Kiến trúc cổ còn lưu giữ tại những điểm đến tâm linh ở Cửa Lò

Đăng ngày 24/10/2018

(Baonghean.vn) – Không chỉ có biển xanh cát trắng nắng vàng, Cửa Lò còn có những điểm du lịch văn hóa, tâm linh với những câu chuyện lịch sử và những nét văn hóa, kiến trúc cổ đang được lưu giữ.
 Đền Vạn Lộc là nơi thờ tự Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (năm 1444 -1506) – con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí và là người có công chiêu dân lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc. 
Đền được xây dựng thành 3 tòa theo lối chữ “chữ tam”, mỗi tòa 3 gian, mái ngói mũi hài, nóc đắp hình hai rồng chầu Mặt trời. Trung điện xây cất sớm nhất, thời Lê. Sau vài lần trùng tu, nay được sửa sang tôn tạo, ngôi đền nhìn ra sông Cấm này khá bề thế, lưu giữ trên rường, bẩy, đồ thờ… nghệ thuật chạm trổ đặc sắc của miền biển các thời Lê, Nguyễn. 
Với kiến trúc cổ kính, quy mô, trải qua bao nhiêu biến cố thời gian, lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được nhiều giá trị về mặt kiến trúc và lưu giữ nhiều hiện vật quý. Bức hoành phi “Hồng ân đại vương” trước cửa Thượng điện để tưởng nhớ công ơn của Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi đối với người dân làng Vạn Lộc. 
Đền Làng Hiếu được xây dựng từ triều Lê, ngôi đền là nơi dân cư miền biển Cửa Hội chọn để các vị thần như: Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Đặc biệt nơi đây còn thờ cá ông (cá voi) với quan niệm là vị thần của ngư dân miền biển. 
Phía bên phải của ngôi đền Làng Hiếu có phần mộ táng xương cốt của 85 con cá voi. Mỗi ngôi mộ gắn với một câu chuyện về ngư dân đi biển bắt gặp xác cá voi và rước “ông” về an táng, hương khói tại đền. 
Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết: Đền Mai Bảng xây dựng từ năm 1780, lúc đó chỉ là một gian mái tranh. Đến thời Nguyễn, đền Mai Bảng được tôn tạo với quy mô to lớn, gồm có thượng điện, trung điện và hạ điện, bố cục mặt bằng kiểu chữ tam, diện tích đất đền rộng khoảng 2.500m2, trong đền nhiều đồ tế khí, có người bảo vệ chu đáo. 
Cứ mỗi chuyến ra khơi, ngư dân địa phương kính thỉnh các vị thần tại đền Mai Bảng, cầu mong các ngài phù hộ cho các thuyền ra khơi vào lộng được bình yên và tôm cá đầy khoang. 
Năm 2015, đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. 
Ảnh: Thành Cường
Bên cạnh đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, đền Làng Hiếu, Cửa Lò còn có nhiều di tích được xếp hạng. Ông Võ Văn Thọ – Trưởng phòng Văn hóa thị xã cho biết, tại Cửa Lò hiện có hơn 30 di tích văn hóa lịch sử đã được khoanh vùng, trong đó có 11 di tích được xếp hạng. Tất cả đều là những điểm đến tâm linh được người dân và du khách lựa chọn ghé thăm khi đến với Cửa Lò.