Chuyển đổi hình thức cấp đông sang chế biến ngay trên biển mà không qua một khâu bảo quản nào, vài năm trở lại đây, sản phẩm hải sản luộc trên biển của ngư dân Cửa Lò được người tiêu dùng rất ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao. Đây được xem là một hướng đi mới, giúp ngư dân Cửa Lò nâng cao chất lượng sản phẩm hải sản, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Cảng cá Cửa Hội một ngày mới. Cũng như những lần ra khơi bám biển đánh bắt hải sản khác, tàu chụp của ngư dân Nguyễn Văn Chương ở khối Hải Bình – P.Nghi Hải lại cập bến. Là tàu chuyên đánh bắt mực trên biển, nên việc bảo quản mực làm sao cho tươi, đảm bảo vệ sinh ATTP luôn được ngư dân Nguyễn Văn Chương thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, nhiều khi do hải sản khan hiếm, thời gian đánh bắt trên biển kéo dài, đến lúc tàu cập bến con mực không được tươi, giá trị kinh tế vì thế bị hạ xuống. Để khắc phục tình trạng này, 2 năm trở lại đây, thuyền anh Chương đã chuyển đổi hình thức cấp đông sang chế biến ngay trên biển. Những khay mực luộc của tàu anh vừa cập bến hầu như đều cháy hàng.
Các sản phẩm hải sản đều được luộc ngay sau khi đánh bắt trên biển
Ông Nguyễn Văn Chương – Ngư dân khối Hải Bình – P.Nghi Hải cho biết:“Mực tươi ta để tầm 4 – 5 tiếng nó sẽ luội đi, cũng có chất nhưng bán rẻ tiền hơn. Cái này lên liền luộc liền vừa tươi, vừa có chất lượng, mà về bán có thể để được lâu, chớ mình mà để tầm 1 – 2 tiếng là con mực nó đổi màu liền mà cái giá trị nó sẽ hạ thành”
Không riêng tàu anh Chương, mà đây là cách làm của được các chủ thuyền ở Nghi Hải áp dụng rộng rãi. Những con cá, con mực hay cả những con tôm tít cũng đều được luộc trên biển. Ngoài giữ được độ giòn ngọt, những loại thực phẩm này còn đảm bảo được VSATTP mà không qua một khâu bảo quản nào. Không chỉ các đội tàu, mà các thương lái thu mua cũng đánh giá, vài năm trở lại đây nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ngày càng được người tiêu dùng ưu chuộng.
Bà Nguyễn Thị Vân, khối Hải Giang II, phường Nghi Hải – TX Cửa Lò – Một thương lái lâu năm tại Cảng cá Cửa Hội cho hay: “Hồi xưa là thường thường người ta để tươi, nay người ta có xu hướng biển vừa lên là người ta luộc hấp biển đảm bảo chất lượng để về cho người dân ăn cho đảm bảo chất lượng”
Ngư dân Nghi Hải chủ yếu phát triển nghề câu và nghề chụp với công suất tàu thuyền trên 90CV, cho nên việc khai thác xa bờ gặp rất là nhiều khó khăn. Trước đây, sản lượng hải sản đánh bắt về chủ yếu cấp đông nên giá trị không cao. Chính vì thế, năm 2015, sau Đại hội lần thứ 24, Đảng bộ và chính quyền sở tại tiếp tục đưa nghề truyền thống vào phát triển theo hướng có chiều sâu. Địa phương đã tuyên truyền cho bà con chuyển đổi một số hình thức trong quá trình chế biến đối với một số hải sản đánh bắt, đó là sau khi khai thác hải sản sẽ tiến hành luộc trên biển, đem lại giá trị rất cao. Nếu như trước đây 1kg mực tươi được cấp đông đưa về bán cho thương lái khoảng 150 – 170 nghìn đồng/kg, thì nay khi luộc biển về giá mỗi cân mực có thể lên đến 300 – 320 nghìn đồng; Đối với cá mu khoảng 80 nghìn đồng, nhưng nếu luộc tại biển có giá khoảng 200 nghìn đồng /kg. Mặc dầu, tổng sản lượng hàng năm duy trì ở mức 2.000 đến 2.300 tấn, nhưng giá trị kinh tế lại đưọc nâng lên rất cao. Điển hình như cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất thủy hải sản của địa phương đạt 73,6 tỷ đồng, tăng 9,3 % so với cùng kỳ; Giá thành một số sản phẩm luộc biển tăng 2/3 lần so cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Như Dương – Chủ tịch Hội nông dân P.Nghi Hải – TX Cửa Lò cho biết:“Để tiếp tục phát huy nghề cá, thì chúng tôi tiếp tục bám sát đề án khai thác thủy hải sản làng nghề của UBND thị xã ban hành từ 2015 – 2020. Chúng tôi tiếp tục chú trọng tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cải hoán một số tàu thuyền có công suất nhỏ để rồi khai thác xa bờ. Bên cạnh đó cũng tiếp tục động viên bà con nâng cao hình thức sản xuất đánh bắt, chế biến hải sản tươi sống trên biển bằng cách là chúng tôi thành lập thêm các tổ liên kết tàu thuyền, hỗ trợ thêm KHKT để bà con áp dụng vào quá trình sản xuất để rồi nâng cao giá trị sản phẩm hơn.”
Mực luộc biển, cá luộc biển… giờ đây không còn xa lạ với người tiêu dùng. So với các loại hải sản nướng, hải sản được luộc trên biển được đánh giá là một hướng đi mới, ngoài đa dạng các loại hải sản phục vụ thị hiếu người tiêu dùng cong nâng cao giá trị hàng hóa và đưa lại lợi nhuận cao cho bà con ngư dân vùng biển Cửa Lò./.
Đàm Hiền – Duy Quý