Cũng như các địa phương khác, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, theo tiếng gọi thiêng liên của tổ quốc, hàng ngàn người con ưu tú của Cửa Lò đã hăng hái nhập ngũ. Các anh đã tham gia chiến đấu, phục vụ các tuyến đường huyết mạch, có mặt tại những chiến trường trọng điểm, ác liệt của đất nước. Các anh đã anh hùng chiến đấu, hy sinh bản thân mình để góp phần giải phòng dân tộc, thống nhất nước nhà. Chiến tranh kết thúc, 829 người con ưu tú của Cửa Lò đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường, 635 đồng chí thương binh, bệnh binh, 21 bà mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng, 45 đ/c được công nhận là lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 3000 người được Nhà nước tặng Huân, Huy chương các loại, 7/7 phường được phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tri ân những người con đã anh dũng hy sinh cho độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà và để giúp thế hệ hôm nay có nơi tưởng nhớ về công ơn của các anh, thị xã Cửa Lò đã huy động các nguồn lực xây dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ cho từng phường.
Chiến tranh đã lùi xa, song những đau thương, mất mát của các thế hệ cha anh thì nay vẫn còn hiện hữu. Biết bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha hàng ngày phải nén đau thương để sống. Nhiều người may mắn trở về quê hương nhưng hàng ngày vừa bị vết thương chiến tranh hành hạ thân xác, vừa chứng kiến cảnh con mình không lành lặn vì nhiễm chất độc da cam. Nhưng họ đã được Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân Cửa Lò luôn trân trọng, biết ơn và sẽ chia giúp đỡ để vượt qua khó khăn thường nhật. Do đó hiện nay ở Cửa Lò đã có rất nhiều tấm gương sáng, những việc làm cao cả của các đồng chí thương binh, bệnh binh, của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, của các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước được nhân dân tôn vinh. Họ không chỉ là tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả cho độc lập dân tộc mà cả trong thời bình họ còn là những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, đúng như lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”. Đơn cử như Thương binh ¾ Hoàng Khắc Hạnh ở khối 1 phường Nghi Hương, vợ thường đau ốm, con trai nhiễm chất độc da cam nhưng hàng ngày anh vẫn miệt mài lao động để cải thiện cuộc sống cho gia đình.
Các mô hình làm kinh tế do thương, bệnh binh làm chủ ngoài cải thiện cuộc sống cho gia đình họ còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khá. Điểm chung ở đây đó là bản chất anh lính cụ Hồ đã được phát huy cao độ và các anh luôn nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương. Hàng năm, từ thị xã tới các phường đều quan tâm hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận, vay các nguồn vốn ưu đãi cũng như tham gia các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đồng thời được tạo điều kiện về mặt chủ trương, cơ chế chính sách để phát triển kinh tế hộ. Nhờ đó, từ các nghề nông, ngư nghiệp truyền thống cho đến ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ buôn bán họ đều nổ lực tham gia và thu được kết quả tốt.
Không chỉ nâng cao đời sống mà Cửa Lò còn quan tâm hỗ trợ các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng về nhà ở. Bằng hình thức xã hội hóa, hàng năm Cửa Lò vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài thị xã ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền hàng trăm triệu đồng. Từ số tiền này, hàng chục đối tượng chính sách gặp khó khăn, già cả neo đơn được hỗ trợ xây dựng mới, tu sửa nhà ở. Chẳng hạn như thương binh Nguyễn Trọng Cảnh trở về quê hương hai mắt bị mù, chân tay tê liệt, không có khả năng lao động. Tuy nhiên, trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng từ năm 1995 này, niềm tin vào cuộc sống của ông vẫn nguyên vẹn, bởi xung quanh ông vẫn có người vợ tần tảo, con cháu và sự quan tâm, thăm hỏi của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể cùng bà con lối xóm. Và trong dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ năm nay ông còn được hỗ trợ thêm 40 triệu đồng để nâng cấp ngôi nhà đang ở.
Không chỉ có vậy, hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, thị xã Cửa Lò đã thành lập nhiều Đoàn cán bộ đến tận từng gia đình để thăm hỏi, tặng quà. Ngoài tặng quà của Trung ương, Tỉnh và địa phương Cửa Lò còn huy động toàn xã hội cùng hưởng ứng. Hàng trăm món quà, hàng trăm sổ tiết kiệm tình nghĩa, hàng ngàn sổ bảo hiểm, suất học bổng đã được trao tặng cho thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng và con em họ. Những món quà tình nghĩa này đã giúp họ vơi đi đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Riêng đối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xem việc làm này không chỉ là tình nghĩa mà là trách nhiệm, là sự đền ơn những người đã cho mình được sống trong hoà bình, độc lập.
Một hoạt động quan trọng nữa được thị xã quan tâm thực hiện đó tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về công tác đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt là thực hiện 5 chương trình chăm sóc người có công của Bộ lao động thương binh & xã hội. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục và huy động thế hệ trẻ tham gia giúp đỡ các thương binh, thân nhân liệt sỹ già cả neo đơ, tham gia đảm nhận gìn giữ, vệ sinh các đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ của địa phương. Nhiều buổi tổng dọn vệ sinh, chăm sóc bồn hoa cây cảnh, chăm sóc phần mộ anh hùng liệt sỹ , tu sửa nghĩa trang của Đoàn thanh niên được huy động. Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh hàng năm, tuổi trẻ Cửa Lò còn tham gia tổ chức lễ thắp nến tri ân. Những việc làm trên không chỉ giúp các linh hồn cũng như thân nhân các anh hùng liệt sỹ thanh thản hơn mà còn góp phần giáo dục các tầng lớp thanh thiếu niên biết ơn đến các thế hệ cha anh đã hy sinh thân mình cho độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.
Hướng về ngày thương binh liệt sỹ 27/7 năm nay, thị xã Cửa Lò cũng đang phát động nhiều phong trào thi đua và tổ chức các hoạt động thiết thực mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Chủ trương của Thị xã là đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hoá công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị tham gia chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương làm tốt hơn công tác ưu đãi người có công với cách mạng theo các tiêu chuẩn của Bộ lao động thương binh & xã hội đã ban hành.
Đền ơn đáp nghĩa là một việc làm thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Cửa Lò. Chiến tranh giờ đã cách xa nhưng sự hy sinh hay những chiến công của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng mãi mãi được thế hệ hôm nay và mai sau lưu danh, trân trọng và tri ân.
.
Theo: Hữu Lương – Ngọc Ánh – Đậu Thuận