Tinh thần phải quyết liệt thì mọi việc mới có tính đột phá và thay đổi, mỗi thời điểm đều có cái hay của nó, song cái cũ vẫn phải cần loại bỏ. Người ta đánh giá rằng ngồi thưởng ngoạn gió biển tại các ki ốt và cùng thưởng thức một bữa tiệc hải sản trong khung trời thơ mộng là một trong những điểm hấp dẫn mỗi chiều tối khi về với Cửa Lò. Điều đó quả không sai, nhưng quy luật tất yếu vẫn là tiến tới những gì hiện đại và thưởng ngoạn thú vui có đẳng cấp hơn thì cần một không gian phục vụ mới có phân cấp sao hạng. Thậm chí đối với loại hình du lịch sinh thái tại các vùng quê, xu hướng người ta chọn những điểm dừng chân của kỳ nghỉ ở những nơi gọi là dân dã, hoà mình vào thiên nhiên nhưng ở đó vẫn tồn tại một đẳng cấp phục vụ có tầm nhìn hiện đại, lôi cuốn chứ không phải là sự nhếch nhác, tạm bợ, không xứng tầm.
Tinh thần và khát khao được thay đổi nó đã tồn tại và là mong muốn khá lâu trong mỗi người dân Cửa Lò, trong cái mới vẫn còn sót lại cái cũ. Cái cũ mà nó vĩnh viễn không bao giờ mất đi đó chính là sự thân thiện, nồng nhiệt và hết mình phục vụ du khách của mỗi người dân nơi đây. Đó cũng được gọi là thương hiệu riêng không nơi nào pha lẫn được. Tiến lên để đổi mới và giữ vững “đặc sản” đó là chìa khoá mở ra thành công. Tinh thần đổi mới là cái bền vững, cái bất diệt, còn vật chất sẽ theo quy luật mất – còn, cũ – mới.
Du khách có thể ngắm hoàng hôn hay đón bình minh nhìn từ biển ngay trên xe khách khi ghé điểm dừng chân nghỉ dưỡng, vì sao thế? Vì không gian cho cái đẹp đã được phô bày trước mắt, đẹp là để khoe ra chứ không phải để che đậy. Sẽ không còn những biển chỉ dẫn “Lối đi ra biển” để cho biết rằng biển chúng tôi mênh mông, rộng lớn và đẹp thế mà bạn không nhìn thấy sao? Việc các ki ốt che mắt tầm nhìn, cũng đồng nghĩa với việc cái đẹp không có cơ hội được phô diễn.
Và hàng chục câu hỏi khác đã được đặt ra “Rồi khách sẽ không đến Cửa Lò khi không được vừa ngắm biển thưởng thức những bữa tiệc hải sản”? “Dẹp đi để đó rồi sẽ thành bãi hoang tàn? Khách sẽ bơ vơ khi khách đến không có quán xá để ăn uống? Hiện thị xã có gần 350 khách sạn, nhà nghỉ dưỡng với sức chứa từ 150 – 200 ngàn khách; hai năm nay những người dân tiên phong đã mở các nhà hàng ẩm thực phố đêm tại đường Sào Nam, Mai Thúc Loan với đa dạng nhiều món ăn và cách trang trí lung linh tạo điểm nhấn cho du lịch Cửa Lò; Ngoài ra khu ẩm thực Cửa Hội ở phía Nam, ở phía Bắc có khu ẩm thực Đầm Tôm từ lâu đã trở thành những cái tên quen thuộc của du khách. Trên địa bàn các phường Nghi Hương, Nghi Thu, Thu Thuỷ còn khoảng 400 lô đất có vị trí bám các trục đường chính phù hợp với kinh doanh ăn uống, thị xã cũng giao cho các đơn vị liên quan giới thiệu, khâu nối cho các chủ ki ốt để thuê đất kinh doanh. Các nhà hàng khi được xây dựng mới cũng được định hướng về mẫu nhà hàng mới đảm bảo tính hiện đại và thẩm mỹ.
Hiện tại, thị xã đang tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các phường đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch và triển khai xây dựng khu ẩm thực ở Nghi Hoà với diện tích 5,67 ha và Nghi Thu với diện tích 1,5 ha để xây dựng khu ẩm thực với nhiều nhà hàng để phục vụ du khách. Sau khi thu hồi và giải toả các ki ốt thị xã sẽ thực hiện tiểu dự án sửa chữa 10 nhà vệ sinh và tắm nước ngọt công cộng trên lâm viên và chỉnh trang một số nhà vệ sinh, tắm nước ngọt của các ki ốt cũ còn phù hợp để phục vụ tắm nước ngọt cho du khách.
Ngay khi có định hướng thay đổi diện mạo cho Cửa Lò, cùng với kế hoạch được định ra đầu tiên là giải toả các ki ốt thì thị xã cũng đã lắng nghe, cho ý kiến của các đơn vị tư vấn về xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu lâm viên phía đông đường Bình Minh và để thực hiện việc đó thì ắt phải có quỹ đất để tiến hành xây dựng và đương nhiên việc trả lại mặt bằng để có quỹ đất là việc làm cần thiết. Nhiều ý tưởng quy hoạch sơ bộ khu phức hợp giải trí và dịch vụ bãi biển Cửa Lò với nhiều bối cảnh các dự án, giới thiệu các thiết kế xây dựng Cửa Lò trở thành nơi hội tụ vẻ đẹp tinh hoa du lịch biển thế giới và đa dạng các hoạt động sôi nổi quanh năm. Mỗi ý tưởng thị xã luôn quan tâm đến lợi ích cộng đồng và phải tạo nét riêng, đặc trưng, hấp dẫn của bãi biển Cửa Lò. Điều này sẽ dẹp bỏ câu hỏi thiếu thiện cẩn “Cửa Lò sẽ trở thành một bãi hoang sau khi giải toả các ki ốt”? Đến một thời khắc lịch sử nào đó điều tất yếu cũng phải xảy ra và chẳng phải vì những câu hỏi có hay không để nguỵ biện cho việc duy trì cái lạc hậu và bảo thủ tinh thần không đổi mới. Dân đã đồng lòng thì cứ thế mà làm !
Ai rồi cũng có sự tiếc nuối cho những gì đã thân thuộc nhưng hãy để lợi ích cá nhân được nhường chỗ cho lợi ích tập thể, cho sự phát triển và phồn vinh chung, nó không chỉ là nghĩa, là tình trên tinh thần hi sinh mà là trách nhiệm của mỗi người dân Cửa Lò vì tương lai tốt đẹp hơn, chính người dân sẽ hưởng lợi từ những điều tốt đẹp đó. Dẫm chân mãi chấp nhận cái cũ để rồi vẫn thở than, trách móc không đổi mới, không có gì là thay đổi vậy tại sao khi đã có cơ hội xoay đổi vận mệnh thì lại đắn đo?
Người Cửa Lò vẫn luôn dành tình yêu cho biển bởi biển cho họ kế sinh nhai, cho những tâm tình người Nghệ được lưu truyền từ Nam chí Bắc, khắc dấu lòng trong mỗi du khách về thăm. Cho du khách tình cảm thì nên trao họ một hi vọng bởi không ít nhiều đã nghe khách chia sẻ “Cửa Lò cần có nhiều dịch vụ và đổi mới hơn để chúng tôi mỗi lần về đây được trải nghiệm hết nét đẹp nơi này”, “Đến Cửa Lò để không chỉ tắm biển và ăn hải sản”. Du lịch là để giải trí mà giải trí thì phải có cơ sở vật chất để đáp ứng điều đó, Cửa Lò đang tạo dựng nền tảng ấy và bắt đầu bằng cú hích cách mạng 30/9.
Chúng ta phải xây dựng một nền văn hoá mới, hình thành một cách nhìn mới: phong cách phục vụ hiện đại hơn, đẳng cấp hơn, cách nhìn tiên tiến, theo xu thế hơn nếu không sẽ quá lãng phí cho một nơi vốn đã được thiên nhiên ưu ái và cũng sẽ dần bị bỏ lại phía sau so với các điểm du lịch nổi tiếng khác. Hãy để được vỡ oà, được ngưỡng mộ hơn là mãi mãi không bao giờ thoát ra khỏi cái vỏ áo cũ kỹ đó, hãy đánh thức Cửa Lò, nói ít đi và hành động là cần thiết, và hãy thong thả đón chờ điều mới mẻ, đẹp đẽ phía trước.
Nguyễn Hương