Giáo dục

Đăng ngày 26/03/2014

I. Giáo dục đào tạo Cửa Lò
    
    1, Mầm non: 8 trường bao gồm 7 trường của 7 phường: Nghi Tân, Nghi Thủy, Thu Thủy, Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hòa, Nghi Hải và Trường mầm non Bình Minh. Hiện nay cả 8/8 trường đều đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, có trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2
    2, Tiểu học: 7 trường bao gồm  Trường tiểu học Nghi Tân, Nghi Thủy, Thu Thủy, Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hải và Nghi Hòa
    3, Trung học cơ sở: 5 trường bao gồm Trường THCS Nghi Tân, Trường THCS Nghi Thủy, Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, Trường THCS Nghi Hương và Trường THCS Hải Hòa
    4, Trung học phổ thông: 2 trường bao gồm: Trường THPT cửa Lò 1 và Trung học PT Cửa Lò 2
    5, Trung tâm giáo dục thường xuyên 2-Nghệ An
    6, Trường trung cấp tư thục du lịch Miền Trung
    7, Trường cao đẳng nghề du lịch thương mại Nghệ An
    8, Trường đại học công nghệ Vạn Xuân

 II. Giới thiệu đôi nét về 1 số cơ sở giáo dục-đào tạo tiêu biểu ở Cửa Lò

a-tang-bang-khen

Trường cao đẳng nghề du lịch & Thương mại Nghệ An

          Đi lên từ  Trung tâm Xúc tiến Việc làm thị xã Cửa Lò (1996), qua 15 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng nghề DL – TM Nghệ An hôm nay đã khẳng định được vị thế của mình trên lĩnh vực đào tạo, dạy nghề và GQVL sau đào tạo, không chỉ ở Nghệ An mà ở các tỉnh Bắc miền Trung.

          15 năm qua, Trường đã đào tạo và liên lết đào tạo nghề cho hơn 25 nghìn lao động có trình độ từ bậc 2/7 đến Trung cấp, CĐ và ĐH ( Trong đó: Gần 3 nghìn con em TX ); Hơn 30 nghìn học viên sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên ( Hơn 10 nghìn con em TX); Giới thiệu VL cho gần 10 nghìn người ( Con em TX: 3 nghìn)Với đội ngũ CBGV hơn 160 người (Trong đó trên 30% có trình độ ThS, NCS  và nhiều thợ bậc cao). 01 GV đạt giải Nhất và 01 giải Nhì Quốc gia; 04 GV đạt giải Nhất – Nhì và Ba cấp tỉnh; Trường đứng thứ Nhất toàn Đoàn tại Hội giảng giáo viên dạy nghề của Tỉnh năm 2009. Nhà trường đã luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương lao động hạng Ba ( 2006); Hạng Nhì (2010); 7 Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 36 Bằng khen của các Bộ và UBND tỉnh cho các tập thể; 01 CSTĐ toàn quốc; 40 Bằng khen của các cấp cho cá nhân; Đảng bộ nhà trường 05 năm liên tục đạt TSVM xuất sắc và xuất sắc tiêu biểu, được Tỉnh ủy tặng cờ Đảng bộ Trong sạch vững mạnh xuất sắc tiêu biểu 05 năm liền (2005 – 2010); các tổ chức đoàn thể là những đơn vị xuất sắc.Tập thể CBGV và  HSSV  nhà trường luôn đi đầu và hưởng ứng tích cực các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện. Đã ủng hộ gần 1 tỉ đồng cho  các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động văn hóa văn nghệ TDTT  được duy trì và hoạt động tích cực, luôn đạt giải cao trong các cuộc thi từ cơ sở đến Trung ương. Đời sống vật chất, tinh thần và các điều kiện đảm bảo cho công tác giảng dạy, học tập, sinh hoạt của CBGV cũng như HSSV không ngừng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay cũng như tầm nhìn cho tương lai.

a-Ong-Bich-pbieu

a-Hinh-toan-ban-giao

Hiện nay nhà trường đang tập trung khai thác thực hiện: “Dự án tăng cường kỹ năng nghề” do Bộ lao động TB&XH đầu tư  và  Dự án Hợp tác phát triển với Trường Đại học Nha trang cùng với việc tăng cường đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV  sau ĐH cùng nhiều Dự án quan trọng khác để phấn đấu xây dựng lộ trình lên Trường Đại học vào giai đoạn (2013-2015) và phấn đấu trở thành Đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Đậu Chính Nghĩa – P.Hiệu trưởng – Chủ tịch CĐ

Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân trên thành phố du lịch biển Cửa Lò

 Nằm trên vùng đất giàu truyền thống tại Nghệ An, mảnh đất hiếu học với nhiều bậc danh nhân, hiền sĩ, Trường Đại học Công nghệ Vạn xuân được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và được công nhận trong hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam. Trường có trụ sở chính tại Đại lộ Nguyễn Sinh Cung, phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân  tập trung đào tạo trình độ đại học và cao đẳng các ngành nghề: Công nghệ sinh học; Kế toán; Tài chính ngân hàng; Tiếng anh phiên dịch;  Quản trị kinh doanh. Nhà trường luôn cung ứng đầy đủ điều kiện cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Trường có hàng chục phòng học cùng với các giảng đường lớn với điều kiện học tập tối ưu nhất. Các phòng học bộ môn đầy đủ trang thiết bị giảng dạy hiện đại và hệ thống máy tính được nối mạng. Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện học tập cho sinh viên khu vực miền Trung với nhiều khó khăn, Nhà trường đã có nhiều chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và nhiều chương trình học bổng dành cho sinh viên học giỏi.

Thư viện của Trường rộng rãi, có nhiều giáo trình, tạp chí và tài liệu tham khảo phong phú, hệ thống tư liệu luôn cập nhập và bổ sung từ các cơ sở dữ liệu trong nước và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu cho người học một cách tốt nhất. Trong khuôn viên của Trường có sân bóng đá, sân bóng chuyền, nhà thi đấu và môn Việt võ đạo là môn học trong chương trình chính khóa. Phong trào rèn luyện thân thể để học tốt đã được thầy trò Nhà trường hưởng ứng tích cực. Ký túc xá sinh viên có sức chứa hàng trăm chỗ ở với không gian rộng rãi, thoáng mát, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất: một phòng 04 người, có tủ và góc học tập cho từng sinh viên với hệ thống mạng internet phủ sóng toàn Ký túc xá. Để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người học, nhiều phòng trong ký túc xá còn được trang bị máy điều hòa, máy nóng lạnh, chăn ga, gối đệm được Nhà trường trang bị và được thay hàng tuần. Trong ký túc xá còn có phòng sinh hoạt chung, nhà ăn tập thể và siêu thị mini. Mỗi tầng còn có bếp riêng. Đây là một trong số ít các trường đại học xây dựng được mô hình này.

DH-Van-Xuan-GL-VN

Với tiềm năng sẵn có, Trường Đại học Công nghê Vạn Xuân phát huy nội lực, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới mục tiêu đào tạo gắn liền với thực tiễn và thoả mãn nhu cầu nhân lực phục vụ quá trình hội nhập quốc tế. Ngay từ giờ phút này, thầy trò Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân hướng về tương lai với quyết tâm đạt được những thành tựu mới to lớn hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và phát triển.

3.Trường THPT Cửa Lò  

Thành lập năm 1995 theo quyết định số 1413/QĐUB ngày 17/6/1995 của UBND  tỉnh Nghệ An, lúc đầu Trường THPT Cửa Lò chỉ có 18 cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm đường. Vậy mà qua 15 năm xây dựng, Trường THPT Cửa Lò đã có bước tiến mạnh mẽ với cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn cao. Đặc biệt, chất lượng giáo dục đào tạo cũng như số học sinh giỏi hàng năm  được xếp vào tốp đầu của tỉnh.

Thầy giáo Phan Công Lưu – Hiệu trưởng đầu tiên của trường nay là phó bí thư thường trực Thị ủy Cửa Lò nhớ lại: “Ngày đó, khi cầm quyết định thành lập trường, anh em chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng, bởi từ đây con em Cửa Lò sẽ có điều kiện được học hành lên cao; Nhưng lo là vì ngoài tờ quyết định và 18 cán bộ giáo viên được điều chuyển từ nhiều nơi về  thì trường chưa có gì cả”. .. Do đó, việc làm đầu tiên của Ban giám hiệu nhà trường là mượn lớp học, mượn phòng làm việc, thuê chỗ trọ cho cán bộ giáo viên. Đồng thời tiến hành tuyến sinh cho khóa học đầu tiên. Sau 2 tháng hè tất bật chuẩn bị, buổi lễ khai giảng đầu tiên của trường đã được tiến hành tại UBND phường Nghi Hương.

Nói là Thị xã, cách TP Vinh chừng 16 km nhưng mới tách ra từ huyện Nghi Lộc nên đời sống của người dân quá khó khăn. Phần lớn con em trong độ tuổi đến trường đều theo cha ra biển đánh cá. Vì thế, số học sinh tốt nghiệp cấp 3 mỗi năm chỉ có mấy chục em. Riêng năm học 1994 – 1995, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS toàn Thị xã là 242 em. Do đó, khóa học đầu tiên trường chỉ tuyến được 352 em cùng với 80 học sinh của 2 lớp 6 (chuyên văn, chuyên toán). Trong số đó có tới 1/3 học sinh đến từ các xã lân cận như Nghi Quang, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Yên, Nghi Hợp, Nghi Khánh huyện Nghi Lộc. Các em phải học nhờ ở trường Tiểu học, THCS Nghi Hương và bàn ghế học sinh chỉ là những cây phi lao ghép lại.

Khó khăn là vậy nhưng Ban giám hiệu xác định: “Chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn, sự tồn tại, là lương tâm trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhà trường”. Muốn làm được điều này, mỗi cán bộ giáo viên phải tự nổ lực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của mình. Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể và cán bộ giáo viên phải thật sự trở thành một khối thống nhất, kết đoàn trong mỗi lời nói, việc làm.

          Ngoài nâng cao chất lượng dạy học, Ban giám hiệu nhà trường đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, các ngành và huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất. Nhờ đó, chỉ một năm sau cán bộ giáo viên và học sinh của trường đã được dạy học ngay tại cơ sở của mình trên khuôn viên rộng 2 ha với những dãy nhà cao tầng hiện đại. Và hiện nay, trường đã có 4 dãy nhà cao tầng với khá đủ tiện nghi, một nhà đa chức năng, đáp ứng cho hơn 1000 cán bộ giáo viên, học sinh làm việc và học tập. Hệ thống nhà xe quy củ, sân trường được lát gạch hoa, hệ thống cây xanh phủ kín đã làm cho ngôi trường sạch đẹp và khang trang hơn.

Chính nhờ ngay từ đầu đã có những định hướng, mục tiêu mang tính chiến lược nên đến nay mới qua 15 năm xây dựng, trường THPT Cửa Lò đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ 18 cán bộ giáo viên ban đầu nay tăng lên 77 đồng chí,  trong đó cô giáo Đặng Thị Kim Vóc và cô giáo Phạm Thị Thành được Chủ tich Nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Không chỉ tăng nhanh về số lượng mà trình độ chuyên môn của cán bộ giáo viên từng bước cũng được nâng cao. Hiện tại, trường có 20% cán bộ giáo viên trình độ thạc sỹ và 35,8% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Sở dĩ có được kết quả này cũng là nhờ Nhà trường đã tích cực chỉ đạo cán bộ giáo viên đổi mới công tác quản lý và phương pháp dạy học. Tích cực thăm lớp dự giờ, tổ chức các buổi hội thảo chuyên môn, thăm quan học tập kinh của các trường bạn. Đồng thời có chính sách khích lệ, tôn vinh và sử dụng các sáng kiến kinh nghiệm bậc cao của giáo viên như mua lại bản quyền sử dụng, đưa vào phòng truyền thống, nhân bản phổ biến, đưa vào thư viện thành tài liệu cho mọi người cùng học tập. Điều này đã thu hút đông đảo cán bộ giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm. Hàng năm, trường có trung bình từ 2 – 5 sáng kiến kinh nghiệm bậc 4. Tiêu biểu, năm 2010 trường có tới 7 đ/c  có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp ngành.

Xây dựng được đội ngũ cán bộ giáo viên giỏi về chuyên môn và luôn tâm huyết với nghề nên chất lượng giáo dục của trường nhanh chóng được xếp vào tốp đầu của tỉnh. Từ chỗ mỗi năm toàn Thị xã chỉ có khoảng 10% học sinh lớp 12 thi đậu các trường Đại học, cao đẳng thì nay đã tăng lên xấp xỉ 50%; Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 12 hàng năm cũng trên  99%. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh giỏi Tỉnh lớp 12 đạt từ 75 – 91 %.

          15 năm phấn đấu cho chất lượng giáo dục toàn diện, trường cũng đã đạt được nhiều danh hiệu đáng trân trọng. Tiêu biểu là danh hiệu trường văn hóa cấp tỉnh, Trường chuẩn quốc gia bậc THPT đầu tiên của Nghệ An; Thủ tướng Chính phủ, Bộ giáo dục và đào tạo nhiều năm liên tặng cờ thi đua và bằng khen cho nhà trường. Bộ Công an cũng tặng 1 bằng khen về công tác An ninh trường học;  UBND Tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, Liên đoàn lao động, Sở giáo dục đào tạo Nghệ An đã tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua…. cùng  nhiều Bằng khen, giấy khen của Trung ương đoàn, công đoàn giáo dục, Thị uỷ, UBND Thị xã Cửa Lò. Đặc biệt, năm 2004 Trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và năm 2010 vừa qua trường được tặng thưởng Huân Chương lao động hạng Nhì.