PV: Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thị xã Cửa Lò đã ra sức xây dựng thương hiệu đô thị du lịch biển văn minh, thân thiện, mến khách. Xin ông cho biết những thành quả nổi bật của thị xã?
Ông Hoàng Đức Cường: Cửa Lò được xác định là 1 trong 3 trọng điểm trung tâm du lịch lớn của tỉnh. Cửa Lò có tiềm năng du lịch biển, có truyền thống văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Do vậy, Cửa Lò xác định cho mình một thương hiệu du lịch biển, góp phần phát triển, phát huy các giá trị về danh thắng, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Cửa Lò- Nghệ An với bạn bè trong, ngoài nước. Muốn làm được điều đó, Cửa Lò phải xây dựng hình ảnh thị xã du lịch, thân thiện và mến khách, bắt đầu từ việc mỗi công dân Cửa Lò là một tuyên truyền viên – hướng dẫn viên du lịch.
Trong 18 năm xây dựng và trưởng thành, Cửa Lò đã gặt hái những thành công lớn. Về kinh tế, đã đưa thị xã trở thành một vùng kinh tế phát triển đa ngành, mà có kinh tế ngư nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong dó trọng điểm là dịch vụ du lịch. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19- 20%/năm trong nhiều năm.
Từ một địa phương nghèo trở thành một địa phương tốp đầu của tỉnh, thu ngân sách đạt trên 200 tỷ đồng/năm. Bình quân thu nhập đầu người trên 40 triệu đồng/năm. Cửa Lò đã xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ và hiện đại, hạ tầng về giao thông, điện, cấp nước, xử lý nước thải… đáp ứng được yêu cầu của đô thị loại 3 và được công nhận đô thị loại 3 vào năm 2009. Dịch vụ- du lịch, thương mại phát triển ổn định, doanh thu từ du lịch hàng năm đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng; Hàng năm, Cửa Lò đón trên 2.000.000 lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và lưu trú. Ngoài phát triển du lịch, đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao, tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 8.000 tấn/năm…
Cửa Lò nhanh chóng tập trung đầu tư và xây dựng đời sống tinh thần đạt được những thành tựu nổi bật. Thị xã đã xây dựng giai đoạn 2 của thị xã văn hoá, đến nay có phường Nghi Thu đạt Phường Văn hoá, còn 2 phường Nghi Hương và Nghi Hoà đang làm thủ tục để xét công nhận Phường Văn hoá. Hơn 70% cơ quan, khối văn hoá. Về giáo dục có 21/22 trường học đạt chuẩn quốc gia. 7/7 phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 8%. Quốc phòng an ninh đảm bảo, tạo niềm tin đối với nhân dân và khách du lịch, trên địa bàn chưa xảy ra những vụ nổi cộm về an ninh. Hệ thống chính trị được củng cố tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo được lòng tin với nhân dân…
P.V: Vậy, hiện Cửa Lò còn những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Cường: Khó khăn hiện nay của thị xã trong phát triển kinh tế do địa bàn nhỏ, du lịch chỉ một mùa nên giải quyết việc làm cho lao động là vấn đề khó khăn… Quản lý du lịch, quản lý quy hoạch, đô thị còn những mặt yếu, môi trường tự nhiên và xã hội chưa đáp ứng.
Do đó giai đoạn vào mùa du lịch và cả mùa không có du lịch đều áp lực về lao động, việc làm. Bên cạnh đó, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của đô thị loại 3, nhiều mặt đang còn yếu như giao thông, thuỷ lợi, kè, đê biển, thoát nước thải, do nguồn lực có hạn. Năm 2012 này là năm rất khó khăn về nhiều mặt trong phát triển kinh tế, nguồn lực đầu tư thấp thua so với nhiều năm trước. Năm 2011, riêng nguồn ngân sách phục vụ đầu tư chỉnh trang đô thị của Cửa Lò gần 40 tỷ đồng, song năm nay chỉ khoảng 10 tỷ đồng, nguồn đầu tư của hộ dân kinh doanh du lịch cũng giảm hơn so với các năm trước. Phong cách phục vụ du lịch chưa chuyên nghiệp do một số lao động hạn chế về nhận thức xã hội và năng lực, trình độ.
P.V: Mùa du lịch biển 2012, Cửa Lò sẽ có những điểm nhấn nào thu hút?
Ông Hoàng Đức Cường: Mặc dù có nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư hạn chế, song thị xã đặt yêu cầu năm 2012 này phải hơn năm 2011 về mọi mặt. Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về du lịch phải làm tốt hơn, từ tổ chức các hoạt động đến quảng cáo, tuyên truyền giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Cửa Lò. Đó không chỉ là nhiệm vụ tuyên truyền mà còn là nhiệm vụ kinh tế, xã hội đối với Đảng bộ và nhân dân Cửa Lò. Phải xây dựng cho được một môi trường hoạt động kinh doanh du lịch và phục vụ khách du lịch tốt hơn năm 2011.
Từ an ninh trật tự, an toàn cho du khách đến giá cả dịch vụ, chất lượng dịch vụ, sự thân thiện của người Cửa Lò đối với khách du lịch… đều phải được quan tâm hơn. Không để xẩy ra tai nạn trên biển, quản lý giá cả nghiêm ngặt để các khách sạn, nhà hàng, các hộ kinh doanh không nâng giá, ép giá với khách. Thị xã xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn văn minh, để phục vụ cho mục tiêu Cửa Lò thân thiện, mến khách, văn minh, lịch sự.
Hệ thống điện, cây xanh, thảm cỏ được nâng cấp, chỉnh trang lại đẹp hơn. Sắp xếp lại hệ thống biển báo, tất cả nhà hàng đều phải có bảng niêm yết giá, và các đối tượng này đều được học tập, được tập huấn nghiệp vụ về du lịch. Quy định các điểm bán hàng lưu niệm, hàng khô, thực phẩm tươi sống, các điểm đậu xe, hàng đêm, hàng sáng… tạo môi trường văn minh lịch sự. Năm nay, Cửa Lò có thêm 10 khách sạn lớn, tăng hơn 500 phòng nghỉ so với năm ngoái. Cửa Lò cố gắng có sản phẩm du lịch mới như golf biển, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chế tác hàng lưu niệm, xây dựng thương hiệunước mắm Cửa Lò. Mở rộng thêm các tua, tuyến du lịch trên sông Lam, thăm đảo Ngư…
Năm nay, công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển được Cửa Lò đầu tư đồng bộ hơn, mua tàu to, ca nô tốc độ nhanh, xuồng, lưới, phương tiện cảnh báo, các chòi, phao, lực lượng tàu trực chiến thường xuyên trên biển… Ngoài ra, còn tuyển thêm 100 lao động, nâng tổng số lên 150 cán bộ, chiến sỹ bảo vệ ngoài biển, để đảm bảo hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ kịp thời cho du khách tắm biển an toàn. Bên cạnh đó, có các Trung tâm y tế, trạm trực cấp cứu bố trí ngoài bãi biển, phục vụ công tác y tế kịp thời nhất. Toàn bộ lực lượng phục vụ cho công tác bảo đảm du lịch gần 1.000 người.
Song song với các nhiệm vụ trên, thị xã tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về văn hóa du lịch; xây dựng đội ngũ cán bộ từ thị xã đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, có năng lực trí tuệ, bản lĩnh, văn hóa. Phát huy quyền làm chủ của mỗi công dân, phát huy sức sáng tạo, đóng góp của nhân dân trong xây dựng thị xã du lịch biển văn minh, giàu đẹp.
P.V: Xin cảm ơn ông!