GĐXH – Khi phố lên đèn, hàng trăm người dân cùng du khách đổ về khu chợ bên bờ biển Cửa Lò, háo hức chờ đợi thuyền thúng ngư dân trở về, mang theo những rổ mực tươi ngon.
Chợ họp từ 19h đến khoảng 1h sáng ngày hôm sau, chỉ bán duy nhất một loại đặc sản là mực nháy. Việc mua bán không dùng đến cân, không có mức giá cụ thể mà phụ thuộc vào khả năng trả giá của khách hàng.
Mực nháy (hay mực nhảy) là tên gọi người dân Nghệ An vẫn thường dùng để chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên khỏi nước biển còn nguyên độ tươi. Thông thường, sau khoảng một đến hai giờ vớt lên khỏi mặt nước, những tia phản quang, những chấm màu nâu tím trên mắt, trên thân mình các con mực lớn nhỏ cứ nhấp nháy lên lấp lánh như những ánh sao.
Loại mực này tươi đến mức khi đưa vào nồi bắc lên bếp, mực vẫn còn nháy. Mực nháy được bày bán ở đây đều do ngư dân địa phương câu ở biển Cửa Lò bằng thuyền thúng.
Khi những con thuyền thúng vừa cập bến, người dân sẽ mang mực lên bán tập trung ở trước đảo Lan Châu. Càng về khuya, khu vực này càng đông đúc, tấp nập. Chẳng có bàn ghế, cũng chẳng có đèn điện, thứ duy nhất nơi đây là mực nháy và đèn tích điện trên tay mỗi người bán, vừa dùng để soi sáng cho khách chọn mực, vừa tạo hiệu ứng để những con mực lấp lánh hơn.
Những ánh đèn lập lòe trong đêm tối cùng với tiếng nói cười, ngã giá làm râm ran một vùng, tạo nên nét đặc trưng khiến ai cũng muốn được trải nghiệm khi đến phố biển Cửa Lò.
Ông Nguyễn Văn Hoa, ngư dân phường Nghi Thuỷ, cho biết, mùa câu mực của người dân địa phương thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Phiên chợ bắt đầu từ chiều tối đến khuya. Nơi câu mực cách bờ biển chỉ khoảng 5 km. Mỗi đêm, một thuyền thúng có thể câu được vài trăm ngàn đồng, nếu may mắn thì được cả triệu đồng, thậm chí vài triệu.
Chị Nguyễn Thị Hà, người dân tại phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò, đã bán mực ở đây hơn 4 năm. Mỗi tối, chồng của chị dong thuyền thúng ra biển để câu mực, chị đợi trên bờ, mực về lúc nào thì bày bán lúc đó.
“Đêm nào chồng tôi cũng câu được khoảng bốn năm cân mực, có khi nhiều hơn chút ít. Mỗi đêm, gia đình tôi thu về khoảng 400.000-500.000 đồng, nếu may mắn, có thể kiếm được hơn 1 triệu đồng”, chị Hà chia sẻ.
Một điểm độc đáo trong cách bán mực nháy của họ là người ta không bán bằng cân mà ước lượng mực, chia thành từng mớ phụ thuộc vào số lượng và chất lượng đựng trong chiếc bát lớn bằng kim loại. Mỗi bát lớn có 5 – 10 con mực nháy để du khách chọn lựa. Tùy vào kích thước, mỗi mớ mực có giá giao động từ 100.000 – 200.000 đồng, có mớ thì 500.000 đồng. Khi bên bán và người mua đạt được thỏa thuận thì “chốt đơn”.
Một người phụ nữ vừa đon đả mời khách, vừa cầm đèn tích điện dọi vào bát khiến những con mực nháy càng lấp lánh. Chị cho biết, mỗi năm đến mùa câu mực, đàn ông đảm nhận việc ra khơi, còn phụ nữ ở trên bờ chờ thuyền mang mực về để bán. Mặc dù giá mực nháy khá đắt, nhưng luôn thu hút người mua. Phần lớn mực câu về đều được bán hết ngay trong đêm. Có những hôm du khách đông, mực không đủ bán.
Mực được chia thành từng mớ nhỏ, mỗi mớ từ 8 – 12 con tùy vào kích thước, giá bán từ 80.000đồng- 100.000đồng/mớ.
“Mực Cửa Lò nổi tiếng ngon, thịt dày, ngọt. Mực nháy ngon nhất khi được hấp bia hoặc ăn gỏi. Bằng cách này, mực giữ được vị ngọt, béo và giòn. Mực đi câu nên thường không nhiều, lên mẻ nào bán hết mẻ đó trong vòng 30 phút”, bà Trần Thị Lan, người có thâm niên gần 20 năm bán mực nháy tại Cửa Lò, cho hay.
“Gia đình tôi tranh thủ cuối tuần vào Cửa Lò thư giãn, nhất là muốn thưởng thức món mực nháy đầu mùa, sợ dịp 30/4 đông quá.
Ở đây, có một điều thú vị là họ bán mực theo từng mớ nhỏ, mỗi mớ khoảng từ 8 đến 15 con, tùy thuộc vào kích thước với mức giá từ 150.000 đến 300.000 đồng. Với chất lượng hải sản tuyệt vời như vậy, tôi thấy giá của mực nháy ở Cửa Lò hợp lý, không quá đắt”, anh Trần Trung Hiếu, du khách từ Hà Nội, chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Thu Thủy, cho biết, biển Cửa Lò ban tặng cho họ một loại đặc sản hiếm nơi nào có được. Chính vị mặn của gió, của nước hòa lẫn với vị ngọt bùi của mực trở thành một ẩm thực riêng biệt của Cửa Lò.
Khu chợ bán mực nháy được UBND thị xã quy hoạch từ giữa năm 2023. Đây là nơi buôn bán của hơn 100 hộ dân, chủ yếu là người dân phường Thu Thủy và một ít hộ dân phường Nghi Thủy.
Điểm bán mực nháy tập trung nằm trong kế hoạch xây dựng điểm nhấn du lịch của thị xã Cửa Lò. UBND phường cũng xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần, hỗ trợ khách du lịch chế biến mực tại chỗ khi có nhu cầu, xây dựng một số điểm check-in (chụp ảnh) phục vụ du khách.
“Để hỗ trợ du khách tối đa, cũng như đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan, tránh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, chèo kéo du khách, chính quyền địa phương đã cử lực lượng có tại chợ mực nháy hàng đêm”, ông Phạm Thanh Hải cho hay.
Nguồn: Hoàng Trinh – Báo Gia đình &Xã hội