Theo chân cô phó hiệu trưởng, trường THPT Cửa Lò I, chúng tôi tới thăm giờ học tiếng Anh của lớp 12A, do cô giáo Lê Thị Thanh Hương đứng lớp. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để bắt đầu giờ học này, trước đó cô Hương đã lựa chọn chủ đề và xác định thời lượng cụ thể cho môn học. Đồng thời giao nhiệm vụ và hướng dẫn cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo các kiến thức về chủ đề đã được lựa chọn. Học sinh sắp xếp kiến thức mà mình tìm hiểu được theo định hướng của giáo viên ở nhà.
Khi lên lớp giáo viên yêu cầu học sinh trình bày kết quả nghiên cứu của mình, giáo viên và tập thể học sinh đánh giá, so sánh với chuẩn kiến thức kỹ năng, điều chỉnh, bổ sung những vấn đề cần thiết và chốt lại nội dung chủ đề để học sinh lĩnh hội.
Em Hoàng Khánh Linh, Học sinh lớp 12 A trường THPT Cửa Lò I nói về cảm nhận của mình về giờ học tiếng Anh hôm nay như sau: “Cháu thấy bài học hôm nay bài giảng rất là sinh động và dễ hiểu. Bài giảng này giúp cháu tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn và hứng thú hơn với môn học này. Các môn học khác thì các thầy cô cũng đã cố gắng áp dụng vào chương trình giảng dạy để HS có thể dễ hiểu hơn và hứng thú hơn”
Việc đổi mới phương pháp dạy học còn được thể hiện qua việc đa dạng hình thức dạy học như: học ở trường, học trên mạng, học qua di sản, học qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh với nhiều hình thức…và phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.
Cô giáo Lê Thị Thanh Hương, Trường THPT Cửa Lò I cho biết:“Đối với PP dạy học mới, thì HS chủ động, tích cực trong việc học tập và HS là đối tường trung tâm trong việc dạy học. Từ đó làm cho HS có động lực hơn, tích cực chủ động để nắm lấy kiến thức. HS được hoạt động nhóm hoạt động cặp nhiều hơn, tự mình tìm ra những kiến thức và giáo viên chỉ là người dẫn dắt, chứ không phải là người truyền kiến thức như trước nữa”
Cách làm này mang lại hiệu quả thiết thực, được khẳng định qua năm học 2015- 2016, trường THPT Cửa Lò I đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, Học sinh đậu tốt nghiệp THPT 100%; Học sinh đậu ĐH-CĐ: 50%. Đây là một phần của của kết quả đổi mới phương pháp dạy học phát triển theo năng lực và phẩm chất người học. Nói về công tác quản lý cũng như đổi mới phương pháp dạy học phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng trường THPT Cửa Lò I cho biết: “Trước hết nhà trường đã chủ động xây dựng chương trình của nhà trường phù hợp với thực tế cũng như năng lực của HS trên địa bàn Cửa Lò. Thứ hai là đổi mới trong chuyên môn, các tổ chuyên môn sinh hoạt theo hướng nghiên cứu bài học, dạy học theo chủ đề. Khuyến khích GV, HS tham gia các cuộc thi sáng tạo KHKT, kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn…đổi mới trong việc kiểm tra đánh giá, biên soạn ma trận đề trên cơ sở đó để xây dựng bài kiểm tra phù hợp với HS theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Giáo dục kỹ năng sống cho HS để hình thành kỹ năng cần thiết”
Mặc dầu phần lớn là học sinh rất hào hứng tham gia trong các hoạt động như là học sinh làm trung tâm, thì tâm lý của một số học sinh còn e dè, ngại sự hoạt động nhóm, hoạt động cặp, chưa chủ động chưa sáng tạo. Điều này đòi hỏi giáo viên phải kiên trì và nhiệt huyết để hướng dẫn học sinh, giúp đỡ học sinh tích cực hơn trong các hoạt động ở lớp cũng như chủ động hơn trong việc tìm tòi chuẩn bị bài ở nhà. Bên cạnh đó còn những khó khăn đòi hỏi sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng trường THPT Cửa Lò I cho biết thêm:“Cơ bản những khó khăn về phía nhà trường, về phía học sinh, về phía học sinh thì đang dần dần khắc phục được. Tuy nhiên cái điều còn trăn trở và khó khăn lớn nhất là trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa thực sự đồng bộ với sự đổi mới”
Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học ở trường THPT Cửa Lò I là một trong những nội dung trọng tâm của nhà trường, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị BCH trung ương lần thứ 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”
Thanh Bình