Nghệ An: Tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn

Đăng ngày 12/04/2023

(Baonghean.vn) – Không có vùng cấm, không can thiệp vào hoạt động xử lý vi phạm nồng độ cồn là quan điểm của lực lượng CSGT Nghệ An. Theo đó, việc làm nghiêm, siết chặt đã tạo ra hiệu ứng tích cực, ý thức người dân đã có nhiều thay đổi, dần hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia không lái xe”.

Chuyển biến tích cực

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, công khai kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên thời gian gần đây số người vi phạm trên địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều hướng giảm.

Theo số liệu của Phòng CSGT, thực hiện Kế hoạch 32/KH-CAT-PC08-PV01 ngày 3/2/2023 của Công an tỉnh Nghệ An về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn”, từ ngày 3/2 – 3/4, riêng vi phạm về nồng độ cồn, đã phát hiện xử lý trên 2.000 trường hợp; so với cùng kỳ số trường hợp vi phạm đã giảm, đó cũng là một trong những lý do kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Đáng nói, người sử dụng rượu, bia đã hình thành thói quen mới, đó là sử dụng taxi, dịch vụ lái xe hộ hoặc nhờ người nhà đưa, đón về…

Nghệ An: Tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn ảnh 1

Đội CSGT-TT Công an thành phố Vinh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Đình Tuyên

Tối 7/4, tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Lê Mao kéo dài, tổ công tác của Đội CSGT-TT Công an thành phố Vinh liên tục dừng các phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn. Theo ghi nhận, hầu hết lái xe đều đồng tình, tỏ ra rất cởi mở, thoải mái và chấp hành tốt việc kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông. Anh Dương Sỹ Đình, trú ở phường Lê Lợi, thành phố Vinh, một lái xe ô tô con cho rằng “Việc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người cầm lái cần được duy trì thường xuyên, trước khi cá nhân mỗi người tự có ý thức. Dù mức phạt có lên đến 40 triệu đồng, nhưng bản thân tôi vẫn đồng tình. Bởi thực tế, nếu để những người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông không chỉ nguy hiểm cho riêng bản thân mà sẽ là hiểm họa cho nhiều người”.

Trong nhiều trường hợp dừng xe kiểm tra, không khó nhận biết trong xe có người đã sử dụng rượu, bia, tuy nhiên, người cầm lái thì không vi phạm. Đơn cử như trường hợp xe ô tô mang BKS 37A-13xxx, khi kiểm tra người điều khiển phương tiện là phụ nữ, chị cho biết: Sau một lần bị xử phạt hành chính 7 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe gần 1 năm, thì giờ đây mỗi lần đi ăn uống ở đâu, chồng tôi đều đi taxi hoặc gọi vợ đến chở về. Thời gian đầu mỗi lần như vậy, tôi cũng thấy bực mình, phiền hà lắm, nhưng nghĩ lại như thế vừa an toàn, vừa khỏi ngồi nhà thấp thỏm lo nên giờ đã thành thói quen.

Nghệ An: Tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn ảnh 2

Trong nhiều trường hợp dừng xe kiểm tra, không khó nhận biết trong xe có người đã sử dụng rượu, bia, tuy nhiên, người cầm lái thì không vi phạm. Ảnh: Lê Thắng

Một số trường hợp khác cho hay, mỗi khi phải lái xe đi tiếp khách hay gặp bạn bè sử dụng rượu, bia thì khi về họ thường sử dụng dịch vụ lái xe hộ. “Trong phạm vi 10 km chỉ phải trả 100.000 đồng thì tiếc gì mình không sử dụng, vừa có người đưa cả người, cả xe về, chứ cứ cố mà điều khiển xe chưa nói đến bị phạt, nếu lỡ va chạm giao thông thì hậu quả khôn lường”, một lái xe cho hay.

Theo quan sát của chúng tôi, sau gần 2 tiếng đồng hồ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn, tổ công tác của Đội CSGT-TT (Công an thành phố Vinh) chỉ phát hiện 2 trường hợp vi phạm. Biện minh cho vi phạm của mình, anh N.Đ.A điều khiển ô tô mang BKS 37A-44xxx có kết quả nồng độ cồn trong hơi thở 0,072 mg/lít khí thở bộc bạch “Có người bạn làm ăn trong miền Nam lâu ngày về mời qua nhà ăn cơm nên khó từ chối. Tôi uống đúng 3 chén rượu. Cũng vì quý nhau, nể mà uống…”.

Nghệ An: Tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn ảnh 3

Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều bị lập biên bản xử lý nghiêm. Ảnh tư liệu: Lê Thắng

Không có vùng cấm

Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong quý I năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 41 vụ TNGT, làm chết 31 người, bị thương 31 người, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 7 vụ và giảm 4 người chết và 5 người bị thương. Đây là kết quả triển khai của nhiều giải pháp, trong đó có việc kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe, cùng với đó là ý thức của người dân đã dần thay đổi, hình thành thói quen mới sau khi sử dụng rượu, bia, như sử dụng taxi, dịch vụ lái xe hộ hoặc nhờ người nhà đưa, đón về…

Nghệ An: Tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn ảnh 4

Cảnh sát giao thông cho lái xe xem kết quả kiểm tra nồng độ cồn. (Trong ảnh: Trường hợp kiểm tra không phát hiện vi phạm). Ảnh: Đình Tuyên

Tuy nhiên, vào ngày lễ, dịp cuối tuần, trường hợp vi phạm thường gia tăng, cùng với đó, theo không ít CSGT, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, vẫn còn một số người dân lên mạng xã hội báo chốt mỗi khi thấy lực lượng chức năng triển khai kiểm tra và một số trường hợp bất hợp tác, khi thấy CSGT đã quay đầu xe, cố tình bỏ chạy…

Theo Thượng tá Nguyễn Nam Hồng – Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh): Trường hợp người tham gia giao thông cố tình không chấp hành hay có hành vi chống đối CSGT khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo mức cao nhất đối với hành vi này.

Cùng với các chỉ đạo trước đó và mới đây nhất có Công văn số 1763 – CV/TU của Tỉnh ủy Nghệ An về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, lực lượng CSGT Nghệ An quán triệt trong xử lý không có vùng cấm, không được giải quyết trường hợp nào can thiệp, xin bỏ qua trong xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Nghiêm cấm mọi hành vi bao che, thay đổi, bỏ qua lỗi vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đối với người vi phạm là cán bộ, công chức, đảng viên, lực lượng vũ trang, ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, sẽ gửi thông báo đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị để kiểm điểm, xử lý theo quy định.

THƯỢNG TÁ NGUYỄN NAM HỒNG – PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CSGT (CÔNG AN TỈNH NGHỆ AN)

Về lâu dài, trên cơ sở xác định vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, cùng với tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm khác, Công an tỉnh sẽ vẫn tiếp tục chỉ đạo các đội, trạm, công an các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và trên tất cả các tuyến đường do địa phương quản lý, đặc biệt vào khung giờ buổi trưa và buổi tối.

Nghệ An: Tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn ảnh 5

Đội CSGT đường bộ số 5, Phòng CSGT Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến Quốc lộ 46. Ảnh: Đình Tuyên

Liên quan đến vấn đề người dân lo lắng, cho rằng uống siro ho, nước hoa quả vẫn có thể “dính” nồng độ cồn, theo Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Thực tế kiểm tra trên địa bàn Nghệ An, từ trước tới nay chưa có trường hợp nào bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn mà lái xe khai rằng, do uống các loại nước trên. Bởi để xác định người vi phạm, ngoài việc thực hiện theo nghiệp vụ, lực lượng CSGT sẽ đo theo 2 mức, đo định tính trước, sau đó mới đo định lượng. Vì vậy, không có trường hợp nào bị xử lý sai về kết quả nồng độ cồn.

Có thể thấy, chính việc làm nghiêm, siết chặt của lực lượng CSGT đã tạo ra hiệu ứng tích cực, ý thức người dân đã có nhiều thay đổi, dần hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Tuy nhiên, để hướng đến văn hóa uống rượu, bia có trách nhiệm, góp phần kéo giảm TNGT, ngoài việc lực lượng chức năng tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, các dòng họ cũng cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tác hại và hậu quả do rượu, bia gây ra trong quá trình tham gia giao thông, tổ chức ký cam kết không sử dụng rượu, bia khi lái xe…

Nghệ An: Tiếp tục kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn ảnh 6

Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông trong các trường học. Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, quy định cụ thể trường hợp sẽ bị tước bằng vĩnh viễn hoặc buộc học lại Luật Giao thông đường bộ; thậm chí buộc phải thi cấp bằng mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, chất kích thích./.

Đặng Cường