Sáng 9/8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cho ý kiến về dự thảo Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, lãnh đạo thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên.
SÁP NHẬP THÊM THỊ XÃ CỬA LÒ VÀ 6 XÃ CỦA HUYỆN NGHI LỘC
Tại cuộc làm việc, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình 3 phương án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, lãnh đạo tỉnh cơ bản thống nhất lựa chọn phương án 3.
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng trình bày Tờ trình về phương án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy
Cụ thể, phương án này điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò (diện tích tự nhiên 29,12 km2, dân số 57.445 người; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 7 phường); cùng với điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có 5 xã: Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái của huyện Nghi Lộc (khoảng 39,27 km2 và quy mô dân số khoảng 45.878 người) về thành phố Vinh quản lý.
Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích địa bàn, không gian phát triển, ý kiến các đại biểu thống nhất sẽ bổ sung xã Khánh Hợp của huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đây là phương án được đánh giá là phù hợp nhất với quy hoạch chung của thành phố Vinh đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg; có thể tiến hành thực hiện ngay các bước xây dựng hồ sơ Đề án mở rộng thành phố Vinh.
Cùng với đó, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ảnh hưởng là ít nhất. Số lượng cán bộ, công chức dôi dư phải thực hiện bố trí, sắp xếp là ít nhất (1 cấp huyện); đồng thời không di dời phải lựa chọn địa điểm mới để xây dựng trung tâm hành chính của huyện Nghi Lộc. Giảm chi đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi…
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh:Thành Duy
TẬP TRUNG ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ
Kết luận nội dung cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá đây là phương án “vừa chín tới” trong bối cảnh hiện nay để thực hiện việc mở rộng không gian phát triển theo hướng biển cho thành phố Vinh.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh quan tâm tham mưu, vạch ra lộ trình chặt chẽ, chi tiết, tập trung đẩy nhanh tiến độ; làm việc nhuần nhuyễn, chặt chẽ, thông tin đầy đủ đến người dân, tranh thủ ý kiến các tầng lớp nhân dân để sớm hoàn thiện hồ sơ.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nghiên cứu lại Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050; nếu có bất cập thì kịp thời đề xuất sửa đổi để gắn với quy hoạch tỉnh.
Cũng tại cuộc làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý đã trao đổi một số nội dung trong thời gian tới đối với lãnh đạo các địa phương liên quan, trong đó thị xã Cửa Lò cần vào cuộc với tinh thần chung tay cùng tỉnh để thực hiện Đề án; thực hiện tốt công tác tư tưởng để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, cán bộ, sự đồng thuận của nhân dân.
Đặc biệt, trong thời gian thực hiện các bước theo quy định để tiến hành sáp nhập về thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò cần tiếp tục thực hiện các chiến lược phát triển đã vạch ra với tinh thần, quyết tâm cao xây dựng thị xã tươi đẹp hơn; không để tư tưởng chờ sáp nhập ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chung.
Như vậy, sau khi phương án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, Nghệ An sẽ thuê tư vấn xây dựng Đề án, tiếp đó trình Bộ Nội vụ, Chính phủ và Quốc hội xem xét quyết định.
Thành phố Vinh hiện nay có diện tích tự nhiên 105,00 km2/150 km2 (đạt 70% tiêu chí), dân số 348.846 người/150.000 người (đạt 232,6% tiêu chí); có 25 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 16 phường và 9 xã (tỷ lệ đô thị đạt 64% tiêu chí).
Khu vực trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy
Việc mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh nhằm cụ thể hóa Quyết định số 52/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 827/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đồng thời, nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của thành phố Vinh, là cơ hội để thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới; xứng tầm là đô thị hạt nhân của tỉnh và của vùng.
Việc phát triển đô thị Vinh sẽ là bước đột phá trong việc phát triển kinh tế – xã hội, phát huy các tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương; là động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của vùng Bắc Trung Bộ.
Thành Duy