Cách đây 92 năm, với khí thế tiến công thần tốc, nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ – cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tính, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy.
Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.
Ngày 1/8/1930, công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 4/8), Nam Đàn (ngày 6/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh.
Tháng 9/1930, phong trào công – nông phát triển tới đỉnh cao; quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương.
Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh – Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai.
Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân bùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công – nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước.
Quốc tế Cộng sản đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao phong trào. Báo Vô sản Pháp số ra tháng 10/1931 đã đánh giá: “Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc phản đế và điền thổ, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giải phóng Đông Dương”.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với xu thế phát triển thời đại là nguyện vọng, lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân để hình thành động lực, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp đổi mới đang là nhiệm vụ cấp bách, to lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Vấn đề đặt ra là hình thành và hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế như thế nào để sự phát triển của đất nước phải thực sự gắn liền với lợi ích vật chất – tinh thần của mọi tầng lớp, mọi con người Việt Nam thì mới tạo được động lực thúc đẩy và phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, của các tổ chức trong xã hội.
Việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện được tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ và khát vọng cháy bỏng của các chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh là giữ vững nền độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu; ai cũng có cơm ăn, áo mặc, có nhà để ở và tiến tới được ăn ngon, mặc ấm, mặc đẹp, có nhà ở khang trang; ai cũng được học; người có bệnh được chữa bệnh chu đáo… Đó chính là động lực cách mạng to lớn trong thời kỳ mới.