Qua hơn 03 năm triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) và triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy, UBND thị xã, UBND các phường và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trên địa bàn thị xã, qua đó sản phẩm ngày càng đa dạng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ảnh tư liệu
Đến nay, kể cả năm 2020, 2021 và năm 2022 toàn thị xã có 15 sản phẩm đạt OCOP, trong đó: nước mắm 7 sản phẩm, cá thu nướng 1 sản phẩm, mắm tôm 1 sản phẩm, tép chua 1 sản phẩm, ngũ cốc 2 sản phẩm và chế biến hải sản 3 sản phẩm.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm theo hướng bền vững, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh sản phẩm hàng hóa địa phương, cần thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
- Tiếp tục phổ biến, quán triệt các Kế hoạch của UBND tỉnh, Kế hoạch xây dựng sản phẩm OCOP thị xã; tổ chức hội nghị, tập huấn tuyên truyền, quán triệt; thường xuyên đưa tin, bài, hình ảnh về kết quả phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3434/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 về việc phê duyệt đề án “Ứng dụng Khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến hải sản và sản xuất nông nghiệp sạch tạo sản phẩm phục vụ du lịch giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo”.Triển khai có hiệu quả các nội dung Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về Quy định một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì mỗi sản phẩm được bảo hộ ngân sách nhà nước hỗ trợ 10.000.000 đồng.
- Phối hợp với sở, ngành tỉnh tổ chức các hoạt động trưng bày sản phẩm OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, thực hiện hiệu quả chương trình khuyến công để nâng cao năng lực cạnh tranh cho cơ sở, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất các sản phẩm OCOP.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng giả… tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của địa phương.
- Nâng cao nhận thức của nhân dân và các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP. Quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch; xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP.
- Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất; đổi mới, đa dạng sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý, điều hành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm có lợi thế của địa phương; giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm được công nhận; tập trung công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, quan tâm hướng dẫn, tư vấn nhận dạng sản phẩm, tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá, quy trình đánh giá, hồ sơ, thủ tục để được công nhận… từ đó hỗ trợ các chủ thể kinh tế, người dân phát triển nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm…
Võ Văn Lý – ThUV, Trưởng phòng Kinh tế thị xã