Mạnh dạn học hỏi, tận dụng sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân đã từng bước vượt qua khó khăn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất với mục đích duy nhất là khẳng định thương hiệu và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân Cửa Lò.
Cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm Hằng Hơn thuộc tổ hợp tác Bình Minh, Phường Nghi Thủy là một trong những hộ tiên phong mạnh dạn đầu tư máy móc để phục vụ đóng gói sản phẩm hải sản. Để phấn đấu được công nhận sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép đạt tiêu chuẩn OCOP, hộ kinh doanh của tổ hợp tác Bình Minh luôn xem trọng chất lượng sản phẩm và hình thức mẫu mã. Hai yếu tố này chính là điều kiện tiên quyết để khẳng định thương hiệu làng chài Nghi Thủy.
Anh Dương Văn Yên – Tổ hợp tác Bình Minh, Phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò cho biết:“Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã của sản phẩm, chúng tôi đầu tư máy dán màng siu, máy bọc màng co thực phẩm, các nhãn mác, có mã QR của tổ hợp tác bình minh, để chất lượng đạt sản phẩm OCOP”.
Với 22 thành viên thuộc tổ nghề nghiệp làm vườn của hội nông dân phường Nghi Hương, nhờ sự hướng dẫn, liên kết cùng học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, khâu làm đất, khâu chọn giống và phòng trừ sâu bệnh nên năm nay giống cây dưa chuột đã mang lại hiệu quả kinh tế gia đình rất cao nên nhiều hộ gia đình đã chọn mô hình này để sản xuất.
Ông Nguyễn Viết Trung – Khối Điện Biên, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò cho biết: “Chúng tôi cũng nắm bắt khoa học kỹ thuật, đặc biệt khâu làm đất, khâu chọn giống và phòng trừ sâu bệnh, loại cây dưa chuột này rất khó làm nhưng biết áp dụng khoa học kỹ thuật thì sau khi làm được hoàn chỉnh rồi cây dưa chuột phát triển đem lại hiệu quả kinh tế gia đình rất cao, riêng gia đình chúng tôi làm hơn 700m vuông trong vườn cứ hơn 2 tháng đưa lại thu nhập cho gia đình cỡ khoảng 15 đến 20 triệu”.
Mang lại nhiều thay đổi tích cực, góp phần nâng cao năng suất, các cấp, các ngành trên địa bàn thị xã đã khuyến khích nhân dân để có những định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới, Cửa Lò vẫn luôn xác định tận dụng lợi thế của từng địa phương để huy động nhân dân đầu tư phát triển, từng bước khắc phục khó khăn, tạo nên hiệu ứng mới để nhân dân cùng làm. Để thực hiện đúng định hướng đề ra trong thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền cần có sự chủ động của mỗi hộ sản xuất kinh doanh, mang tri thức, tâm huyết, áp dụng những cái mới, cái cần vào sản xuất để cạnh tranh trên thương trường, sản phẩm được bán ra nhiều hơn, thu nhập người dân sẽ cao và quan trọng nhất là tên gọi của thương hiệu ở mỗi địa danh sẽ dần quen thuộc trong lòng du khách.
Nguyễn Hương – Tạ Nhật