, cách bờ hơn 4 km. Đảo gồm hai hòn lớn nhỏ. Hòn lớn cao 133m, hòn nhỏ cao 88m so với mặt nước biển. Diện tích vỏn vẹn 2,5km2”.
Sự hình thành và những chiến công gắn với đảo qua thời gian đã làm nên một Song Ngư sơn huyền thoại. Thời Trần, nơi đây là vị trí chiến lược của tướng quân Hoàng Tá Thốn chống giặc Nguyên – Mông và là điểm chốt làm chậm bước tiến của thủy quân Chế Bồng Nga, còn trong kháng chiến chống Mỹ, đảo Song Ngư là vị trí tiền tiêu của bộ đội ta đánh hải quân địch.

Hòn Ngư không chỉ có núi sông mà còn có biển biếc. chính có Song Ngư án ngự ở phía ngoài, nó làm cho bãi biển Cửa Lò thêm nên thơ, mỹ lệ. Trên đảo còn có chùa được xây dựng ở thế kỷ thứ XIII. Chùa Đảo Ngư tọa lạc trên khu đất có hình rẽ quạt rộng chừng 3ha (gọi là bãi Chùa) hướng về phía mặt trời lặn.

Ở sân chùa có một giếng nước, dân địa phương gọi là “giếng Thần” vì là nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt. Giếng không sâu nhưng nước rất trong, rất ngọt và không bao giờ cạn.

Phía sau chùa có một bãi toàn đá cuội gọi là bãi tắm Tiên. Năm 2004, chùa Đảo Ngư đã được trùng tu lại, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Cùng với việc trùng tu chùa, bến cảng ở đảo Song Ngư và ở đảo Lan Châu cũng đã được xây dựng, thuận tiện cho du khách hành hương và vãng cảnh chùa.

Xa hơn chút nữa là đảo Quỳnh Nhai, hay còn gọi là đảo Mắt, hòn đảo nhỏ cách đất liền 20 km gắn liền với truyền thuyết lịch sử và những chiến công hiển hách của quân và dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đảo Quỳnh Nhai cao 218 m, gồm 2 hòn đá lớn nhỏ nối liền với nhau. Hòn đảo nhỏ này gắn với truyền thuyết tình cảm diễm lệ của người con gái chờ chồng. Chuyện rằng ngày xưa, có nàng Tố Nương quê ở An Lạc (Hà Tây) lấy chồng người xứ Hàm Hoan (Nghệ An). Cả hai vợ chồng đều là tướng của hai bà Trưng.

Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, hai vợ chồng thất lạc nhau. Ngày đêm thương nhớ, Tố Nương quyết định dong buồn về xứ Hàm Hoan tìm chồng. Khi gần đến nơi, sức lực cạn kiệt, lương thực cũng hết nên nàng phải dạt vào đảo Quỳnh Nhai trú ngụ.

Tố Nương nhớ chồng nên ngày đêm dán mắt về phía quê chồng trông đợi, cho đến một ngày nàng trút hơi thở cuối cùng mà mắt vẫn không rời xứ Nghệ. Cảm phục khí phách, lòng chung thuỷ và tình yêu mãnh liệt của vị nữ tướng Tố Nương, người dân đi biển đã đặt tên cho hòn đảo này là đảo Mắt.

Cũng trên hòn đảo này còn lưu giữ một tấm bia dẫn tích: “Đây chính là nơi khẩu đội pháo của chúng ta đã anh dũng hi sinh trong những năm chống Mỹ. Ngày 17/8/1968, tên lửa của địch bắn vào khẩu đội, y tá Hồ Sỹ Châu đã lấy thân mình làm giá súng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Các đồng chí ấy đã bắn tan máy bay AD6 của địch”.

Ngoài đảo Ngư và đảo Mắt, du lịch biển đảo Cửa Lò sẽ hấp dẫn và thú vị hơn với tuor Cửa Lò – Lan Châu. Đảo Lan Châu nằm ngay sát bờ biển, tiếng địa phương còn gọi là Rú Cóc, vì đảo có hình dáng như một con cóc khổng lồ đang vươn mình ra biển khơi.

Đảo Lan Châu chia bãi tắm Cửa Lò thành hai khu vực riêng biệt. Điều đặt biệt là khi thuỷ triều lên, tất cả chân đảo chìm dưới nước biển, khi thuỷ triều xuống, phía tây hòn đảo nối với đất liền thành bán đảo.

Phía đông là những vách đá lô nhô trải dài ra phía biển, do sự bào mòn của gió và sóng tạo cho những hòn đá này có những hình thù kỳ thú. Đảo Lan Châu cũng có loài cúc biển đẹp lạ kỳ do chính vua Bảo Đại đem giống cây từ Pháp về.

Đứng trên đảo Lan Châu phóng tầm mắt ra xa, có thể thưởng thức cảnh quan của toàn bộ thị xã Cửa Lò an tọa bên bờ biển Đông. Phía bắc bên kia sông Cửa Lò là dãy núi hùng vĩ như một con rồng đang bò về phía đông, khi đến tận sát bờ biển đầu ngẩng cao để chiêm ngưỡng cảnh đại dương rì rào sóng vỗ.

Ngoài ra, khu vực này còn có tổ hợp di tích gắn liền với cảnh quan sông nước bao gồm đình, đền và chùa Trung Kiên, thuận tiện cho du khách vãng cảnh chốn linh thiêng.

Giải pháp du lịch biển đảo

Năm 2006, trong cuộc hội thảo khoa học “Sự hình thành và mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững du lịch Cửa Lò” do UBND thị xã Cửa Lò tổ chức, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu đã đề xuất ý tưởng xây dựng một lầu Nghinh Phong và thưởng cảnh trên đảo Cửa Lò để triển du lịch biển đảo.

Đây là một ý tưởng táo bạo nhưng khả thi, bởi như chúng ta đã biết, những năm 30 của thế kỷ XX, Bảo Đại đã cho xây dựng lâu đài để thưởng ngoạn, tiếc là toàn bộ cơ sở nghỉ mát được xây dựng dưới thời Pháp thuộc đều bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 -1954).

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã xác định phát triển du lịch biển, đảo trở thành một ngành kinh tế chủ lực của kinh tế biển và ven biển. Theo quy hoạch đã phê duyệt, từ nay đến năm 2020, ngành du lịch sẽ tập trung ưu tiên đầu tư 20 dự án với tổng mức đầu tư 9.565 tỷ đồng.

Cùng với việc nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường sinh thái và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch biển mà thời gian qua thị xã Cửa Lò đã thực hiện tốt, công tác phát triển du lịch biển đảo đang được chú trọng và bước đầu mang lại hiệu quả.

Ông Phan Công Lưu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, trong số những hòn đảo ngọc quanh thị xã biển thì chỉ duy nhất mới có tuyến du lịch từ Cửa Lò ra Đảo Ngư được đưa vào quản lý từ năm 2008 với chiều dài 5,7km và tuyến này hằng năm thu hút được hàng ngàn du khách tham quan.

Theo đó, từ đất liền đến đảo Song Ngư được đi bằng thuyền máy trong vòng 25 phút. Tại đây, bên cạnh việc viếng thăm chùa Đảo Ngư, còn có thể tham quan phong cảnh của đảo, khu nuôi cá giò giữa biển; đồng thời sẽ thưởng thức cá giò 7 món cùng Song Ngư tửu – thứ rượu được chưng cất từ nguồn nước ở giếng thần.

Hiện nay, UBND Thị xã Cửa Lò và Sở Du lịch Nghệ An đang gấp rút hoàn thiện dự án đưa điện và nước ngọt ra đảo Song Ngư nhằm biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn.

Ông Lê Minh Thông – Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết thêm, để Cửa Lò thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thay đổi văn hóa giao tiếp trong du lịch và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, thị xã Cửa Lò đang chú trọng phát triển du lịch biển đảo thông qua các tuor du lịch đến đảo Mắt, đảo Ngư, Lan Châu…

Trước mắt, thị xã tập trung nâng cao chất lượng tuyến đảo Lan Châu – đảo Ngư đã được quy hoạch và quản lý. Giải pháp dài hơi là sẽ tập trung nâng cao chất lượng phương tiện vận chuyển hành khách cũng như xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc nhưng ấn tượng, mang đậm dấu ấn tại các hòn đảo nói trên.

Với lộ trình thích hợp đó, tin tưởng những “hòn ngọc” biển đảo ở Cửa Lò sẽ được khám phá và sẽ thu hút một lượng lớn du khách, điểm xuyết thêm bức tranh du lịch cũng như góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội của thị xã biển thơ mộng này.

Theo: Thiên Thảo