P.V: Thưa ông Nguyễn Mạnh Cường, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã đề nghị Chính phủ mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Ông có thể cho biết du lịch Nghệ An đã sẵn sàng khởi động như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Sở Du lịch Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 614/KH-UBND ngày 26/10/2021 về việc khôi phục hoạt động du lịch Nghệ An trong trạng thái bình thường mới đến năm 2022 và bước đầu đã có kết quả.
Tính riêng dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã đón gần 190.000 lượt khách, trong đó, khách lưu trú đạt gần 15.000 lượt. Tổng thu từ khách tham quan du lịch đạt hơn 25 tỷ đồng. Kết quả này đã mang lại niềm tin và lạc quan cho những người làm du lịch, tạo đà cho sự phục hồi ở thời gian tiếp theo.
Ngành Du lịch Nghệ An xác định đây là “thời điểm vàng” để mở cửa lại và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút du khách. Bởi lẽ, sau một thời gian tập trung chuẩn bị tái đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; xây dựng mới, làm mới, hoàn thiện các sản phẩm du lịch; tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực; kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ và hiện gần 100% người lao động trong ngành Du lịch, dịch vụ đã được tiêm đủ mũi vắc-xin cơ bản phòng Covid-19, nhiều cơ sở dịch vụ đã tự đánh giá an toàn phục vụ khách du lịch, du lịch Nghệ An đã sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
P.V: Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch của Nghệ An?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Sở Du lịch đang tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế đến Nghệ An. Hoạt động mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả và phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với hoạt động du lịch nội địa, quán triệt các quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ; Quyết định 218 của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Khách du lịch và khách sử dụng dịch vụ du lịch tự theo dõi sức khỏe và bảo đảm tuân thủ Thông điệp “5K” cùng các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định; tuân thủ các quy định của điểm đến, quy định, hướng dẫn của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch; có trách nhiệm phối hợp với đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và các cơ quan chức năng về việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch.
Đối với hoạt động du lịch quốc tế, với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) quán triệt và thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định mới nhất của Việt Nam đối với người nhập cảnh; cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Quốc gia theo quy định và duy trì kết nối trong thời gian lưu trú tại Nghệ An.
Với khách du lịch ra nước ngoài (outbound), yêu cầu tuân thủ các quy định về xuất, nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ tham quan du lịch…
P.V: Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, gần đây ở Nghệ An dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, ngành Du lịch tỉnh nhà đã xây dựng kế hoạch, giải pháp như thế nào để đảm bảo thích ứng với trạng thái bình thường mới?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Trước tiên là thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, chỉ đạo các khu, điểm du lịch, công ty lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch bám sát Hướng dẫn 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quyết định 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế và các quy định của UBND tỉnh để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng du lịch sẽ thay đổi, du khách sẽ đi thành từng nhóm nhỏ, tập trung theo nhóm gia đình, bạn bè hoặc cơ quan, đơn vị. Các chuyến đi sẽ ngắn ngày hơn, hướng về các di sản văn hóa, thiên nhiên, tránh những tụ điểm đông người.
Nắm bắt xu hướng này, ngành Du lịch Nghệ An đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu của du khách. Do vậy, các huyện miền Tây sẽ là địa bàn trọng điểm để phát triển và thu hút khách du lịch trong thời gian tới.
Miền Tây Nghệ An có hệ thống rừng nguyên sinh đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với trung tâm là VQG Pù Mát, nơi đây có nhiều cảnh quan hùng vĩ và tươi đẹp, là nơi cư trú của các cộng đồng dân tộc thiểu số còn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Không gian rộng lớn của núi rừng, bản làng sẽ giúp cho du khách tìm được những giờ phút thanh tĩnh và sự trải nghiệm thú vị, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách trong trạng thái bình thường mới, ngành Du lịch Nghệ An đã khảo sát, xây dựng và hoàn thiện thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Trong đó, nổi bật là sản phẩm “Chèo thuyền kayak – đi bộ, leo núi (trekking) – đạp xe đạp địa hình leo núi (mountain biking) từ đập Phà Lài (bản Xiềng) đi bản Cò Phạt (xã Môn Sơn – Con Cuông)” và “Khám phá đỉnh Puxailaileng ở huyện Kỳ Sơn.
Và mới đây, phối hợp với CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội khảo sát, hoàn thiện công bố tour caravan “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An” xuất phát từ huyện Nghĩa Đàn, theo đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 7A lên khám phá các điểm du lịch ở huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, di chuyển theo Quốc lộ 16 sang khám phá các điểm đến ở huyện Quế Phong, Quỳ Châu, trải nghiệm các điểm du lịch sinh thái và cộng đồng. Tùy vào điều kiện thời gian của từng đoàn khách, hành trình tour có thể kéo dài từ 3 – 6 ngày…
Những sản phẩm mới này sẽ đảm bảo cho du khách có được sự trải nghiệm thú vị, độc đáo và đảm bảo an toàn phòng dịch ở mức độ cao.
P.V: Quá trình khôi phục, mở cửa trở lại các hoạt động du lịch muốn đạt kết quả như mong muốn đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến hoạt động mở rộng liên kết, kích cầu và quảng bá. Xin ông cho biết, Nghệ An đã triển khai các hoạt động này như thế nào để thu hút khách trở lại?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Đúng vậy! Sau một thời gian dài ngừng hoạt động hay hoạt động cầm chừng, ngành Du lịch cần sự liên kết và kích cầu trong quá trình khôi phục, mở cửa trở lại. Có thể xem đây là những yếu tố giữ vai trò quan trọng đối với sự thành bại của ngành Du lịch hiện nay và những chặng đường tiếp theo.
Triển khai các hoạt động theo Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 04/01/2022 của UBND tỉnh về phát triển du lịch Nghệ An năm 2022, Sở Du lịch vừa tổ chức đoàn khảo sát, xây dựng, công bố tour caravan “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An”; đón Đoàn famtrip, presstrip khảo sát sản phẩm du lịch Xuân, Hè “Nghệ An- Về miền ví, giặm”.
Đồng thời, tổ chức thành công Hội nghị kích cầu du lịch Nghệ An năm 2022. Trong khuôn khổ Hội nghị, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội và Sở Du lịch/Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, doanh nghiệp du lịch các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã phát động và ký cam kết triển khai Chương trình “Trở lại Bắc Trung Bộ năm 2022” nhằm đưa khách du lịch về các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Hiện ngành Du lịch đang chuẩn bị Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực cho ngành Du lịch sau đại dịch Covid-19. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thanh Hóa, Hà Tĩnh tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch 3 địa phương 1 điểm đến gắn với Hội chợ VITM từ ngày 31/3- 3/4/2022; tham mưu tổ chức diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ mở rộng tại Nghệ An (trung tuần tháng 5/2022).
Chuẩn bị tổ chức và tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, các sự kiện trong chương trình hoạt động Năm Du lịch Quốc gia 2022 tại Quảng Nam và các tỉnh, thành phố trong cả nước; các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia tại Nghệ An; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Nghệ An tại các tỉnh, thành phố và đón các đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát du lịch Nghệ An.
Đồng thời, mở các lớp tập huấn về kỹ năng quản lý khách sạn, nhà hàng, lữ hành cũng như năng lực chuyển đổi số và maketing online… cho các chủ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ lưu trú du lịch, ăn uống, mua sắm, giải trí, dịch vụ lữ hành và hướng dẫn viên du lịch cũng như công tác đón tiếp, phục vụ tại các điểm tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch Nghệ An trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội.
P.V: Mùa Hè sắp bắt đầu, đồng nghĩa với nhu cầu “giải nhiệt” của khách du lịch thời điểm nắng nóng sẽ rất lớn. Ngành Du lịch Nghệ An sẽ làm gì để vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Thời tiết khắc nghiệt nhưng bù lại, Nghệ An được thiên nhiên ưu đãi nhiều điểm để “giải nhiệt” lý tưởng trong mùa Hè như các bãi biển (Cửa Lò, Bãi Lữ, Diễn Thành, biển Quỳnh…); hệ thống sông, suối và thác nước ở miền Tây như sông Giăng, thác Khe Kèm (Con Cuông), khe Cớ (Tương Dương), thác Sao Va và thác 7 tầng (Quế Phong),…
Hàng năm, những điểm đến này thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Năm nay, khi cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới dự kiến lượng khách đến các điểm “giải nhiệt” sẽ rất đông.
Với tiềm năng sẵn có, ngành Du lịch luôn tạo mọi điều kiện cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người dân kinh doanh các dịch vụ du lịch. Nhất là trong việc hỗ trợ thực hiện các chính sách; hướng dẫn thực hiện chương trình phục hồi và kích cầu du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ triển khai chương trình bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa hoạt động và đẩy nhanh quá trình phát triển.
Đồng thời, Sở Du lịch xác định đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Từ đó, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch thực hiện tốt các hướng dẫn về đảm bảo du lịch an toàn; điểm đến du lịch an toàn; xây dựng, đề xuất các phương án xử lý các trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai. Đẩy mạnh tuyên truyền kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Với các hoạt động đã, đang và sẽ được triển khai, chúng ta có quyền hy vọng quá trình khôi phục, mở cửa lại hoạt động kinh doanh du lịch ở Nghệ An sẽ gặt hái được kết quả lớn, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19. Trước tiên là hướng tới mục tiêu làm “tan băng” cho các hoạt động du lịch, từng bước đưa du lịch vào quỹ đạo bình thường mới.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Thực hiện)