Đền làng Hiếu trong tâm thức của người dân Nghi Hải-Thị xã Cửa Lò

Đăng ngày 27/03/2014

 

Khi cư dân Nghi Hải lênh đênh trên biển cả mênh mông, ngày đêm đánh bắt hải sản, có lúc gặp sóng to, gió lớn mà tai qua nạn khỏi thì họ càng tin vào một đấng thần linh che chở phù hộ cho mình. Nên tín ngưỡng tâm linh là chỗ dựa tinh thần của cư dân Nghi Hải thì thần tượng “ cá ông” như một đấng thiêng liêng cứu cánh giữa trùng khơi của cư dân chài lưới. Do đó các cửa sông dọc theo bờ biển Việt Nam, đâu đâu cũng có đền thờ, miếu thờ “Cá ông”.

Theo “Đại Việt sử kỷ” của Lê Quý Đôn hay “Đại việt lược sử” của Trần Trọng Kim và các tư liệu lịch sử về Nghệ An của Trần Huy Liệu, từ thể kỷ thứ X đến thể kỷ thứ XIV, Cửa Hội là một trong những cửa lạch có nhiều thuyền trong và ngoài nước qua lại buôn bán, đánh bắt hải sản. Nơi các vương triều quốc gia Đại Việt đều quan tâm xây dựng, phòng thủ hai cửa sông này để bảo vệ đất nước. Tướng sĩ đã từng yên nghỉ bởi những trận chiến ác liệt trên mảnh đất này. Cửa Lò và Cửa Hội là nơi giàu tài nguyên hải sản. Cư dân phần lớn từ phía Bắc và phía Nam đến. Các cụm dân cư được hình thành từ thể kỷ thứ XIV về sau đều bắt nguồn từ công tác khai khẩn đất hoang và đánh bắt hải sản của cư dân nhiều nơi khác đến sinh sống. Từ đó, người dân nơi đây đã lập nên các đền chùa, miếu mạo để thờ phụng như: chùa Hói Trai thờ phật, điện Tam Tòa thờ đức thánh mậu, miếu cá ông thờ “cá ông” và đền làng Hiếu ..Căn cứ vào sắc phong của vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 ( tức là năm 1784 Dương lịch) thì đền làng Hiếu đã có cách đây 228 năm vào giữa thể kỷ thứ 17. Sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9( 1925) có nêu : ( Cao sơn cao các… Tôn thần nguyệt tằng phù linh… bán cánh thành hoàng đại vương tôn thần hộ quốc…). Dựa vào nội dung 6 đạo sắc phong này ta có thể khẳng định đền làng Hiếu phụng thờ một vị đại thần có công giúp nước và khai khẩn đất hoang lập nên làng và các triều đại giao cho cư dân hai xã Lộc Châu và Lộc Hải thờ phụng tại đây.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề bởi 2 cuộc chiến tranh, các đền chùa, miếu mạo trên địa phận Nghi Hải không còn nữa. Riêng đền làng Hiếu thì vẫn còn nhưng chỉ là nền đất cũ và 1 số hạng mục đã bị thời gian làm cho phai mờ, hư hỏng nhưng vẫn được cư dân nơi đây bảo quản, hương khói thờ phụng hàng năm.

Theo các cụ cao niên truyền lại và dựa vào sắc phong thì đền làng Hiếu xưa có cấu trúc mái cong hình rồng, ba tầng lầu thờ phụng ( cao sơ cao các) có thượng điện và hạ điện, xà hạ kèo, cột được chạm trổ hoa văn đầu rồng. Trước đền có lầu tam bảo và tắc môn đề hai chữ “ Khai môn”, bên phải và bên trai có cổng ra vào và đôi câu đối cùng hình tượng hai người lính đội nón cầm gươm đứng gác. Đền nằm ở huyệt đầu rồng, hướng Đông Nam đón luồng sinh khí từ biển và cửa sông vào, theo thuyết phong thủy thật là đại cát. Tiếc rằng những kiến trúc cổ xưa không còn nữa . Nhưng đến nay người dân Nghi Hải vẫn còn giữ được 6 đạo sắc của vua ban từ triều đại hậu Lê đến các triều đại nhà Nguyễn . Ngoài ra một số người dân nơi đây còn bảo quản và gìn giữ được một số di vật phụng thờ của chùa Hói Trai, điện Tam Tòa, Đình hai xã, miếu cá ông và đã bàn giao lại cho ban quản lý đền làng Hiếu. Đây là những vật quý hiếm cần được gìn giữ cho muôn đời sau.

Tín ngượng của cư dân Nghi Hải đã trở thành bản sắc văn hóa tâm linh của vùng biển Cửa Lò. Để văn hóa tâm linh và các di sản được trường tồn, cư dân Nghi Hải tâm nguyện cần phải xây dựng phục chế tôn tạo lại ngôi đền làng Hiếu như xưa. Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cư dân địa phương, đầu tháng 4/2012 vừa qua, Thị xã Cửa Lò đã cho phép phường Nghi Hải tổ chức khởi công xây dựng lại Đền. Trong tương lai không xa, đền Làng Hiếu sẻ là điểm tham quan, vãn cảnh của du khách khi về Cửa Lò và là điểm văn hoá tâm linh của người dân vùng sông nước./.