Xuất phát từ nhu cầu phục vụ các hoạt động văn hoá – thể thao của một thị xã du lịch đang ngày càng phát triển, dự án xây dựng Tượng đài văn hoá – Quảng trường Bình Minh thị xã Cửa Lò qua 3 năm chuẩn bị, với 8 mẫu phương án tham gia tuyển chọn. UBND thị xã Cửa Lò tổ chức 5 lần hội nghị góp ý, trong đó có sự tham dự góp ý của lãnh đạo Bộ Văn hoá Thông tin( Nay là Bộ văn hoá thể thao và du lịch). Hội Mỹ thuật Việt Nam, thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An. Hội đồng xét chọn mẫu Tượng đài Văn hoá – Quảng trường Bình Minh thị xã Cửa Lò đã thống nhất trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tác phẩm dự thi của nhóm tác giả: Hoạ sĩ Hoàng Hùng Dũng, nhà điêu khắc Trần Hùng, hoạ sĩ Ngô Quang Nam thuộc công ty CP Mỹ thuật Việt Nam (Hội Mỹ thuật Việt Nam).
Nội dung của dự án gồm: mặt bằng Quảng trường được bố trí 4 nhóm tượng, gồm khối chính giữa là vòm tròn như một cổng chào (tượng trưng cho khải hoàn môn) chào du khách từ mọi thập phương về với Cửa Lò. Đồng thời đó là hình mặt trời đang nhô lên trên biển Đông lúc bình minh chiếu rọi vào Cửa Lò, như cánh cửa mở ra thu hút từ biển Đông truyền không khí trong lành cho Cửa Lò. Phía trên hình mặt trời có 4 đàn chim hải âu đang chao mình bằng chất liệu nhôm đúc. Hai bên là 6 cánh sóng ôm lấy cổng tròn bằng đá khối thể hiện hình tượng sóng biển ôm chặt lúc mặt trời nhô lên. Tiếp giáp với cánh sóng một bên 5 cánh buồm mọc lên, cánh cao nhất 9m và thấp nhất là 4m, được cấu tạo bằng bê tông đổ liền khối như những cọc lớn vững chãi cắm xuống biển Đông. Mười cánh buồm được đặt trên bệ đá cao 1m tượng trưng như thân hình con thuyền đang vượt sóng vững vàng ra khơi. Biểu hiện cho sức sống mãnh liệt của người dân Cửa Lò trước thiên nhiên hùng vĩ. Mặt trước các cánh buồm là tác phẩm điêu khắc có diện tích gần 400m2, được tạc trên những tảng đá dày 15cm, hình khối uyển chuyển mạnh mẽ của những cô tiên đang đàn hát nhảy múa dưới bầu trời và sóng biển Cửa Lò.
Nghệ thuật cách điệu bay bổng diễn tả những cảnh lễ hội dân gian, các danh lam thắng cảnh của quê hương Cửa Lò và xứ Nghệ. Chạm trổ của phù điêu mang đậm đặc văn hoá dân gian của dân tộc Việt, đã được cha ông thể hiện trong các chạm khắc ở các đình chùa mà ta thường gặp ở các lễ hội Việt Nam. Mặt sau 10 cánh buồm thể hiện một bức tranh hoành tráng được làm bằng chất liệu gốm màu (nung từ làng gốm cổ truyền Bát Tràng – Hà Nội). Nội dung bức tranh diễn tả cảnh sinh hoạt vui nhộn khoẻ mạnh của các động vật hải sản đang đùa giỡn dưới sóng biển Cửa Lò với hàm ý vùng biển Cửa Lò rất phong phú các loại hải sản mà thiên nhiên đã ban tặng. Cụm bể phun nước được đặt trước cổng tròn đối diện với đại lộ Nguyễn Sinh Cung có đường kính 12m, trong lòng bể nhô lên một đài sen cao 6m có 3 cánh, đang hé nở biểu tượng hương thơm khi nhỡ về làng Sen quê Bác. Chung quanh vể phun nước lắp đặt 18 con vật cách điệu được chạm khắc tinh vi từ các khối đá, tất cả chầu và phun nước vào đài sen. Đáy bể là nền hoa được làm gốm màu Bát Tràng, hoa văn lung linh dưới nước khi du khách soi mình xuống bể. Hệ thống vòi phun có các cấp độ cao thấp, rộng hẹp khác nhau. Khi sử dụng được điều khiển tự động bằng dàn điện tử. Bể phun nước làm môi trường toàn bộ quảng trường mát mẻ, gây không khí dễ chịu hòa lẫn vào thiên nhiên biển cả khi du khách đến thăm Quảng trường, nhất là vào các dịp lễ hội đông người.
Hai bên về phía Bắc và Nam Quảng trường được đặt hai nhóm tượng tạc bằng chất liệu đá khối. Nhóm tượng phía Nam diễn tả 3 cô gái tượng trưng cho 3 miền của đất nước, đang nhảy múa trên bãi biển Cửa Lò. Nhóm tượng phía Bắc diễn tả cảnh kéo lưới của ngư dân Cửa Lò đã có truyền thống từ bao đời nay. Ngoài 4 cụm tượng được bố trí hài hoà nêu trên, các công trình kỹ thuật hạ tầng như sân quảng trường, bãi đậu xe, nhà dịch vụ, đường dạo bộ, cây xanh thảm cỏ, hệ thống điện chiếu sáng tất cả được bố cục và nhất quán.
Trải qua 5 năm thực hiện, mặc dù gặp không ít những khó khăn về kinh phí, vật tư, vận chuyển, lắp đặt,… nhưng được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các Ban ngành cấp tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò. Đến nay dự án xây dựng Tượng đài văn hoá Quảng trường Bình Minh thị xã Cửa Lò đã hoàn thành đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập thị xã và đón nhận quyết định công nhận đô thị loại III. Đây là một công trình nghệ thuật có một không hai ở Việt Nam. Tin rằng mỗi du khách đến thăm sẽ được chiêm nghiệm, thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật được đặt trên Quảng trường trung tâm thị xã. Nơi đó vốn dĩ thiên nhiên đã ban tặng cho Cửa Lò một bãi tắm vào loại đẹp nhất Việt Nam./.
Theo: Xuân Nhường